Một thư viện sách nằm gọn trong không gian của quán cà phê, một bảo tàng áo dài với những câu chuyện về văn hóa không chỉ riêng áo dài, một không gian trưng bày những món đồ cổ vô giá… được dựng lên để chủ nhân tìm những người bạn tri kỷ cùng đam mê, sở thích; đồng thời cũng đủ hoa lệ để trở thành những điểm đến văn hóa không thể bỏ qua của người dân thành phố và du khách.
Sân chơi tử tế
Với người yêu sách, không gian của "The Hidden Elephant Books & Coffee" (35 Phan Chu Trinh, TP HCM) sẽ là một nơi hưởng thụ văn hóa đọc lý tưởng. Không gian quán không rộng, đủ kê vài bộ bàn ghế giản dị nhưng lại được bao bởi những dãy kệ cao tận trần nhà, toàn sách là sách. Kệ sách cao đến mức chủ nhân quán cà phê này thiết kế hẳn một chiếc thang để khách có thể lấy được những cuốn sách cao nhất. Tất cả các chủng loại sách từ Đông, Tây, kim, cổ đến những tác phẩm văn học quen thuộc của các đại văn hào thế giới… Hẳn nhiên không thiếu những cuốn tiểu thuyết hiện đại của những tác giả trẻ được yêu thích hiện nay. Tên quán Hidden Elephant được chủ nhân quán, anh Phan Trọng Đức, giải thích: "Đó là ý tưởng vui mà chúng tôi nghĩ ra ngay khi kiếm được mặt bằng này. Nếu một quyển sách nhỏ có thể chứa đựng những ý nghĩa lớn lao thì nơi kín đáo này biết đâu đang ẩn giấu thứ gì đó thật bất ngờ, một con voi chẳng hạn. Một số khách còn thích gọi tên quán theo cách thân thương hơn: "voi kín", "voi lẩn khuất", "voi bị giấu"...".
Chương trình biểu diễn ở “Điểm một thời”
Có thể gọi nơi này là thư viện thu nhỏ, đủ sức quyến rũ bất cứ ai khi đặt chân đến. Thế giới xích lại gần hơn với người đọc, qua từng trang sách. Điều này khiến cho "The Hidden Elephant Books & Coffee" trở nên đặc biệt khi việc đọc sách dần trở nên xa lạ với nhiều người hiện nay, thay vào đó là chìm đắm trong các thiết bị công nghệ điện tử hiện đại.
Nhạc sĩ Dương Thụ bảo: "Tôi yêu âm nhạc nên đã xây dựng quán "Café chiều thứ Bảy" (264 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) dành cho những ai yêu nhạc như tôi. Đó là nơi chúng ta đến để chiêm nghiệm cuộc sống qua âm nhạc. Nó khác hẳn với sự vội vã trong âm nhạc thời thượng của hiện tại. Một điểm hẹn cho những người thực sự yêu và mê nhạc". "Salon văn hóa Café thứ Bảy" (38 Võ Văn Tần) là chương trình tôn vinh âm nhạc đúng nghĩa khi những giai điệu quyến rũ của âm nhạc thính phòng, thanh nhạc cổ điển hay những tình khúc tiền chiến và kháng chiến đã thành ký ức không thể phai nhạt trong lòng người yêu nhạc…, trở thành điểm nhấn đặc biệt. Chương trình chào đón khán giả chân thành đến mức không bán vé. Mỗi khán giả đóng góp 50.000 đồng, được dùng để góp vào quỹ xây dựng chương trình của các nghệ sĩ.
Góc trưng bày ấn tượng như một thư viện ở “The Hidden Elephant Books & Coffee”
"Tôi tham vọng xây dựng nơi này thành một điểm hẹn văn hóa không chỉ có những người đồng điệu mà toàn thể công chúng. Vậy nên, chúng tôi luôn tâm niệm mang đến cho khán giả những gì tử tế nhất, hoàn chỉnh nhất và cũng là thành tựu văn hóa của nhân loại ở lĩnh vực âm nhạc" - nhạc sĩ Dương Thụ nói. Đó là lý do nơi này thường xây dựng rất nhiều chương trình thú vị để phục vụ khán giả như chương trình gặp gỡ đạo diễn phim "The Whistleblower of My Lai" Connie Field vào ngày 19-3 hay chương trình chiếu opera "Die Entfuhrung aus dem serial" của Mozart vào ngày 31-3.
