"Gì?".
"À, anh có bao giờ ngồi nhìn một đàn kiến không?".
"Một đàn kiến hay một tổ kiến?".
"Một đàn".
"Cũng có chứ".
"Anh thấy sao?".
"Thấy sao á?".
minh họa BÙI TIẾN TUẤN
Tôi hỏi lại, tua chậm trí tưởng của mình về kiến; là kiến đen hay kiến đỏ, kiến thợ mộc hay kiến đường, kiến bù nhọt hay kiến ba khoang? Kiến có nhiều loài kiến, người có nhiều hạng người. Nhưng đừng có độc địa như kiến ba khoang. Một đàn kiến. Tôi có bao giờ thật sự ngồi yên một chỗ để quan sát một đàn kiến chưa? Đây là một câu hỏi cho có, cho vui hay dẫn dụ một điều gì?
Tôi định châm điếu thuốc nhưng nghĩ rằng mình đang ngồi với phụ nữ thì không nên phả khói. Đằng này lại là một phụ nữ trẻ trông mảnh mai và rất xinh đẹp. Ở cái tiệm cà phê hoa tươi có view (*) vỉa hè này, nếu tôi nhớ không nhầm thì cô chỉ uống mỗi một loại thức uống duy nhất, đó là nước cam sả. Một ly nước cam nguyên chất vàng óng thả vài viên đá lạnh và cắm xiên xiên mấy cọng sả tỏa mùi thơm. Tôi cũng muốn kêu một ly "y như vậy" nhưng rồi theo thói quen vẫn gọi ly đen nóng.
Ca Dao là tên của cô ấy.
"Ba em đặt đó, ổng là kiến trúc sư nhưng mê ca dao. Em thì không thích cái tên này lắm, vì nó có một chút bất tiện nho nhỏ, khi gọi tên phải kêu luôn hai chữ, còn chỉ kêu Dao không thì nghe… ghê lắm"!
Tôi suýt bật cười. Hóa ra cô ấy cũng biết hài hước. Những ai hài hước thường thông minh và ít cực đoan.
Ca Dao là nhà thiết kế thời trang. Cô ấy thuê lầu năm và tầng thượng của cái chung cư cũ này để mở xưởng và cửa hàng. Tôi chưa lên đó bao giờ nhưng hình dung là nó rất đẹp. Những cô gái làm việc với Ca Dao cũng rất đẹp. Tôi thì tôi không sống ở chung cư này nhưng tôi đứng tên hợp đồng thuê giúp cho ông bạn một căn ở tầng ba để chứa đồ gốm sứ. Bạn tôi là một nhà sưu tập và buôn bán gốm sứ, đặc biệt là các loại bình trà. Bây giờ hắn đang ở nước ngoài cùng với cả vợ con, cho nên tôi phải thay hắn thăm nom cái kho đồ quý hiếm mà mong manh dễ vỡ này. Và, tôi cũng thay luôn hắn trả tiền thuê nhà hằng tháng. Tất nhiên là tiền hắn chuyển khoản cho tôi.
Chủ của khu chung cư là một mụ già quái đản, mặc dù tôi chưa từng gặp mặt bà ta song hình dung cứ như một mụ phù thủy cưỡi chiếc chổi cùn lượn bay vun vút trên bầu trời thành phố. Mụ già, bằng một cách nào đó, thương lượng và mua lần lượt từng căn hộ của chung cư này. Lần lượt từng cái một. Lần lượt từng người dọn đi. Cuối cùng chỉ có một chủ duy nhất là mụ. Ai cũng nghĩ mụ sẽ cho đập ra để xây cao ốc cho thuê. Nhưng rồi mụ cứ để yên đó, không hề động tĩnh gì, mặc cho thiên hạ bàn tán, đoán già đoán non.
Cuối cùng, mụ ta cho vợ chồng người giữ xe ở chung cư cũ này đứng ra cho thuê nhà, cũng âm thầm chứ không rao quảng cáo, người nọ rỉ tai giới thiệu người kia. Cuối cùng chung cư cũng đầy nhóc người thuê. Giá thuê nhà cũng vừa phải, chỉ có một chút bất tiện là tới tháng, mọi người phải mang tiền mặt đến giao cho vợ chồng người giữ xe. Tháng nào trả tiền tháng đó. Bằng tiền mặt, không đặt cọc, không trả trước, không chuyển khoản chi cả. Nghe nói, sau khi thu tiền, vợ chồng người giữ xe sẽ ra chợ Bến Thành để mua vàng rồi mang đến cho mụ phù thủy. Còn mụ phù thủy trả thù lao công cán cho họ sao đó thì không ai biết.
