1. Giữa tháng 9-2009, từ Hà Nội tôi vào TP HCM, ở trọ cùng một người bạn trên đường Quang Trung, đoạn gần ngã năm Chuồng Chó (quận Gò Vấp). Hồi mới vào, hầu như điều gì cũng thành lạ lẫm với tôi, từ tên gọi các đồ vật cho đến giọng nói "ngọt ngào nhưng không hiểu lắm".
Một lần, đang chạy xe từ trung tâm thành phố về Gò Vấp, bỗng nhiên tôi thấy một chú chạy theo, rồi hô "Gạt giò. Gạt giò". Tôi nghe tiếng của chú nhưng lúc đó, vì không hiểu ông đang nói gì, lại thấy có người lạ kè kè bên cạnh khiến tôi vừa hốt hoảng lẫn lo lắng. Tôi liền tăng ga, chẳng ngờ chú cũng tăng ga theo. Cho đến khi chạy vượt lên trước một chút, chú chỉ tay sang xe tôi. Dù cơn hốt hoảng vẫn còn đó, nhưng theo phản xạ, tôi nhìn xuống xe và phát hiện mình đã không đá chân chống! Hiểu ra sự tình, tôi liền đá chân chống xe lên, nhưng lại không kịp gửi lời cảm ơn vì chú đã chạy vượt lên một đoạn khá xa.
Khi về phòng trọ, kể cho người bạn nghe, người bạn vừa cười vừa bảo: "Gạt giò là đá chân chống lên đó!". Từ đó, trong "từ điển" ngôn ngữ của tôi có thêm một từ mới!
Người dân TP HCM thường hay nhắc nhở nhau chú ý gạt chân chống xe máy lên khi lưu thông trên đường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
2. Gần đây, tôi đọc được một câu chuyện trên Facebook của một người chị. Lần này là về một "ông chú" khác. Chị kể sáng hôm đó, trên đường đi chợ, chị liền tạt ngang qua tiệm cây của một chú sát ngã ba đường, gần Lăng Ông Bà Chiểu. Trong lúc chú đang bận rộn vì người ra người vào tấp nập, đột nhiên có tiếng hô to: "Qua đường! Qua đường đây!".
Nghe tiếng hô, chú lật đật bỏ hết khách rồi chạy ra ngoài khiến khách ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi chị quay ra thì thấy chú đang khoác vai, dẫn một ông già mù qua đường. Người chị kể rằng qua đến nơi, chú sang sảng mắng yêu: "Ông là ông nội tui đó nghen ông!". Vừa mắng chú vừa cười khà khà, những bạn hàng quanh đó cũng cười rộ lên.
Dù không phải là người chứng kiến, nhưng chẳng hiểu sao khi đọc được câu chuyện này trên Facebook của người chị, lòng tôi cứ dâng lên cảm giác rưng rưng. Hẳn là chú bán cây và ông già mù không ruột rà máu mủ, nhưng cách họ đối đãi với nhau lại tràn đầy thương mến. Qua cách mà họ nói với nhau, có thể hiểu chuyện này cũng không phải là lần đầu.
3. Tôi không còn nhớ cụ thể thời gian, vì cũng đã lâu quá rồi. Đợt ấy, tôi có hẹn với người bạn đang làm việc cho một tạp chí trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khi tôi đến, bạn đang bận việc nên tôi ghé quán cà phê cóc gần ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Huỳnh Thúc Kháng (quận 1) ngồi đợi. Hôm đó, tôi gọi ly cà phê sữa đá, nhưng có lẽ vì không nghe rõ nên người bán đã mang đến cho tôi một ly đen đá.
Thực sự thì tôi không quen uống cà phê đen đá vì… đắng quá! Có điều, thấy cà phê cũng đã được làm, không muốn người bán phải mất công nên tôi ngỏ ý xin một ít đường hoặc sữa để giảm bớt vị đắng. Nhưng người bán cà phê liền lấy lại ly cà phê đen đá rồi làm ly mới cho tôi, dù tôi đã vội vàng xua tay: "Không cần đâu cô ơi! Chỉ cần cho đường hoặc sữa vào là được!". Lúc đó, giọng bà đầy dứt khoát mà ấm áp: "Làm vậy không có ngon!". Một lát sau, tôi đã có một ly cà phê sữa đá khác, bất ngờ là lúc tính tiền, bà chỉ tính một ly!
Chuyện này, tôi từng viết trong một cuốn sách, nhưng hồi đó tôi chỉ thấy được cái sự "ngồ ngộ" của câu chuyện lẫn của người bán cà phê. Đến bây giờ, sau hơn chục năm ở TP HCM, tôi nghiệm ra đó là một phần tính cách của con người nơi đây: hào sảng, hào phóng và nghĩa tình. Dường như điều đó cũng thể hiện trong thói quen ăn uống "phải đúng điệu", dẫu chỉ là một ly cà phê như tôi đã gặp. Chính điều này làm nên đặc trưng trong cung cách phục vụ ở các ngành dịch vụ mà ít nơi nào có được.
4. Đa phần các báo hiện nay đều có thêm phiên bản online, nhưng tôi vẫn thích đọc báo giấy nên thỉnh thoảng lại ghé sạp mua báo. Tôi không có tiệm báo quen mà thường tiện đâu ghé đó. Buổi trưa hôm đó, tôi ghé sạp báo ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nơi này là "đại bản doanh" của một cặp vợ chồng, công việc chính là sửa xe, còn bán báo có lẽ nhằm tăng thêm thu nhập. Lúc tôi đến không thấy hai vợ chồng đâu, dù sạp báo lẫn đồ nghề sửa xe vẫn còn ở đó.
Tôi dừng xe rồi ghé vào lấy 2 tờ báo hay đọc, xong đứng xớ rớ tìm xem người bán đang ở đâu để trả tiền. Nhưng đợi một lúc không thấy ai, trong khi trời lại nắng chang chang. Lúc đó, tôi trở nên phân vân. Nếu trả lại, chẳng biết lúc nào mới ghé sạp báo được, mà không trả thì biết gửi tiền cho ai đây! Sau một hồi suy tính, cuối cùng tôi quyết định băng qua đường rồi gửi nhờ cô bán thuốc. Dẫu sao, họ cũng là chỗ quen biết. Chẳng ngờ, cô ấy lại kêu tôi qua để tiền chỗ sạp báo, bên dưới hòn đá. "Trước giờ mọi người toàn làm vậy!" - cô ấy nói với theo, như để tôi yên tâm hơn.
Quả nhiên, khi quay lại, tôi thấy hòn đá nhỏ trên sạp báo, dưới hòn đá có một ít tiền, có lẽ là tiền mua báo khách để lại. Không một chút chần chừ, tôi để dưới hòn đá 10.000 đồng rồi lên xe chạy đi.
Ở thành phố này, dẫu mới đến hay đã ở lâu, mỗi lúc ra đường, bạn cũng sẽ gặp được những câu chuyện nho nhỏ như vậy. Những câu chuyện tuy nhỏ nhưng chứa đựng trong đó bao nhiêu là nghĩa tình. Và để yêu một thành phố, đôi khi chỉ cần những chuyện nho nhỏ như vậy thôi!
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)