Sự kiện do Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo TP HCM, Thư viện Tổng hợp TP HCM, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Đại Đoàn kết tổ chức.
Báo Giải phóng, trực thuộc cơ quan Trung ương của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ra đời để cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam và cả nước, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ và đúng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Những người làm báo Giải phóng từ chiến khu trở về đã tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ra 15 số báo Sài Gòn Giải phóng đầu tiên
Tổng biên tập đầu tiên của báo Giải phóng là nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương), nguyên Tổng biên tập báo Cứu Quốc, một cán bộ miền Nam tập kết được điều trở lại chiến trường bằng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Hai nhà báo của báo Cứu Quốc là Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) và Thái Duy (Trần Đình Vân) hành quân theo đường Trường Sơn vào tới vùng căn cứ Tây Ninh để tham gia làm báo Giải Phóng ngay từ thời kỳ đầu.
Những năm sau, lần lượt đến với Báo Giải phóng là những nhà báo từ mọi miền đất nước. Cùng với họ, các thủ lĩnh báo Giải phóng tiếp theo như Thép Mới, Bùi Kinh Lăng, Nguyễn Huy Khánh, qua các giai đoạn khác nhau của cách mạng miền Nam đã làm nên lịch sử đặc biệt của một tờ báo vô cùng gian khổ và vinh quang trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Trong cuộc đối đầu với công nghệ thông tin hiện đại của phương Tây và Sài Gòn, cùng với Thông tấn xã và Đài phát thanh giải phóng, báo Quân Giải phóng, tờ báo in trong rừng mang tên Giải phóng đã kiên cường trụ vững để cất lên tiếng nói về cuộc chiến đấu chính nghĩa chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, tặng hoa các nhà báo lão thành từng công tác tại Báo Giải phóng.
"Không ai, không điều gì bị quên lãng", bằng những ký ức được tập hợp, lưu giữ và khai thác của chính những người trong cuộc, "Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa" đã kể được với công chúng hôm nay câu chuyện về một tờ báo làm nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình hơn 40 năm qua.
Dựa vào những tư liệu, hình ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã thu thập được, cùng với những tư liệu, ghi chép, ký ức của những người trong cuộc, bộ phim đã kể nhiều câu chuyện thú vị về sự khốc liệt, sự hy sinh mất mát ở chiến trường, cuộc sống gian khổ ở nơi mà mỗi nhà báo đều là chiến sĩ.
12 năm cầm bút và cầm súng, những người làm báo Giải Phóng đã cho ra đời 375 số báo trong 10 năm kháng chiến
12 năm cầm bút và cầm súng, những người làm báo Giải Phóng đã cho ra đời 375 số báo trong 10 năm kháng chiến và 412 số nhật báo Giải phóng tại Sài Gòn cho đến ngày tờ báo hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.
Không những vậy, ngay sau ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước 30-4-1975, những người làm báo Giải phóng từ chiến khu trở về đã tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ra 15 số báo Sài Gòn Giải phóng đầu tiên. Chỉ riêng tờ báo số 1 ra ngày 5-5-1975 đã phát hành nửa triệu bản trên toàn quốc với giá bán đồng 50 đồng/tờ (tiền miền Nam). Có thể nói, báo đã lập một kỷ lục về phát hành trong lịch sử báo chí Việt Nam trong thời điểm đặc biệt đó.
Một số hiện vật của phóng viên Báo Giải phóng giai đoạn 1964-1975.
Chia sẻ tại lễ ra mắt, nhà báo Kim Toàn, năm nay hơn 80 tuổi, nguyên phóng viên Báo Giải phóng, nguyên Tổng biên tập Báo Hải Phòng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, đã kể những câu chuyện thú vị về những năm tháng tác nghiệp dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù. Ngoài ra, sự hiện diện và những câu chuyện của các nhà báo lão thành Nguyễn Hồ, Phương Hà, Thái Duy (năm nay 96 tuổi) từng công tác tại Báo Giải phóng đã giúp người xem hiểu rõ hơn về những năm tháng công tác và những bài báo của các ông luôn hướng tới hòa bình và những giá trị cuộc sống cao đẹp.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp tục sưu tầm những tài liệu quý giá về lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và Báo Giải phóng nói riêng để tiếp tục tôn vinh tờ báo này và nhiều tờ báo khác của nước nhà.
Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trao giấy chứng nhận tới nhà báo Nguyễn Hồ, nguyên phóng viên Báo Giải phóng.
Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc bảo tàng báo chí Việt Nam, cho hay bộ phim được sử dụng phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất.
Bình luận (0)