Về Trà Vinh, đến thăm nghệ nhân Lâm Phen ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành sẽ nghe ông kể về cái nghề mà mình gắn bó hơn 30 năm, đó là chế tác mũ mão, mặt nạ phục vụ cho các loại hình văn hóa nghệ thuật Khmer trong tỉnh Trà Vinh và nhiều tỉnh, thành khác.
Niềm tự hào của Trà Vinh
Bằng sự tinh tế, khéo léo trong tạo tác, ông đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Các loại hình múa: Sa dam, hát Àday, ca kịch Rô băm, Dù kê… ở vùng đất này, diễn viên đều đeo mặt nạ, đội mũ mão để biểu diễn. Muốn đẹp và đúng nguyên mẫu, họ đều nhờ đến bàn tay khéo léo của ông. Ông là niềm tự hào của văn hóa nghệ thuật tỉnh Trà Vinh.
Nghệ nhân Lâm Phen chuyên sáng chế mặt nạ sân khấu Ảnh: LÊ HOA
Trải qua nhiều giai đoạn làm nghề, từ anh thợ hồ theo cha xây dựng các ngôi chùa, ông đã vào nghề này đầy đam mê. Ông kể: "Từ nhỏ, tôi đã thích nhìn ngắm kiến trúc các ngôi chùa và tập tành vẽ trang trí, điêu khắc. Mỗi khi tới các phum, sóc hay ngôi chùa Khmer nào, tôi cũng để tâm tìm hiểu các loại nhạc cụ, đạo cụ của những bài hát dân ca, dân vũ. Đặc biệt 3 năm trong quân ngũ, tham gia chiến đấu ở nước bạn Campuchia, những lúc rảnh rỗi, tôi thường hay sang nhà một nghệ nhân gần nơi đóng quân để học nghề chế tác nhạc cụ, đạo cụ dân tộc. Cứ thế, tôi mê cái nghề chế tác mũ mão, mặt nạ… hồi nào không biết".
Rồi ông đi vào nghiên cứu, tìm hiểu, để sản phẩm giữ đúng đặc trưng của từng thể loại. Sản phẩm của ông còn phục vụ cho sân khấu cải lương, kịch nói; phục vụ đắc lực cho việc sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và du lịch ở tỉnh Trà Vinh.
Nghệ nhân sân khấu Rô băm
Về ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) gặp nghệ nhân Lâm Thị Hương, một trong những nghệ nhân tiêu biểu loại hình sân khấu Rô băm độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Bà năm nay đã 65 tuổi, sinh ra trong gia đình dân tộc Khmer có 6 anh chị em, tất cả đều biểu diễn được nghệ thuật Rô băm. Nhờ khả năng nổi bật, bà được giao trọng trách trưởng đoàn và là đời thứ 5 kế thừa tổ tiên. Hằng năm, vào mùa lễ dâng y, tết Sen đôn ta, tết Chôl Chnăm Thmây, bà tổ chức biểu diễn, dàn dựng chương trình và tuyển chọn học trò.
Nghệ nhân Lâm Thị Hương truyền nghề cho con cháu trong gia tộc Ảnh: HỒNG HIẾU
Năm 2016, bà được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội mời ra phục dựng lại sân khẩu cổ Rô băm. Với những đóng góp của mình, tháng 3-2019, bà Lâm Thị Hương đã vinh dự được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đến tháng 9-2019, sân khấu cổ Rô băm được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đoàn Bưng Chông do gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương gầy dựng, là đoàn Rô băm cuối cùng của cộng đồng Khmer ở tỉnh Sóc Trăng.
Sáng chế nhạc cụ độc nhất vô nhị
Danh tiếng của nghệ nhân Chín Quý (tên thật Lê Thanh Quý, 70 tuổi ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) được giới mộ điệu sân khấu cải lương biết đến qua việc ông sáng chế nhạc cụ "độc nhất vô nhị", đó là "Tứ tuyệt cầm" hay còn gọi là "Ngũ âm huyền".
