Tại đình Nhơn Hòa, quận 1, TP HCM, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã gặp gỡ hai NSƯT có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương. Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đã trao đến 2 nghệ sĩ món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" là số tiền 5 triệu đồng/người.
Đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" trò chuyện với hai nhạc sĩ Hoàng Thành (áo vàng) và Minh Tâm (bìa trái)
Người sáng chế "dây đờn Mỹ Châu" nổi tiếng
Từ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, nơi NSƯT - nhạc sĩ Hoàng Thành vừa hoàn tất buổi tập dợt cho sinh viên chuẩn bị thi tốt nghiệp, ông đã đến điểm hẹn của giới nghệ sĩ sân khấu cải lương để gặp gỡ Chương trình "Mai Vàng nhân ái".
Là một trong những nhạc sĩ cổ nhạc kỳ cựu của sân khấu cải lương TP HCM, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, NSƯT Hoàng Thành đã cống hiến cho sàn diễn và đào tạo nhiều nhạc công, cung cấp cho các dàn nhạc cổ chuyên nghiệp khắp các tỉnh, thành phía Nam.
NSƯT Hoàng Thành tên thật là Lê Văn Thuận, sinh ra trong gia đình nghèo khó. Không may năm lên 2 tuổi, ông bị cơn sốt bại liệt cướp đi đôi chân. Khi còn là thiếu niên, ông đã đắm say tiếng đờn cổ nhạc. Ông được nhiều nghệ nhân dìu dắt, truyền nghề như: Văn Bông, Văn Ðặng, Minh Phụng. Năm 1963, nghệ nhân Bảy Tuất chính thức đưa ông tham gia dàn cổ nhạc sân khấu cải lương chuyên nghiệp tại gánh hát Bình Minh.
Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của NSƯT nhạc sĩ Hoàng Thành là lối rao đờn mùi mẫn khi vào bài vọng cổ. Ông được nhiều nghệ sĩ tài danh yêu mến tài nghệ.
Danh tiếng nhạc sĩ Hoàng Thành càng rực sáng hơn khi làm trưởng ban nhạc Ðoàn Cải lương tập thể Sài Gòn 2 và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ông để lại ấn tượng qua các vở tuồng: "Tìm lại cuộc đời", "Tiếng hò sông Hậu", "Khách sạn Hào Hoa"…
Dàn nhạc cổ của NSƯT Hoàng Thành (bìa phải) đệm cho hai nghệ sĩ Phạm Huyền Trâm và Lê Văn Gàn biểu diễn trong Chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn"
Cuối thập niên 1970, lúc tập vở "Tìm lại cuộc đời" (do bộ ba tác giả: Huy Lam - Hoàng Khâm - Ðiêu Huyền sáng tác), vì muốn giữ giọng cho ngày phúc khảo, NSƯT Mỹ Châu (đóng vai Lan) nhờ nhạc sĩ Hoàng Thành hạ thấp dây đờn xuống một cung. Nhạc sĩ Hoàng Thành đã nghiên cứu lấy thanh gỗ chặn dây đờn để nhấn nhá chữ đờn từ "hò - đô" lên "hò - la" hợp với chất giọng của hai nghệ sĩ Mỹ Châu và Thanh Tuấn mà không cần phải chỉnh dây lên xuống.
Không ngờ, sự sáng tạo này đã đem lại thành công, yểm trợ đắc lực cho giọng ca trầm buồn của NSƯT Mỹ Châu. Từ đó, người trong nghề gọi sáng chế này là "dây đờn Mỹ Châu".
Ngoài ra, ông còn sáng tác thể điệu "Lý Mỹ Trà" mà sau này được sử dụng khá nhiều. Ðến thập niên 1980 - 1990, ông bắt đầu sáng tác, biên soạn lời ca vọng cổ và viết kịch bản cải lương. Ông đã viết gần 100 bài vọng cổ và hàng chục vở tuồng cải lương được nhiều người mến mộ.
Hiện nay, dàn nhạc cổ của ông xuất hiện đều đặn trong các chương trình: "Vầng trăng cổ nhạc", "Ðêm biển hẹn", "Nghệ sĩ và tri âm", "Chuông vàng vọng cổ", "Ngân mãi chuông vàng"...
NSƯT Hoàng Thành và NS Lê Văn Gàn
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao quà cho nhạc sĩ Hoàng Thành
Nhận được món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", nhạc sĩ Hoàng Thành bày tỏ: "Đời sống sàn diễn cải lương và nghệ thuật đờn ca tài tử sau hai đợt dịch Covid-19 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn hiếm cơ hội để dàn nhạc cổ biểu diễn. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng truyền nghề, tận tình chỉ dẫn những em cháu muốn học đờn cổ nhạc để cố gắng bảo tồn bộ môn nghệ thuật độc đáo mà ông cha để lại".
