NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương tại Hội Sân khấu TP HCM
Đầu năm không hẹn mà gặp, hai danh ca đã có mặt tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM để thăm hỏi các nghệ sĩ lão thành và tâm sự đầu xuân về chuyện nghề, chuyện đời.
"Đó là năm tôi nghĩ rất rõ về vai trò của người nghệ sĩ trong cuộc sống của bản thân mình. Sau khi tôi đoạt giải "Khôi Nguyên vọng cổ" 1964, cùng năm này NSND Lệ Thủy cũng đoạt HCV triển vọng giải Thanh Tâm. Cả hai chúng tôi đã được mời về diễn trên sân khấu đoàn cải lương Kim Chung. Sau 7 năm một chặng đường phát triển, từ 1964 đến 1971, chúng tôi đã đứng trên đỉnh vinh quang. Trở thành đôi bạn diễn ăn ý, từ sân khấu cho đến thị trường băng dĩa. Các sản phẩm thu âm thời đó bán chạy như tôm tươi. Năm đó, tôi ý thức rất rõ bất kỳ công cuộc cải cách nào của đời sống sân khấu thì vai trò con người vẫn rất quan trọng. Người nghệ sĩ không thể cứ gặm nhấm hào quang cũ mà phải kiến tạo cái mới. Chúng tôi biết đầu tư cho mình kinh nghiệm, để tiến bộ trong cách tiếp cận nhân vật mình thể hiện, xóa bỏ đi suy nghĩ cứ hễ nghệ sĩ của đoàn Kim Chung là chỉ có ca, chứ không biết diễn xuất. Cũng trong năm Tân Hợi chúng tôi ý thức rõ hơn trách nhiệm của người nghệ sĩ là xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc, đó là điểm tựa bền bỉ nhất để tiếp tục phấn đấu" – NSƯT Minh Vương đã nói.
NSƯT Minh Vương
Riêng NSƯT Lệ Thủy, bà nói:"Mỗi mùa xuân sang tôi cảm nhận rất rõ niềm say mê nghệ thuật trong mắt con trai mình, đó là ca sĩ Dương Đình Trí. Hơn 20 năm thực hiện chương trình "Bước chân hai thế hệ", cháu đã nỗ lực hết mình để gầy dựng một thương hiệu nghệ thuật. Tôi vẫn mong cháu sẽ bền bỉ với nghề để cống hiến cho xã hội" – NSND Lệ Thủy tâm sự.
Khi đề cập đến vấn đề con cái, NSƯT Minh Vương nói việc định hướng cho con cái sự chăm ngoan, hiếu học trước khi quyết định chọn cái nghề cho con. Ông tâm niệm rằng: "Thật ra tôi không muốn các con mình chọn nghề diễn viên vì tôi không muốn các con chịu nhiều khổ cực. Vất vã lắm mới có thể khẳng định được mình, nên nhiều đồng nghiệp ngại cho con theo nghề, trong đó có tôi. Trước hết nghề diễn viên sân khấu phải có năng khiếu, có đam mê. Các con của tôi đã chọn nghề kinh doanh dù cực kỳ yêu thích nghệ thuật và hết lòng kính trọng nghề nghiệp của tôi. Cha mẹ tôi đã từng dạy nghề hát luôn đòi hỏi ở người nghệ sĩ trách nhiệm cống hiến. Khi các con tôi trưởng thành, tôi đã kể cho các con nghe về những gian truân trong nghề hát mà tôi đã từng trải. Hồi đó lúc tôi được mẹ khuyết khích theo học ca cổ ở lò đào tạo của thầy Bảy Trạch, đó là mùa xuân năm 1964".
Chính vì thấy cha mẹ lo toan vất vả, nhà nghèo phải lo cho các em, mà hai danh ca đã phấn đấu không ngừng, để từng mùa xuân trôi qua, cả hai nỗ lực gầy dựng tên tuổi, tìm được thu nhập giúp cha mẹ thoát khỏi sự nghèo túng. Và năm Tân Hợi 1971 là năm mà cả hai đã xây được nhà cho cha mẹ, có thu nhập ổn định để lo cho các em mình ăn học.
