Không ít nhạc sĩ trẻ thừa nhận viết cho trẻ em thì bài hát "không được hoành tráng, khó có tác phẩm lớn" nên hầu như né tránh lĩnh vực âm nhạc đặc biệt này.
Những người tiên phong
Ca sĩ Phan Đinh Tùng vừa cho ra mắt MV (video ca nhạc) "Nào mình cùng đánh răng", khởi đầu cho dự án âm nhạc thiếu nhi dài hạn. Ca khúc mới của anh kết hợp cùng vợ - ca sĩ Thái Ngọc Bích - và con gái lớn, bé Noel. Phan Đinh Tùng vẫn chưa tiết lộ chi tiết dự án, vì anh muốn dành sự bất ngờ cho khán giả nhí và phụ huynh. Tuy nhiên, anh bật mí các ca khúc phần lớn đều hướng đến việc dạy con những kỹ năng sống cơ bản, cách ứng xử lễ phép qua ca từ dễ hiểu, giai điệu vui tươi, nhẹ nhàng.
"Khi có con, làm cha, tôi có những cảm xúc rất mãnh liệt. Từ những câu hát đơn giản ban đầu, tôi phát triển thêm thành bài hát. Những gì tôi làm không quá khó nhưng cũng không dễ, vì nếu dễ thì nhiều người đã làm. Thị trường âm nhạc đang thiếu sản phẩm dành cho thiếu nhi. Vì thế, tôi rất lưu tâm vấn đề này" - Phan Đinh Tùng bộc bạch.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (áo đen) - người đang sở hữu 300 ca khúc thiếu nhi
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả 300 ca khúc thiếu nhi. Với văn bản pháp lý này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã trở thành người giữ kỷ lục mới về sáng tác âm nhạc cho tuổi thơ hiện nay. Nguyễn Văn Chung cho biết cách 7 năm, anh quyết định thử thách mình trong những ca khúc về gia đình với album "Thương con thương cả cuộc đời", đồng thời chuyên tâm viết nhạc thiếu nhi với album "Gia đình nhỏ hạnh phúc to", trong đó có các bài: "Nhật ký của mẹ", "Thư của mẹ", "Bé mừng sinh nhật", "Mẹ ơi có biết", "Cảm ơn thiên thần"... Những ca khúc này hiện là những bài hát quen thuộc với thiếu nhi.
Hồng Nhung gần như là ca sĩ tiên phong trong việc phát hành album nhạc thiếu nhi. Album nhạc thiếu nhi "Cháu vẽ ông mặt trời" của chị đã tạo nên những hiệu ứng tích cực từ khán giả yêu nhạc. Sau "Cháu vẽ ông mặt trời", Hồng Nhung đã làm thêm album "Tuổi thơ tôi" với 10 bài hát thiếu nhi quen thuộc nằm lòng của bao thế hệ như: "Ngày đầu tiên đi học", "Chú ếch con", "Đếm sao"…
Thị phần bị lãng quên
Theo những người trong cuộc, kho tàng âm nhạc thiếu nhi ngày càng thiếu hụt những giai điệu tươi vui, trong sáng, song dường như sân chơi âm nhạc dành cho trẻ con hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Do vậy mà dẫn đến hiện tượng thiếu nhi luôn phải "gồng gánh" những ca khúc người lớn một cách mệt nhọc. Ca khúc thiếu nhi mới không có, khán giả thiếu nhi buộc lòng phải nghe, phải hát những giai điệu yêu đương nồng cháy, thậm chí là não tình của người lớn.
"Có những lúc tôi thấy chơi vơi, mệt mỏi và muốn dừng lại. Nhạc thiếu nhi không mang lại lợi nhuận, danh tiếng nhưng tôi viết vì muốn được cống hiến, muốn được làm điều ý nghĩa, thiết thực cho cuộc sống. Nhiều người kêu gọi chấn hưng nhạc thiếu nhi nhưng không ai sáng tác thì chấn hưng kiểu gì?" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trăn trở.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm huyết: "Tôi đang cố gắng đi tiên phong, gieo hạt, ươm mầm các sáng tác cho thiếu nhi. Tôi làm điều này với mong muốn thiếu nhi sẽ có được những ca khúc hay, phù hợp lứa tuổi. Trong từng ca khúc, tôi luôn lồng ghép vào đó tính giáo dục những điều tốt đẹp, giá trị thiêng liêng của cuộc sống, của gia đình".
Thực tế cho thấy vì tính chất khu biệt khán giả, ca khúc thiếu nhi chỉ gói gọn trong một đối tượng, hiếm ca sĩ thể hiện và cũng không đem lại tiếng tăm lẫn thu nhập cho các nhạc sĩ. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng tỏ ra e dè bởi "đổ" kinh phí cho dòng nhạc này thì khó lòng thu hồi vốn. Các sân khấu ca nhạc dành riêng cho thiếu nhi hiện nay gần như là "vùng trắng". Thế nên câu chuyện nhạc cho thiếu nhi đã khó lại càng thêm khó.
Bình luận (0)