Xứng đáng hậu duệ của gia tộc Minh Tơ
NSƯT – nhạc sĩ Minh Tâm cũng có mặt tại đình Nhơn Hòa để gặp gỡ Chương trình "Mai Vàng nhân ái".
Trong giới sân khấu, hầu hết các nghệ sĩ đều biết đến nhạc sĩ Minh Tâm. Ông là em thứ tám của cố NSND Thanh Tòng, người duy nhất trong gia tộc Minh Tơ nối nghiệp nghệ sĩ Đức Phú – người chuyên sáng tác nhạc tuồng cổ cho sân khấu Minh Tơ - Khánh Hồng những ngày đầu gầy dựng thương hiệu.
Trong khi các anh chị em trong gia đình đềutheo nghề diễn viên thì nhạc sĩ Minh Tâm lại say mê học nhạc và được người cậu chỉ dạy tận tình.
Có thể nói, nhạc sĩ Minh Tâm là hậu bối, chuyên sáng tác những bài bản dành cho sân khấu cải lương tuồng cổ. Ông thừa hưởng tinh hoa của ông cha nhưng có sáng tạo, đưa vào những bài bản tuồng cổ âm điệu ngũ cung của hò, xự, xang, xê, cống, mà dấu ấn đậm nét là biến bài "Lý cây bông" của Nam Bộ thành bài bản tuồng cổ độc đáo trong tác phẩm "Câu thơ yên ngựa".
NSƯT - Nhạc sĩ Minh Tâm
Về phần âm nhạc, ông là linh hồn của các tác phẩm cải lương tuồng cổ để đời như: "Câu thơ yên ngựa", "Tô Hiến Thành xử án", "Ngọn lửa Thăng Long thành", "Bức ngôn đồ Đại Việt"...
Bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương cánh tay trái nhưng nhiều năm qua, nhạc sĩ Minh Tâm vẫn cố gắng tham gia biểu diễn, truyền nghề. Ông còn mang bệnh thấp khớp, có một thời gian bàn tay phải không thể cử động vì bị đau nhức.
Cảm ơn sự hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", nhạc sĩ Minh Tâm thổ lộ: "Món quà là động lực để tôi vượt qua khó khăn của bệnh tật, tiếp tục làm việc để cống hiến cho sân khấu, xứng đáng với tình thương mến của công chúng dành cho gia tộc".
NSƯT Minh Tâm và nghệ sĩ Xuân Yến (người chị thứ tư trong gia đình - mẹ nghệ sĩ Trinh Trinh)
"Mai Vàng nhân ái" được phát động tại Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 25 của Báo Người Lao Động, với sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á. Chương trình nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đã nỗ lực không ngừng trong sáng tạo nghệ thuật, cống hiến cho công chúng những tác phẩm hay, những vai diễn xuất sắc, đang có hoàn cảnh khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ: NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Tiến Luân, nghệ sĩ Kim Giác, nghệ sĩ Điền Phong, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nghệ sĩ Hoàng Lan, nhà văn – nghệ sĩ Mạc Can, nghệ sĩ Chấn Đạt, NSƯT - họa sĩ Lê Trường Tiếu, nhà biên kịch Lê Khanh, nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Phan Văn Sáng, Mai Thành, NSƯT Nam Hùng, NSƯT Hùng Minh, nghệ sĩ Tùng Lâm, ảo thuật gia Trần Bình, nghệ sĩ Thanh Thế, nghệ sĩ Mai Trần, nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm, nghệ sĩ Hữu Thành, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, nghệ sĩ Thanh Tú, NSƯT Thanh Nguyệt, đạo diễn Lê Văn Tĩnh, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Đồng Tháp), NSƯT Phương Tùng (Long An), nghệ sĩ Thạch Sỹ Long, Kiều Mỹ Dung (Cần Thơ), NSƯT Ngô Tuyết Hoàn, ca sĩ Tuấn Phương (Hà Nội), nhạc sĩ Phan Thao, nhạc sĩ Kỳ Anh, NSND Thái Mạnh Hiển, GS - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Đời, nghệ sĩ Hoàng Vân, nghệ sĩ Diễm Trinh, nghệ sĩ Tuấn Phương, nghệ sĩ Trường Quang, NSƯT Ngọc Khanh, nghệ sĩ Tấn Thi.
Chương trình cũng đã đến thăm, trao quà cho Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM và viếng tang lễ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm.
Bình luận (0)