Còn tôi, dẫu xa quê gần 20 năm, mỗi khi hồi tưởng về tuổi thơ, không thể không nhớ tới bộ dong của nội, nhất là vào dịp hè, khi được về thăm ba mẹ và thả mình trên chiếc dong thân thuộc.
Theo lời kể của ba tôi, bộ dong của nội gồm 4 tấm, mỗi tấm dày 3 cm, rộng chừng 40 cm, dài gần 2 m, được xẻ ra từ một cây nhãn to, một người lớn ôm không xuể. Những phách gỗ trên còn được ngâm dưới bùn ao mấy năm rồi mới vớt lên ghép thành bộ dong cho nội tôi và các con cháu, khách đến thăm nằm nghỉ trong phòng khách thoáng đãng hướng ra phía đầu mặt hồ lộng gió nam vào những kỳ nghỉ hè.
Bốn tấm dong được đặt chắc chắn, trên hai cái ghế gỗ dài. Nếu không nhìn kỹ, rất khó có thể biết đây là 4 tấm ghép lại. Mỗi kỳ nghỉ hè nóng nực, bạn bè tôi thường xuyên ghé nhà. Chỉ cần lấy tấm khăn nhúng nước lau qua, tấm dong toát lên màu đen bóng nhoáng, mịn màng và sạch sẽ, là chúng tôi có chỗ nằm nghỉ trưa, trò chuyện rôm rả. Còn các chú, các bác ruột của tôi ở Hà Nội, Hải Phòng... mỗi khi về thăm quê, đều chọn nhà tôi làm nơi nghỉ ngơi và tấm dong cũng là một phần lý do. Giờ tôi và em trai ở xa, nên chiếc dong chỉ còn là nơi nghỉ ngơi, nhất là mùa hè của ba tôi và là nơi bọn trẻ nhà tôi và của chú em, nhào đến mỗi khi nghỉ hè về quê thăm ông bà nội...
Lẽ ra bộ dong này không tồn tại đến ngày nay nếu không có bác Hòe, bác trưởng của đại gia đình ba tôi. Tôi còn nhớ, khoảng 35 năm trước, phong trào đóng giường mô -đéc nổi lên ở quê tôi. Ba tôi cũng bị cuốn vào... Khi tấm dong đầu tiên đang được cưa xẻ gần hết một nửa để đóng giường thì bác Hòe đến và ngăn lại. Sau một hồi tranh luận, ba tôi đồng ý với bác và tấm dong đang cưa được đóng lại, trả lại vẻ khăng khít ban đầu với 3 tấm còn lại. Từ đó, bộ dong được ba tôi nâng niu như kỷ vật quý hiếm của gia đình.
Bình luận (0)