xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhớ những mùa cày rét mướt

Nguyễn Bá Thuyết

Mỗi lần nhìn thấy cánh đồng, đàn trâu, máy cày nhộn nhịp trên ruộng đồng, tôi lại nhớ về những câu chuyện thuở mục đồng, nhớ những mùa cày rét mướt trên cánh đồng chiêm trũng cùng những ký ức tuổi thơ vui buồn lẫn lộn

Tôi có một tuổi thơ gắn với cánh đồng chiêm trũng, với lũy tre xanh, dòng sông, lưng trâu và tiếng sáo diều cùng những mùa đông rét mướt. Chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, đá bóng, câu cá… là những công việc, thú vui trong sinh hoạt hằng ngày của lũ trẻ làng tôi.

Sang tuổi 15, chúng tôi bắt đầu với việc học cày bừa, cấy gặt. Con trai thường được học cày bừa trước những công việc khác, bởi công việc này được coi là quan trọng mà mọi người nông dân đều phải biết, nhất là đàn ông càng phải giỏi. Những mùa cày trong rét mướt để chuẩn bị đất cho vụ đông xuân là ký ức đầy kỷ niệm vui buồn không thể phai mờ trong tôi.

Nhớ những mùa cày rét mướt - Ảnh 1.

Nhớ những mùa cày rét mướt (Ảnh minh họa từ Internet)

Đến bây giờ, khi xa làng ngót nghét đã 45 năm nhưng mỗi dịp tiết đông về hay khi bắt gặp những cánh đồng lúa, đàn trâu, ký ức mùa cày rét mướt lại ùa về, xao xuyến, bâng khuâng...

Tôi sinh ra ở làng chuyên nghề trồng lúa, vùng quê đồng chiêm trũng phía tả ngạn sông Lam, một vùng đất xưa nay chỉ quen "sống nhờ ba hạt ló (lúa)", "con tru (trâu) đi trước, cái cày theo sau". Dẫu đã rất cố gắng, một nắng, hai sương nhưng cái nghèo vẫn đeo bám vùng quê này suốt mấy chục năm ròng.

Từ năm 2000 trở về trước, cả làng tôi đều lấy nông nghiệp làm nghề chính, độc canh cây lúa và ít loại rau màu nên chuyện cày bừa khi mùa vụ đến là tối quan trọng. Những năm còn "làm ăn tập thể", theo phong trào chung, cố làm 3 vụ nhưng không thành công. Khi được nhận ruộng khoán, người dân chỉ chú tâm vào 2 vụ chính, hè thu và đông xuân. Vụ đông xuân gian nan vất vả hơn nhiều, bởi nó đúng vào cao điểm giá lạnh của mùa đông. Cày bừa cho vụ đông xuân bắt đầu từ cuối tháng 10 âm lịch, cày (cày ải, cày lật), bừa (bừa dập, bừa nhuyễn), làm đất, gieo cấy lúa, trồng rau màu kéo dài đến cận Tết Nguyên đán.

Tôi nhớ như in khi sang tuổi 15, như các bạn khác, tôi được cha hướng dẫn tập cày. Tôi vác cái cày, cái bừa còn khó khăn vì nhỏ con và gầy do thiếu ăn (lúc này tôi cân nặng 39 kg) nhưng cũng rất vui vì mình sắp trở thành người lớn. Hôm đó, vào tiết lập đông rét cắt da, cắt thịt, cha gọi tôi dậy sớm. Từ 4 giờ, ăn bát cơm nguội, lọ mọ cho trâu ăn rơm khô, uống nước rồi dẫn nó ra thửa ruộng cha dặn, chờ sẵn. Cha bảo tôi xuống ruộng lội theo để cha chỉ cho cách cầm cày, cầm roi. Đặt chân xuống ruộng bùn, lạnh tê buốt thấu xương, cảm tưởng như ai đang dùng dao rạch chân mình vậy.

Được mấy buổi theo học, cha giao cày cho tôi. Tôi tập cày nhanh hơn cả học đi xe đạp. Chỉ có điều, sức vóc hơi yếu nên mỗi khi nhấc cày lên để chuyển hướng thì tôi phải ì ạch, cố hết sức mình. Nhờ con trâu nhà tôi rất khỏe lại hiền, nó như người thầy thứ hai để tôi hoàn thiện đường cày. Mùa đông lạnh, tiếng "tắc, họ" khi còn mờ sương, trâu và người đều thở ra khói. Cha tôi rất phấn khởi khi thấy tôi mới qua hơn 1 tuần mà đã cho ra những đường cày thẳng băng.

Rồi mùa đông năm đó cũng qua đi, sang năm thứ 2 là tôi có thể tự vác cày, lùa trâu ra đồng để tự mình làm cái việc trọng đại của một nông dân. Mẹ tôi bàn với cha: Cho con học cày để biết thôi, cố gắng tạo điều kiện để nó học hành nay mai thoát khỏi cảnh "lấy con tru làm thước ngắm". Tôi được ưu tiên dành thời gian để học tập nhưng vì thương cha mẹ vất vả nên chủ động tham gia việc đồng áng thường xuyên.

Học hết lớp 10 (tốt nghiệp THPT hệ 10 năm), cũng là đã qua 3 mùa cày rét mướt, trâu và người cùng nhau nhẫn nại, tôi trở thành một thợ cày thực thụ. Trâu và người trở nên quen hơi, bén tiếng, thành những người bạn thân thương góp phần tích cực cho ruộng lúa, nương khoai tốt tươi với bao mùa vụ bội thu. Chiến trường biên giới Tây Nam kêu gọi, tôi lên đường nhập ngũ, để lại quê hương những luống cày cùng với mùa đông rét mướt vấn vương...

Ngày nay, cuộc sống người dân quê tôi đã khấm khá hơn. Làm nông nghiệp đã có máy móc hiện đại thay thế sức người, sức trâu. Người dân nay nuôi trâu, bò để làm kinh tế chứ không còn phục vụ cày, bừa như trước. Bây giờ hiếm khi thấy, thậm chí là không còn cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau" như xưa nữa. Thế nhưng, mỗi lần nhìn thấy cánh đồng, đàn trâu, máy cày nhộn nhịp trên ruộng đồng, tôi lại nhớ về những câu chuyện thuở mục đồng, nhớ những mùa cày rét mướt trên cánh đồng chiêm trũng cùng những ký ức tuổi thơ vui buồn lẫn lộn. Tất cả kỷ niệm ấy vẫn mãi vẹn nguyên, đong đầy trong tôi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo