Việc Đen Vâu và Jack (trong bộ đôi Jack và K-ICM) không có tên trong danh sách đề cử giải thưởng Cống hiến 2020 đã vấp phải luồng phản ứng dữ dội của dư luận. Phản ứng này hoàn toàn dễ hiểu khi thời gian qua, cả hai đều là những cái tên phủ sóng showbiz Việt với các sản phẩm âm nhạc luôn đứng đầu top 1 trending (xu hướng tìm kiếm hàng đầu) trên YouTube Việt Nam.
Nghệ thuật thì phải sáng tạo và nổi bật
Lý giải thắc mắc của dư luận, ban tổ chức giải thưởng Cống hiến 2020 khẳng định những bài hát cực hot của Jack như "Hồng nhan", "Bạc phận" hay "Sóng gió" đều có giá trị nghệ thuật thấp; trong khi đó, Đen Vâu dù thành công với hàng loạt bài hát cùng một live show thu hút hơn 5.000 khán giả nhưng anh vẫn chưa đủ nổi bật so với nhiều trường hợp khác.
"Tiêu chí của giải Cống hiến năm nay là có những khám phá mới mẻ để đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc nói chung. Mỗi hạng mục đề cử đều có những điều kiện riêng và chỉ chọn lọc ra 5 hoặc 6 đề cử. Với trường hợp của Đen Vâu, dù bạn ấy có sản phẩm âm nhạc, live show trong năm qua nhưng nếu so với các đề cử khác thì chưa đủ nổi bật" - ban tổ chức giải Cống hiến 2020 lý giải.
Trong khi đó, với trường hợp của ca sĩ Jack, theo ban tổ chức, khoảng 5-6 năm trước, ca khúc "Vợ người ta" của ca nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh cũng nổi bật như những bài hát hot của Jack bây giờ. Tuy nhiên, giải Cống hiến không đưa vào đề cử. "Dù tác phẩm này lúc đó rất nổi trội trong đời sống âm nhạc nhưng lại không phù hợp với tiêu chí cống hiến vì không có gì mới mẻ và rất bình thường. Những bài hát như "Hồng nhan, "Bạc phận", "Sóng gió" cũng vậy" - ban tổ chức giải Cống hiến 2020 nói thêm.
Bên cạnh đó, ca khúc "Để Mị nói cho mà nghe" (sáng tác: nhóm DTAP, ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện) là cái tên khuấy đảo thị trường nhạc Việt thời gian qua cũng như các giải thưởng âm nhạc. Tác phẩm đã tạo ra một xu hướng MV cực thịnh ở thị trường nhạc Việt. Quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau trong thông điệp đầy ẩn dụ văn học khiến "Để Mị nói cho mà nghe" thực sự đáng xem. Dù thời lượng MV không dài nhưng rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực phê phán nổi tiếng đã được nhắc đến như Mị, lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu... Tất cả đều được tái hiện một cách sống động bằng hình ảnh, âm nhạc và vũ đạo.
“Để Mị nói cho mà nghe”, một sản phẩm được đón nhận bởi sự sáng tạo và mới mẻ của người trẻ Ảnh: LEON
Nếu sự xuất hiện của "Để Mị nói cho mà nghe" ở nhiều giải thưởng là sự hiển nhiên thì nhiều gương mặt khi được đề cử cũng gây tranh cãi. Trong đó, 2 cái tên Kata Trần hay Thịnh Kainz ở hạng mục Nghệ sĩ mới của năm tại giải Cống hiến 2020 là một ví dụ.
Thực tế, 2 nghệ sĩ này đều nằm trong nhóm tác giả DTAP, ê-kíp thực hiện "Để Mị nói cho mà nghe" hay album "Hoàng" gồm các ca khúc đạt hiệu ứng tốt thời gian qua là "Tứ Phủ", "Duyên âm", "Em không phải Thúy Kiều",…
Một sản phẩm âm nhạc hay hay dở rất khó phân định vì nó phụ thuộc vào gu âm nhạc của nhiều tầng lớp người thưởng thức. Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy là những người trẻ đang tạo nên những xu hướng nổi bật với tư duy sáng tạo, không chấp nhận giậm chân tại chỗ với những giá trị nghệ thuật sẵn có. Họ tạo nên cái mới mẻ của riêng mình để góp phần làm nên sắc màu mới cho nhạc Việt.
Đất diễn của người trẻ
Có một sự biến đổi mạnh mẽ trong thị trường nhạc Việt hiện tại. Ở nhiều bảng xếp hạng âm nhạc, những cái tên cựu trào được thay bằng những cái tên trẻ, mới. Không còn tình trạng khai thác, nhào nặn nhạc xưa với muôn hình vạn trạng từ hay, dở đến phản cảm như trước. Nhiều sản phẩm được giới thiệu là những sáng tạo mới mẻ của người trẻ. Điều đó tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho nhạc Việt.
Dù rapper Đen Vâu chưa chinh phục được hoàn toàn người trong giới nhưng chính anh đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển nổi bật của dòng nhạc underground (nhạc không chính thống, nhiều khác biệt so với âm nhạc đương đại) thời gian gần đây. Âm nhạc của Đen Vâu thuộc dạng "có gì nói nấy", không cần khoa trương hoa mỹ nhưng đủ sức len lỏi vào cảm xúc của người nghe. Gần đây, sự xuất hiện của Huy R cũng tạo ít nhiều thú vị với ca khúc "Anh thanh niên".
Phản ánh một cách trực diện cảm xúc của người viết, không vòng vo đánh đố chính là sắc màu nổi bật của âm nhạc hiện tại. Dù với cách thức sáng tác này, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận, đặc biệt với khán giả theo trường phái "nhạc, họa là thơ". Nhưng rõ ràng, sáng tạo âm nhạc thay đổi tùy thuộc vào thế hệ khán giả. Khán giả trẻ thời nay thích những chia sẻ thực tế với những trải nghiệm còn sai sót, vụng về. Điều đó lại ít nhiều tạo nên sự hay ho.
Giới chuyên môn nhận định nhạc Việt trong năm qua đã có một sự biến đổi lớn. Có những nghệ sĩ khẳng định bằng tài năng nổi bật và sự rèn luyện không ngừng nhưng cũng không ít người đi lên nhờ sự thông minh, nhạy bén cùng một ê-kíp năng động. Không có công cụ đánh giá nào chuẩn xác bằng tư duy thưởng thức âm nhạc của công chúng. Những MV drama (ly kỳ như phim truyền hình) ồn ào một thời nhưng nay cũng đã thoái trào vì dài dòng, lê thê mà ít giá trị nghệ thuật. Thậm chí, ca sĩ Phương Thanh thẳng thắn nhận định "MV drama dành cho những giọng hát không tốt lắm" thì việc xu hướng này đi vào dĩ vãng là điều dễ hiểu.
Khán giả mong đợi những sản phẩm âm nhạc văn minh, trí tuệ với đầy đủ sự sáng tạo, tư duy đổi mới và tham vọng khẳng định bản thân. Điều đó đang diễn ra trong quá trình nhạc Việt đang trở mình, thay máu...
Bình luận (0)