Có ai biết được việc của các phù thủy?
Tôi không thích câu chuyện có mùi cổ quái đó nhưng cũng nhờ vậy mà mỗi tháng tôi có dịp gặp cô Ca Dao ít nhất một lần, nơi cái tiệm cà phê dễ thương này.
"Một đàn kiến thì lúc nào cũng chen lấn, ngược xuôi, nói chung là chẳng bao giờ yên" - tôi lên tiếng, sau giây lát im lặng.
"Dạ…".
Một tiếng "dạ" khẽ, âm khan, cùng với cái vén tóc nhẹ nhàng của Ca Dao. Hình như trên tai cô ấy có một vết sẹo nhỏ, mờ mờ. Tôi bị cận nặng nên dù đeo kính vẫn nhìn không rõ. Tôi nghĩ, trên mỗi cơ thể ai cũng có những dấu chỉ, mà nếu khảo sát nó, như một nhà khoa học hay một thám tử, ta sẽ tìm ra những bí mật về đời tư.
"Dạ, thật ra thì em chưa từng ngồi nhìn một đàn kiến. Nhưng khi xem những bộ phim hoạt hình về kiến thì em cũng thấy vậy. Em là người có thể xem đi xem lại những bộ phim hoạt hình về kiến mà không bao giờ chán".
"Còn anh thì lại không thích hoạt hình" - tôi nói, chủ yếu là để góp chuyện, vì thích hay không, đối với tôi chẳng có gì là quan trọng.
"Ba em cũng không thích hoạt hình, ổng chỉ mê phim cao bồi" - Ca Dao nói.
"Vậy ba em giống anh".
"Anh giống ba em".
Ca Dao và tôi cùng bật cười. Ca Dao lại vén tóc. Tôi chợt nhìn thấy một con kiến thợ mộc đang bò trên khung cửa gỗ. Nhưng tôi vội nhìn lảng đi nơi khác, và không nói gì.
"Thật ra thì ý em không phải là nói về kiến, chỉ là có một chút liên tưởng, em cứ hay chuyện nọ xọ chuyện kia, em hay bị hình ảnh dẫn dắt, đôi khi em thấy mình hơi tưng tưng".
Ca Dao nói, tay đẩy đẩy mấy cọng sả xoay tròn quanh miệng ly.
Nhìn những cọng sả, tôi lại thấy một bụi sả um tùm. Tôi từng ngồi bên bụi sả hàng tiếng đồng hồ mà chẳng để làm gì. Tôi thích nghe mùi sả hay thích sự xanh tốt xum xuê.
Nhưng lúc này thì tôi chỉ mỉm cười chứ không nói gì, không biết khua môi múa mép điều gì cho hay ho. Tôi nghĩ chắc đến lúc phải đứng lên kêu tính tiền rồi ra về. Nhưng rồi Ca Dao lại nói.
"Anh có bao giờ để ý đến điều này không?".
"Điều gì?".
"Ví dụ như trên đường từ đây anh về nhà, anh sẽ thấy hai bên đường tấp nập người mua kẻ bán. Đằng kia là người bán báo. Xa nữa là một ông mù thổi sáo bán vé số. Rồi chị bán chuối chiên. Bà bán heo đất kiêm bán sim cạc điện thoại. Anh chàng bán cây trà xanh cùng với những cái thớt gỗ. Rồi một dãy bán đồ điện gia dụng. Rồi một dãy bán thuốc tây"…
Tôi ngồi lắng nghe, thấy hiển hiện ra một con phố và mơ hồ hiểu được điều mà Ca Dao muốn nói đến.
Cũng như đàn kiến, con người ta ai cũng tất bật, ai cũng phải làm một việc gì đó để kiếm sống, rồi rút về cái hang ổ của mình.
"Rồi có một người đứng bán những chiếc lông công nữa" - Ca Dao tiếp tục.
"Những chiếc lông công?" - tôi ngắt lời.
"Dạ, đúng rồi. Những chiếc lông công cắm trong một cái bình gỗ ràng sau yên xe máy. Những chiếc lông công xanh sặc sỡ, cong vút. Đẹp lắm".
"Người ta mua lông công về làm gì?" - tôi hỏi. Có thể đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Nhưng quả thật là tôi không biết, tại sao lại bán lông công và mua lông công về để làm gì?
Ca Dao khẽ cười. Hình như lúc này cô cũng đã nhìn thấy con kiến thợ mộc. Nhưng cô không nói gì về nó. Ánh mắt cô như đang nhìn những chiếc lông công trên phố bụi mù.
"Người ta mua về để trang trí anh à. Những chiếc lông công được cắm vô bình đặt trong phòng khách, nhìn đẹp lắm. Lông công cũng mang ý nghĩa về phong thủy, biểu trưng cho sự thăng tiến, thịnh vượng" - Ca Dao nói, rồi nói thêm: "Mấy người đẹp may đồ chỗ em cũng yêu cầu vẽ những họa tiết lông công đó anh".
Tôi gật đầu, như xác nhận rằng mình đã hiểu ra câu chuyện cùng toàn bộ ý nghĩa của nó. Nhưng tôi không biết nói gì thêm ngoài lời tạm biệt Ca Dao. Chúng tôi rồi sẽ gặp lại nhau, khi ra giêng.
***
"Tui là người có nhiều ưu điểm,
chỉ có một khuyết điểm lớn là rất
hay mơ".
Tôi thường nói với đám bạn của mình như vậy. Và, mọi người cứ nghĩ là tôi đùa. Thật ra thì chuyện tôi hay nằm mơ là có thật. Dường như đêm nào tôi cũng nằm mộng. Có những giấc mộng cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, từ thuở ấu thơ cho đến tuổi trung niên. Chẳng hạn tôi thường mơ thấy cảnh một đàn chim chào mào đỏ bay qua khu rừng bạch đàn đang trổ hoa trắng, cả hàng trăm con chim bay lượn, còn tôi thì chuyền từ ngọn bạch đàn này sang ngọn bạch đàn khác, cả lồng ngực tôi căng đầy hương thơm đất trời.
Tôi cũng thường mơ thấy một đàn bướm rập rờn đủ các sắc màu bay qua một đồng lúa vàng trĩu bông rồi bay đến một dòng suối trong vắt nằm ngoài bìa cánh rừng. Trên mặt nước trong như gương soi, đàn bướm múa lượn như vũ bão. Rồi từng cánh bướm rơi lả tả xuống dòng suối. Cảnh tượng đẹp và buồn đến mức, cả trong mơ tôi cũng biết là không thật nhưng cố níu theo, cho đến khi giấc mơ cứ chuồi ra dần rồi mất dấu sau những giọt nước mắt.
Tôi cũng thường mơ thấy một đàn chim công múa lượn, phô diễn những chiếc lông đuôi lục đồng sặc sỡ, chúm vào rồi xòe ra như chiếc quạt khổng lồ.
Đấy, khuyết điểm lớn của tôi là hay mơ những thứ quá đẹp đẽ.
Nhưng bây giờ thì tôi không còn mơ nữa, tôi bắt đầu để ý những chiếc lông công được bày bán ngoài đường phố.
Một hôm, tôi tấp xe vào lề đường để nhìn cận cảnh những chiếc lông công.
Bán lông công là một gã đàn ông da đen nám, gầy gò, cười… sún cả hai hàm răng. Đã thế gã lại rất hay cười. Gã đội một cái mũ cao bồi màu nâu, phía trên gắn một chiếc lông công xanh sặc sỡ.
"Xin được phép hỏi, anh làm nghề gì?" - gã lịch sự thấy ớn.
Tôi chưa trả lời vội mà làm bộ săm soi những chiếc lông công. Từ những chiếc lông công, những con mắt lục đồng như cũng đang nhìn tôi. Những con mắt thiên nhiên như đang nhìn vào một cá thể người.
"Nếu anh là doanh nghiệp thì nên mua ba mươi hoặc năm lăm chiếc. Còn nếu anh làm sếp trong nhà nước thì khác".
Gã bán lông công tư vấn. Gã tỏ ra là một người khéo ăn nói, cụm từ "sếp trong nhà nước" được dùng thay cho "quan chức nhà nước".
"Khác sao?" - tôi hỏi.
"Dạ, ba mươi tức là Đại Cát Đại Lợi; năm lăm là Ngũ Phúc Lâm Môn. Đấy là dành cho người làm ăn buôn bán, hay bất cứ người nào cũng dùng được. Còn để thăng quan tiến chức thì anh nên mua một trăm lẻ tám chiếc lông".
"Như một trăm lẻ tám anh hùng Lương Sơn Bạc à?".
"Dạ, hì. Một trăm lẻ tám tức là Thập Toàn Đạt Phát đó anh".
"Thập Toàn Đạt Phát là cái chi?".
"Dạ, hì. Anh cứ chọc em. Nhìn anh là em biết có một bồ chữ trong bụng".
"Bao nhiêu một chiếc?" - tôi hỏi giá.
"Dạ, năm mươi ka (**) một chiếc, anh mua nhiều thì em bớt chút đỉnh. Ngày Tết mà chưng lông công trong nhà là may mắn lắm đó anh" - gã bán lông công tiếp tục quảng cáo.
Tôi làm một phép tính nhẩm trong đầu. Cũng không phải là đắt. Nhưng tôi chỉ là người tò mò chứ không có ý định mua lông công mang về nhà chưng. Tôi giả bộ kêu "Đắt quá" rồi rút lui. Gã bán lông công vẫn vui vẻ, cười khoe cả hai hàm răng sún.
"Không đắt đâu. Chưng lông công vừa đẹp nhà vừa mang lại may mắn tài lộc. Anh cứ về suy nghĩ thêm, khi nào muốn mua thì nhớ lại đây ủng hộ em".
Tôi vừa chạy xe vừa nghĩ phục gã bán lông công quá cỡ, nếu như bị từ chối, tôi chắc không giữ được tinh thần vui vẻ cao thượng như gã. Có khi nào gã chính là một tiên ông hóa xuống trần gian để bán những chiếc lông công đẹp đẽ này?
***
Những chiếc lông công giữa phố bụi mù.
Phố xá ngày thường vẫn mù bụi, đến những ngày giáp Tết lại thêm mịt mùng, khi lòng đường bị cày lên, vỉa hè bị xới tung. Năm nào cũng như năm nào.
Tôi vẫn chưa khắc phục được khuyết điểm lớn của mình là cứ hay mơ.
Đêm qua, tôi mơ thấy mình đạp xe qua một con phố sạch sẽ và thông thoáng. Mà, con phố này lạ lắm. Hai bên đường người ta bày bán lá chuối, lá dong cùng với những bó lá xông thơm mùi sả, mùi quế, mùi bạc hà. Tôi cũng thấy hai bên đường, trên vỉa hè, những hũ nghệ vàng xếp chồng lên nhau, nghệ tươi thì vàng đậm, còn tinh bột nghệ thì vàng nhạt. Vàng đậm vàng nhạt bên màu xanh của lá chuối, màu đỏ của ớt, màu tím của hành, màu trắng của tỏi. Và các loại đậu với đủ sắc màu nâu-xanh-trắng-đen-vàng-đỏ.
Trong mơ tôi cũng thấy mình gặp ông già của cô Ca Dao. Ông già dễ thương ghê gớm khi mời tôi làm vài chai bia lạnh ngoài bờ kè, vừa lai rai vừa tám chuyện phim cao bồi, chốc chốc xía vô vài câu ca dao, chẳng ăn nhập gì, cứ như uống bia tươi nhắm với mồi cá kho vậy. Nhưng mà vui.
"Yêu ta, ta cũng như này/ Ghét ta, ta cũng như ngày mình yêu" - ông già bỗng ngâm lên, rồi cười sảng khoái: "Đấy, ca dao đấy. Có hay không. Tuyệt quá đi chớ".
"Dạ, ca dao thì hay rồi" - tôi đế vào, kiểu như đã quá thành thạo trong trò hầu chuyện bạn nhậu.
"Mà cậu có biết những chiếc lông công trông đẹp mắt nhất là của những con trống mạnh mẽ nhất không?" - ông già bỗng thay đổi đề tài.
"Dạ, cháu có nghe nói".
"Con công trống xòe đuôi múa là để thu hút con công mái. Như ta gọi là lấy le hay ve gái. Thế mà khi nó đang ve gái ta túm lấy nhổ hết cái lông đẹp của nó đi thì hỏi có phải người quân tử không?".
"Dạ, tiểu nhân kinh. Tội cho con trống quá. Bị vặt hết lông đẹp thì nó khoe bằng gì?" - tôi lại đế vào.
"Cậu biết không, những chiếc lông công, nếu để chúng rụng tự nhiên và khi ta tình cờ nhặt được thì đó coi như một món quà của thiên nhiên, là một điều may mắn. Nhưng bây giờ không còn cái gì là thiên nhiên với tự nhiên cả. Tự nhiên đã bị cản trở, bị bóp méo. Cho nên, cậu đừng ngạc nhiên về những giấc mơ của mình. Đó chính là sự tự nhiên. Nó là ưu điểm chứ không phải khuyết điểm đâu. Cậu cứ nghe tôi".
"Dạ…" - tôi trả lời. Nhưng ngay cả lúc ấy, tôi cũng thừa biết rằng đây là một đoạn đối thoại trong mơ. Có lẽ tuổi tôi đã quá date (***) cho những giấc mơ đẹp.
***
Tay bạn của tôi bất ngờ về nước. Cứ như một bóng ma, xộc xệch, gầy tọp. Nhưng ánh mắt thì ánh lửa. Hắn bảo không thể sống ở bển được. Qua bển chơi, làm khách thì được chứ sống đời bên đó thì kinh khủng, bơ vơ lắm. Người ta có coi mình ra gì đâu. Thôi về. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
"Còn vợ con thì sao?" - tôi lo lắng.
"Cô ấy đã có người khác rồi. Còn bọn trẻ cũng đã vô nội trú" - hắn nói, giọng ráo hoảnh.
"Thế ông có kế hoạch gì không?".
"Về đây rồi thì cần gì kế hoạch. À, mà cũng có một dự án, ăn Tết xong thì sẽ triển khai, tôi mời ông cùng tham gia cho vui".
"Vụ gì? Tôi biết gì về làm ăn đâu. Tôi chỉ mong ông về để bàn giao cái kho đồ gốm sứ cho xong nhiệm vụ".
"Cái kho cứ để yên đó đi. Hoặc là tôi sẽ giao luôn cho Ca Dao quản lý".
"Ca Dao. Ông nói Ca Dao nào?" - tôi chột dạ.
Tay bạn nhìn tôi cười, vẻ độ lượng.
"Thì Ca Dao mỗi tháng gặp ông một lần ở tiệm cà phê hoa chứ Ca Dao nào".
Cái khỉ gì vậy. Hóa ra hai người quen biết nhau từ trước, vậy mà tôi lại không biết gì. Ca Dao cũng không hề đả động gì về mối quan hệ này. Họ phớt lờ hay là diễn tỉnh bơ.
"Chắc ra giêng bọn mình làm đám cưới. Một tiệc cưới nhỏ gọn ấm cúng thôi. Xong đám cưới bọn mình sẽ lên Đồng Xoài mua lại một cái trang trại. Ca Dao thích cái trang trại này lắm, nó rộng như một cánh rừng, ở đó người ta nuôi những con chim công"…
"Chim công?" - tôi ngắt lời. Tay bạn lại nhìn tôi mỉm cười.
"Ừ. Chính là chim công, là con khổng tước ấy. Chắc là ông chưa từng thấy nó ngoài đời bao giờ, nhỉ? Chúng tôi sẽ nuôi chim công để lấy lông bán cho các cửa hàng chuyên về đồ phong thủy. Ở mình bây giờ người ta chuộng phong thủy lắm".
Tay bạn tiếp tục nói và tôi dần hiểu ra toàn bộ câu chuyện. Ngoài việc bán lông công, Ca Dao còn có tham vọng dùng lông công thật cho những bộ thời trang của mình. Sẽ là những bộ thời trang độc nhất vô nhị.
***
Những chiếc lông công vẫn ánh lên sắc lục đồng trên phố bụi mù.
Có lẽ, một hôm nào đó, tôi sẽ ghé vào để mua một chiếc rồi gắn lên cái mũ cao bồi da nâu của mình.
Thành thật mà nói thì tôi có nhiều ưu điểm nhưng khuyết điểm lớn nhất vẫn là hay mơ những giấc mơ đẹp như thiên nhiên đã từng.
Sài Gòn, ngày cuối năm 2018
(*) Phía trước, mặt tiền quán.
(**) Tức năm chục ngàn đồng.
(***) Hết hạn sử dụng.
Bình luận (0)