Mùa màng tất bật đến mấy, hễ nghe đoàn hát (hát bội hoặc cải lương) về làng là cả xóm từ người già, thanh niên đến trẻ con háo hức. Tất cả tranh thủ hoàn tất công việc thường ngày, lo bữa cơm tối sớm hơn để kịp đi coi hát.
Đoàn hát lưu lại hai - ba ngày, có khi một tuần, tùy lượng khán giả cũng như thời tiết. Những chiều giông gió, bên mâm cơm, người lớn thường cầu trời: "Ông ơi đừng có mưa, tội cho đoàn hát". Ở cái tuổi ăn tuổi ngủ như chúng tôi thì đâu nghĩ chuyện cuộc sống cơm áo của những con người, những số phận vì nghiệp, vì mưu sinh mà theo đoàn. Chỉ biết trời mưa là không được đi xem màn đấu kiếm gay cấn, màn đu dây tài tình... Ngày ấy, chúng tôi đi coi hát chỉ để thỏa thích xem màn đấu kiếm, đu dây, xem nghệ sĩ hóa trang... và những trò tinh nghịch con nít.
Nhiều xóm nhà cheo leo trên núi, người ta cuốc bộ ra tới đường liên thôn mất nửa tiếng, thêm 45 phút nữa mới tới nơi coi hát, vậy mà có người không bỏ sót đêm nào. Sáng mai ra đồng hay đi chợ phiên, họ là người kể tuồng đêm qua.
Sẫm tối, khi tiếng rao mượt mà về suất diễn sắp diễn ra liên tục dội đi từ loa phóng thanh cũng là lúc từng đoàn người từ các xóm đổ ra để về sân kho hợp tác xã coi hát. Tiếng nói cười râm ran, thi thoảng nghe tiếng la oai oái của ai đó khi bị giẫm gót chân hay đạp phải gai tre đau điếng người.
Trước giờ đi coi hát, người ta chuẩn bị tấm ni-lông cắt ra từ bao phân u-rê dùng trải ngồi trên nền đất; người thì mang theo đòn gỗ, quạt mo cau và không thể thiếu củ khoai, trái bắp, bình đông nước... Ai cũng tranh thủ tới sớm để "xí" chỗ đẹp, tiện quan sát cánh gà. Đi sớm còn có thời gian "tám" chuyện nhà, chuyện chồng con, chuyện vui buồn được mất vụ mùa.
Đêm không trăng, bà con đốt đuốc dò đường qua ruộng, qua cầu tre để đến sân kho. Đuốc được làm từ lốp xe, giẻ rách hay thứ vật liệu gì đó lâu tàn, dễ kiếm quanh nhà. Đuốc cho người già đi lại an toàn qua đoạn đường dốc đá lởm chởm, chứ trai trẻ thì chẳng cần đèn đóm gì, dù tối đen như mực vẫn phăng phăng đi đầu. Đám trẻ chúng tôi thì chuẩn bị sẵn nhiều trái dừa non rụng đã khô, nhỏ xíu bằng nắm tay, dập tưa phần đầu châm lửa đốt rồi ném lên trời làm pháo bông trên suốt đường đi.
Cái ăn thiếu trước hụt sau, đời sống tinh thần cũng chỉ có chiếc radio, khá thì máy cassette, riêng tivi thì thời điểm đó cả làng mấy chục hộ chưa ai có. Đoàn hát về làng, với người dân, đó là những đêm hội vui sau những ngày nắng mưa ruộng đồng; vui quên lo toan mệt nhọc thường ngày; vui bắt đầu cuộc sống mới...
Với đám trẻ, được ba má, ông bà cho đi coi hát là nhảy cẫng lên, chẳng buồn ăn uống. Ngày đó, món quà lớn nhất dành cho con cháu không gì khác ngoài vé xem hát, xem chiếu bóng, có khi được vài đồng mua kẹo neo, kẹo ú kèm câu dặn dò: "Mua vé vào xem đàng hoàng, không "chui rào" xấu lắm nghe con!".