NSND Lệ Thủy và con trai - ca sĩ Dương Đình Trí
"Khi rời khỏi ánh đèn sân khấu, tôi trở về nhà với chân dung đời thường trong vai trò người mẹ. Ở đó tôi nhận ra niềm hạnh phúc thực sự, không hề tưởng tượng và có thể chạm tới những âu lo rất thực về các con mình. Nhiều nhà báo đã từng hỏi tôi về cách dạy con để các con không ỷ lại hào quang của mẹ, tôi đã cách ly các cháu ra khỏi ánh hào quang đó từ rất sớm. Khi Dương Đình Trí muốn đến với nghề ca hát, tôi đã không che dấu những khó nhọc, mà dành thời gian hướng dẫn, giúp cháu nhận biết những áp lực của nghề sẽ tác động đến cháu. Vấn đề là sự uốn nắn ngay từ lúc chập chững vào nghề để con mình không tự mãn, ỷ lại danh tiếng của gia đình mà xao lãng việc học tập" – NSND Lệ Thủy tâm sự.
NSƯT Minh Vương và con trai trong ngày họp mặt đầu xuân với nghệ sĩ đoàn Kim Chung
"Tôi rất vui khi thấy các con mình ngoan, hiền và hiếu thảo. Đúng là nghề đi hát khó mà quáng xuyến được con, cho nên có đi đâu xa, hát tăng cường ở các tỉnh, tôi cũng mong sớm được về nhà để quan tâm đến các con khi các con còn nhỏ. NSND Phùng Há khi sinh thời đã từng mơ ước xây dựng "ký nhi viện" để nuôi dạy con em nghệ sĩ, bởi đời nghệ sĩ như kiếp lục bình, cứ lênh đênh trên sông, mùa xuân cứ trôi qua, bỏ mặc con cái nheo nhóc, thất học. Má bảy Phùng Há đã nghĩ ra sáng kiến qui tụ các trẻ em con nghệ sĩ nghèo, cho con em nghệ sĩ, công nhân hậu đài được ăn học và chọn nghề để sống có ích cho gia đình, cho xã hội. Tuy công trình của má Bảy không thành hiện thực nhưng TP HCM có đến ba quỹ học bổng chăm lo cho con em nghệ sĩ và công nhân hậu đài của ngành sân khấu, đó là quỹ học bổng mang tên NSND Phùng Há, Bảy Nam và nhạc sĩ Viễn Châu" – NSƯT Minh Vương tâm sự.
NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy trong vở "Đêm lạnh chùa hoang" của Sân khấu Vàng
Cả hai tiếp bước con đường thiện nguyện của thế hệ tiền bối, gầy dựng chương trình Sân khấu vàng nhằm xây dựng nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo. Hơn 30 căn nhà đã được xây dựng trong năm 2007 -2008 với các suất diễn đông kín khán giả như: "Tô Ánh Nguyệt", "Đêm lạnh chùa hoang", "Đoạt tuyệt", "Sông dài", "Giấc mộng đêm xuân", "Lá sầu riêng"… "Năm nay, chắc chắn chúng tôi sẽ tổ chức một chương trình kỷ niệm về đôi bạn diễn thân thiết. Giữa chúng tôi có nhiều dấu ấn đẹp mà sân khấu cải lương đã trao tặng và khán thính giả đã yêu mến. Vì thế sẽ có một đêm chuyên đề sân khấu để đánh dấu năm Kỷ Hợi sau một chặng đường cống hiến cho nghề, cả hai chúng tôi đã đạt được thành tựu. Chỉ mong là sức khỏe cho phép để tiếp tục dấn bước cùng thế hệ trẻ" – NSƯT Minh Vương kỳ vọng.
Trên Sân khấu Vàng, MInh Vương - Lệ Thủy đã xây dựng nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo
Bình luận (0)