Ngoài gạo tấm, món lạc rang luôn phải có, bởi bánh đúc lạc mới thực sự ngon và hấp dẫn. Lạc dùng nấu bánh đúc mẹ hay chọn những hạt lạc nhỏ vừa phải, đồng đều, rồi rang trên bếp lửa cháy liu riu rồi sàng sảy cho sạch vỏ. Các thứ gia vị luôn phải có là hàn the để tạo độ đông đặc cứng giòn cho món bánh, một ít nước vôi tôi trong, chút mỡ nước, muối và nước mắm ngon.
Khi nấu bánh, bao giờ mẹ cũng dùng chiếc đũa cái khuấy đều tay, khuấy liên tục để bánh đúc không bị bén đáy xoong gây mùi cháy khét. Khi chất liệu gạo trong nồi bánh đúc đã nhừ nhuyễn, không còn hình hài của hạt gạo nữa và độ sền sệt khi khuấy đã nặng tay là mẹ cho các gia vị vào. Sau một hồi khuấy đều cho các loại gia vị tan lẫn hòa quyện, khi chuẩn bị tắt lửa bắc xoong xuống là mẹ trút tất cả số lạc rang vào và khuấy đều thêm một lần nữa.
Món bánh đúc lúc này đã hoàn thành, mẹ đổ ra chiếc sàng nan tre có lót lá chuối tươi ở dưới, sau đó dùng đũa cái cán đều bánh đúc cho bằng phẳng khắp mặt sàng.
Món bánh đúc để nguội là ăn được. Khi ăn thì không có thứ gia vị nào có thể ăn cùng mà ngon bằng nước tương. Vâng, bánh đúc chấm tương bần Hưng Yên ăn thì tuyệt ngon, không gì sánh bằng.
Sau một hồi chờ mẹ nấu bánh đúc với sự háo hức mong chờ, rồi cũng đến lúc bánh đúc đổ ra sàng đã nguội, anh em chúng tôi được sống trong giây phút sung sướng khi ăn thỏa thích, bởi mẹ nấu cả vài sàng bánh đúc, vì không chỉ cả nhà ăn mà còn mang biếu cả bên nội, bên ngoại.
Ở thành phố bây giờ tôi vẫn được bạn rủ đi ăn bánh đúc, nhiều cách chế biến và ngon nhưng tôi vẫn nhớ món bánh đúc lạc đổ sàng của mẹ ngày xưa...
Bình luận (0)