Vậy mà chúng tôi toàn "chui rào". Không tiền "chui", có tiền cũng "chui". Chui riết mà các anh, các chú canh gác trông cái dáng từ xa là biết đứa nào, ở đâu, phụ huynh tên gì... Hôm vui thì họ phớt lờ cho qua, không vui thì xách lỗ tai cảnh cáo, tống ra ngoài. Có đứa đêm nào "chui" cũng trót lọt là nhờ các anh lớn đưa vai bước lên, thò đầu quan sát, chỉ cần chút lơ là của người canh (thường là đoạn cao trào của vở diễn, đấu kiếm chẳng hạn) là một - hai nhảy phóc xuống, chưa đầy 30 giây đã lẫn vào trong đám đông đang dõi mắt về sân khấu. Lắm lúc canh hoài nhưng bị người gác "me", quá nửa suất diễn rồi mà vẫn còn loay hoay bên ngoài, nhiều đứa đành đợi giờ thả giàn (thả cổng) mới được vào xem.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Mấy mươi năm sau, những đứa trẻ trong nhóm "chui rào" coi hát ngày nào gặp lại. Chúng tôi đi qua sân kho cũ đã xây tường rào mới bằng bê-tông cao vững chãi, thách nhau: "Đố mà leo được như xưa" rồi cười phá lên.
Đám trẻ chúng tôi chẳng biết gì về hát bội, hát Hồ Quảng... nhưng bằng mọi cách để được xem nghệ sĩ hóa trang, xem màn đấu kiếm, xem cảnh hậu đài... Nói đúng hơn là "ăn theo" đoàn hát bởi được thỏa thích những thú vui khác trong thế giới tuổi thơ. Vì đêm nào cũng đi coi hát, má nhất quyết không cho đi nữa, anh em tôi bèn bày trò lấy mền quấn gối như đang ngủ, thả mùng xuống rồi mở cửa lẻn đi.
Lớn lên chút nữa, thấy cảnh cô chú từ ông bầu, kép chánh đến hậu đài mò cua bắt cá ở sông, ở ruộng, chúng tôi mới hiểu câu "Ông trời đừng mưa, tội nghiệp anh em đoàn hát". Đấy là những ngày nắng giòn nhưng đêm cứ sắp đến giờ diễn là mưa. Vậy nên, bà con trong làng có câu "rầu như ông bầu". Mưa suốt tuần, cả đoàn phải ra ruộng mò hến, bắt cá kiếm cái ăn. Bà con quý đoàn, thương thần tượng nên ai có khoai góp khoai, ai có gạo mắm thì giúp để cả đoàn được no bụng.
Đêm diễn cuối thường đông khán giả nhất. Bà con đi coi đêm cuối như là để tiễn đoàn rời làng, để gửi gắm tình cảm của mình dành cho ông bầu hay nghệ sĩ thần tượng. Nghệ sĩ như được khích lệ tinh thần, hát hay hơn, mùi hơn. Đêm diễn cuối, đến đoạn lâm ly là nghe tiếng khóc sụt sùi của các bà, các cô vì xót thương, vì đồng cảm số phận của nhân vật, vì đêm nay là... đêm cuối.
Sáng sớm hôm sau, người dân thu xếp việc nhà, tranh thủ đến sân kho phụ tháo dỡ phông màn đưa lên xe. Quà cho đoàn mang đi là nải chuối, ký khoai, hũ mật...
Đêm mưa tỉnh lẻ, nằm nghe tiếng bù tọt kêu, nghe nhà bên ca cổ "Đêm lạnh chùa hoang" rồi nhớ, rồi thèm những đêm trốn nhà đi coi hát; thèm được má đánh đòn roi tre...
Mà mùa qua mùa, má đâu còn khỏe nữa...
Bình luận (0)