Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cho biết: "Những tư liệu, báo chí liên quan đến nhà báo Trương Vĩnh Ký đã dần dần giúp chúng tôi tiếp cận được một cách chủ động, tự tin hơn phần di sản thời khởi thủy của báo chí tiếng Việt của chúng ta. Nhà báo Trương Vĩnh Ký là người đã dựng nên cột mốc đầu tiên, để lại những dấu ấn đầu tiên".
Video clip sự kiện
"Cuộc đời ông gắn liền với sự phát triển của chữ quốc ngữ, với việc quảng bá trên báo chí, trên sách vở, trong đó đặc biệt là việc biên soạn sách giáo khoa văn - sử - địa bằng chữ quốc ngữ. Đó cũng là cuộc đời của một người làm báo Việt Nam trong bối cảnh một phần đất nước được coi là nhượng địa của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX"- lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết.
Tại buổi tọa đàm, sự chủ trì, dẫn dắt của GS-TS Đỗ Quang Hưng cùng với bài thuyết trình mở đầu cuộc tọa đàm do diễn giả, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến trình bày đã giúp cho đại biểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Trương Vĩnh Ký.
Đây được coi là một hoạt động quan trọng mở đầu và sẽ được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp tục đầu tư, dàn dựng nhằm phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam các thời kỳ, tiếp thu và học tập các thế hệ nhà báo đi trước trong việc gây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà.
Hình ảnh trưng bày về nhà báo Trương Vĩnh Ký
Nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837-1898) còn có tên là Petrus Ký, là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học… Ông để lại cho hậu thế một gia tài khổng lồ với 118 tác phẩm, gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, phiên âm, dịch thuật, trong đó có nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp.
Nhà báo Trương Vĩnh Ký thông thạo và biết 27 ngôn ngữ. Sự nghiệp của ông thật là phi thường và hiếm có, nhất là trong giai đoạn giao thời giữa văn hóa Đông Tây ở cuối Thế kỷ 19 và đầu Thế kỷ 20. Ông luôn tìm cách cổ vũ cho sự sử dụng chữ quốc ngữ. Ông viết trên tờ Gia Định Báo ngày 15-4-1867: "Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết".
Tồn tại hơn 44 năm, từ tháng 4-1865 đến tháng 1-1-1910, tờ Gia Định Báo đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi nhà báo Trương Vĩnh Ký như một bằng chứng sống động về tài năng, lao động báo chí, sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, báo chí của người Việt từ 155 năm trước.
Hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
Toàn cảnh buổi tọa đàm, trưng bày hiện vật, ấn phẩm báo chí, tài liệu gốc giới thiệu về nhà báo Trương Vĩnh Ký
GS-TS Đỗ Quang Hưng phát biểu tại buổi tọa đàm
Diễn giả, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến trong buổi tọa đàm đã đã giới thiệu tham luận về Petrus Trương Vĩnh Ký và sự nghiệp Văn - Báo - Giáo - Sử.
Diễn giả, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến tặng kỷ vật quý giá về nhà báo Trương Vĩnh Ký cho nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Một số hiện vật trưng bày về nhà báo Trương Vĩnh Ký
Bình luận (0)