Nghệ nhân Chín Quý với nhạc cụ dân tộc do ông sáng chế Ảnh: VĨNH TRÀ
Để có thể ráp những cây đàn ngỡ chẳng "dính líu" gì với nhau tạo thành nhạc cụ nhiều thanh âm hòa làm một, ông đã cất công nghiên cứu. Ông nói: "Ban đầu chỉ là để giải quyết cho sự tiện lợi, vì tôi theo nhiều đoàn hát, đàn nhiều nhạc cụ, thấy bất tiện nên mới nghĩ cách "pha trộn" để có thể tạo nên nhiều sắc thái. Khi về an cư ở Hậu Giang năm 1994, tôi bắt đầu gọt, đẽo thành đàn, ráp nối các loại âm thanh, cuối cùng tứ tuyệt cầm ra đời. Nó là sự kết hợp các loại đàn: hạ uy di, sến, cò, guitar phím lõm. Sau đó, tôi làm tiếp tam huyền di, ráp cây tam thập lục và đàn bầu (độc huyền cầm), rồi ngũ âm huyền, là sự phát triển từ cây đàn bầu, kết hợp kìm - cò, sến - cò, guitar phím lõm - sến - gáo… Trong số đó, tôi ưng ý nhất là cây tứ tuyệt cầm.
Muốn trao truyền, có tiếp nối
Là người Nha Trang chọn Hậu Giang làm quê, nghệ nhân Chín Quý học đàn từ năm 13 tuổi, đến 17 tuổi theo đoàn cải lương, 40 tuổi sáng chế nhạc cụ. "Cả nhà tôi sống bằng nghề sân khấu (vợ ông là nghệ sĩ Trang Kim Tuyến - PV). Tôi nguyện truyền nghề để có đàn em tiếp nối mình, sau này không tiếc công mình sáng chế các loại nhạc cụ này" - ông tâm nguyện.
"Tôi sống với nghệ thuật Rô băm không chỉ là niềm đam mê, mà còn vì trách nhiệm bảo tồn nghệ thuật của dân tộc. Đây là lý do hàng chục năm qua tôi cố gắng hoàn thành ý nguyện của dòng tộc, truyền dạy cho các diễn viên trẻ loại hình văn hóa cổ này" - nghệ nhân Lâm Thị Hương bày tỏ.
Nghệ nhân Lâm Phen tâm sự cũng muốn truyền nghề lại cho thế hệ trẻ. "Trong gia đình, tôi thuyết phục, động viên các con nắm bắt những kinh nghiệm của nghề để giữ gìn và phát huy. Hiện nay, trong gia đình có người anh họ và hai người con đã được truyền nghề. Vậy là vui rồi, dù khó mấy gia đình tôi cũng bám nghề tới cùng" - nghệ nhân 75 tuổi tự tin.
Các nghệ nhân Lâm Phen, Lâm Thị Hương, Chín Quý là những người hiếm hoi của ngành sân khấu truyền thống hiện nay vẫn đang bám nghề, góp phần cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bằng tài năng đặc biệt, với nhiều cống hiến to lớn.
Kho tàng sống
Khi Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh được xây dựng, đi vào hoạt động năm 1997, nghệ nhân Lâm Phen được mời tham gia chế tác, phục chế nhiều hiện vật gắn liền với đời sống văn hóa, phong tục người Khmer như: nhà sàn, nhà Tha La, nhà thờ ông Tà, các loại nông, ngư cụ, nhạc cụ, mũ mão, mặt nạ... Ông kiến nghị: "Bên cạnh việc truyền nghề, các nghệ nhân còn là kho tàng sống. Cần tổ chức triển lãm, trưng bày nhạc cụ, đạo cụ gắn bó với cuộc đời họ; tập hợp giáo trình giảng dạy của nhiều bộ môn mà họ nắm giữ, sau đó in sách, tổ chức hội thảo, chuyên đề, để nghệ nhân cả nước tụ họp lại, làm nên những sự kiện văn hóa sau khi đã được vinh danh nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân".
Bình luận (0)