Thực tế có rất nhiều điểm hẹn thú vị được thành lập tại TP HCM bằng niềm đam mê của chủ nhân rồi vô tình trở thành điểm hẹn văn hóa bởi được nuôi dưỡng bằng tâm huyết và tình yêu vô hạn của chủ nhân tạo ra nó. Trong đó có bảo tàng áo dài của nhà thiết kế Sỹ Hoàng, dù nằm ở vùng ngoại vi trung tâm thành phố song vẫn đủ sức kéo khán giả đến tham quan bởi nét đẹp rất riêng của nó. Ở đây trưng bày cả một hành trình văn hóa áo dài. Từ chiếc áo dài tứ thân thế kỷ XVII tới áo dài 5 thân; áo dài Vương triều ở thế kỷ XIX đến chiếc áo dài cổ cao, áo dài cổ hẹp, áo dài cổ hippy những năm 1950; từ những chiếc áo dài thời kỳ đầu cải tiến cho phù hợp với thời cuộc đến những chiếc áo dài mang xu hướng thời thượng nhất... Nhà thiết kế Sỹ Hoàng muốn giới thiệu đến người xem những di sản văn hóa Việt như: Áo dài với nhã nhạc cung đình Huế, áo dài với quan họ, hát then, hát xoan, đờn ca tài tử....
Cũng lấy áo dài làm nền tảng, "Điểm một thời" (tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM) thực sự là điểm đến dành cho những người yêu văn hóa Việt. Nơi đây bày sẵn những món ăn tinh thần có giá trị văn hóa đặc sắc, đó là lịch sử đất nước được tái hiện qua hình ảnh tà áo dài và những phiên chợ quê, là bức tranh đa sắc về 54 dân tộc được khắc họa bằng các loại nhạc cụ truyền thống như: đàn đá, trống hội, tiếng mõ, đàn tranh, đàn bầu… "Điểm một thời" được xây dựng như một sân khấu đầy ẩn dụ với vẻ tráng lệ về mặt nội dung được ẩn giấu trong nét dung dị qua cách thể hiện. Những phiên chợ vùng cao, những thúng mẹt quà quê và cả những tiếng rao "chỉ có thể là Việt Nam". Những âm thanh cuộc sống quen thuộc được tái hiện đầy đủ qua thanh âm nhạc cụ dân tộc khiến cho "Điểm một thời" càng trở nên thú vị.
Đam mê và dũng cảm
Những câu chuyện được kể bởi nhà thiết kế Sỹ Hoàng chẳng hề dễ hiểu nhưng khán giả có thể cảm nhận được đôi điều trong câu chuyện ấy qua âm nhạc. Âm nhạc đã vẽ nên những câu chuyện văn hóa một cách chân thực và sống động. "Café chiều thứ Bảy", "Salon văn hóa Café thứ Bảy" hay "Saigon Idecaf Acoustica" mà đạo diễn, nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải xây dựng cũng vậy.
Tất cả họ đều bỏ hết tâm huyết cho một công trình đòi hỏi sự kiên trì để tìm ra công chúng của mình. Họ cũng từng thất bại nhiều lần vì định hướng thẩm mỹ của người thực hiện với ý muốn thực sự của khán giả không đồng điệu. Có lúc, nhạc sĩ Dương Thụ thấy nản vì "không hiểu tại sao những gì rất tử tế lại bị quay lưng như vậy". Nản nhưng ông vẫn kiên định với con đường của mình để đến tận hôm nay, sau 5-7 năm tận lực xây dựng, "Café chiều thứ Bảy" là một điểm hẹn ưa thích cho những cuộc hàn huyên về âm nhạc, xu hướng âm nhạc và những tinh hoa âm nhạc.
Khi bắt đầu mở "The Hidden Elephant Books & Coffee", vợ chồng chủ quán này đã được cảnh báo rằng yếu tố cần thiết cho một nơi đọc sách là sự yên tĩnh, điều này sẽ rất mâu thuẫn với mưu cầu về lợi nhuận. "Nhưng chúng tôi vẫn mở vì nghĩ rằng nếu mình thực lòng hướng tới cộng đồng thì không có lý do gì cộng đồng không quan tâm đến mình" - chủ quán Phan Trọng Đức bày tỏ. Thực tế, khách ở đây không đông lắm nhưng chủ nhân không mấy bận tâm. Không phải vì vợ chồng họ đều có công việc ổn định mà là làm quán vì yêu sách và tìm những người bạn đồng điệu. Thực sự họ đã có những người bạn, cả người nước ngoài yêu sách như báu vật, cùng nhau níu giữ văn hóa đọc đang bị phai dần.
Bình luận (0)