xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người giữ đất: "Trí tướng" Nguyễn Hữu Dật

Nhà sử học Lê Văn Lan

Đến đời vua Gia Long thì Nguyễn Hữu Dật thành người được tột đỉnh tôn vinh, với tước Tĩnh Quốc công, hàm Thái phó, thụy hiệu Nghị Vũ, chức Hữu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự

Người xưa, khi luận bàn và định vị cấp bậc tướng lĩnh thường nói đến 4 hạng bậc. Cao nhất nhưng rất hiếm, là các vị "thánh tướng" - chỉ huy, đánh trận, với tài và đức, như thánh như thần. Ở hàng thứ tư, khá nhiều, là các ông "dũng tướng" - đánh nhau thật mạnh tợn. Còn ở giữa, không thật nhiều, là hai bậc "nhân tướng" - giữ việc quân bằng đức độ, nhân văn và "trí tướng" - đánh trận bằng mưu trí là chính yếu.

Con đường trở thành "trí tướng"

Thế kỷ XVII, giúp đỡ đắc lực cho các chúa Nguyễn trong sự nghiệp giữ đất để mở cõi ở Xứ Đàng Trong, được xếp vào hàng "trí tướng" đó là Nguyễn Hữu Dật.

Theo phả hệ họ Nguyễn, Nguyễn Hữu Dật là cháu đời thứ 18 của Định Quốc công Nguyễn Bặc (thời nhà Đinh) và là cháu 7 đời của công thần Nguyễn Công Duẩn (thời Lê Sơ), cùng họ nhưng là chi trên, thuộc dòng tộc Nguyễn Gia Miêu (Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa) với các chúa đầu nhà Nguyễn (Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng…).

Những người giữ đất: Trí tướng Nguyễn Hữu Dật - Ảnh 1.

Hệ thống lũy Thầy (Quảng Bình) - nơi “trí tướng” Nguyễn Hữu Dật từng chủ chốt xây đắp. (Ảnh: HOÀNG PHÚC)

Lúc mới được sinh thành và ở tuổi sơ sinh, Nguyễn Hữu Dật là "người Thăng Long". Ông sinh năm 1603 ở kinh đô nước Đại Việt thời vua Lê - chúa Trịnh. Đến năm 1608, kể cả "tuổi mụ" là 6 tuổi, thì theo cha là Tham tướng triều Lê Trịnh, Nguyễn Triều Văn rời Thăng Long, vào Nam, định cư ở làng Vạn Toàn (sau đổi tên thành Vạn Xuân), tổng Hoành Phố, huyện Khang Lộc, phủ Quảng Bình, nay là thôn Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Nguyễn Hữu Dật có cha là Nguyễn Triều Văn tuyệt vời. Rời bỏ Xứ Đàng Ngoài, vào Xứ Đàng Trong theo phò các chúa Nguyễn, cặm cụi mở đất, chiến chinh liên miên, được phong đến tước Triều Văn hầu. Ở phương diện đời tư, Nguyễn Triều Văn vẫn rất cẩn thận và chăm chỉ nuôi dưỡng, dạy dỗ chu toàn cho các con, trong đó có Nguyễn Hữu Dật, thậm chí đưa các con theo mình ra trận, cùng sát cánh cha con chiến đấu chống lại các lần tấn công của chúa Trịnh trong chiến cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh. Để cho đến lượt mình, Nguyễn Hữu Dật cũng noi theo đấy mà chăm sóc kỹ lưỡng cho các con của mình, trong đó nổi bật là Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh), thậm chí sát cánh cùng các con đi trận, phò giúp đắc lực các chúa Nguyễn trong sự nghiệp giữ đất để mở cõi ở Xứ Đàng Trong.

Trở lại với thời còn trẻ tuổi của Nguyễn Hữu Dật, thì như sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" đã chép: "Chưa đến tuổi lên mười mà Nguyễn Hữu Dật đã biết chơi trò bày trận cùng trẻ nhỏ trong miền, đặt trống chiêng cờ xí, tự nhận mình là đại tướng. Cho nên, chỉ mới đến tuổi 16, họ Nguyễn Hữu đã được chúa Nguyễn Phúc Nguyên để mắt tới, chọn tuyển làm văn chức ở Dinh Chúa. Nhưng, do vẫn còn tính xốc nổi của tuổi trẻ nên Nguyễn Hữu Dật được chúa Nguyễn sai Triều Văn đưa về nhà, tiếp tục rèn cặp, để sau này mới sử dụng.

Những người giữ đất: Trí tướng Nguyễn Hữu Dật - Ảnh 2.

Võ miếu (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - một trong những nơi “trí tướng” Nguyễn Hữu Dật được thờ phụng (Ảnh: QUANG TÁM)

Cho đến năm 1626, một năm trước khi bùng nổ cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh, thì ở tuổi 23, Nguyễn Hữu Dật mới chính thức được gọi vào cung, được giao nhận quan chức - vẫn là chức văn quan - và lập tức phát huy ngay khả năng mưu trí mà đánh giặc của mình, ở cuộc chiến tranh lần thứ nhất giữa Xứ Đàng Ngoài và Xứ Đàng Trong, năm 1627.

Cũng vào thời gian đó, Nguyễn Hữu Dật bắt đầu có thêm người thầy - được coi như người cha thứ hai của mình - là Nội tán Đào Duy Từ. Thường xuyên đàm đạo về việc quân, cũng như là chính sự, thậm chí sát cánh cùng Đào Duy Từ trong việc xây lắp hệ thống lũy Thầy vào các năm 1630 - 1631, Nguyễn Hữu Dật đã nhanh chóng trưởng thành trở nên bậc "trí tướng" nổi danh, ngay khi còn chưa đến tuổi 30 - "Tam thập nhi lập".

Sự nghiệp của một "trí tướng"

Năm 1627, ở tuổi 24, lần đầu tiên đi trận với chức giám (sát) chiến (trường) chống lại cuộc chiến tranh - cũng là lần thứ nhất - do chúa Trịnh Tráng, từ Xứ Đàng Ngoài, đưa quân vào đánh, Nguyễn Hữu Dật đã biết dùng kế ly gián, tung tin: Ngoài Thăng Long, những kẻ phản thần đang âm mưu gây loạn, khiến chúa Trịnh hoang mang, lo lắng chuyện thực hư, cuối cùng phải rút quân về.

Ở các lần chiến tranh tiếp theo, phản gián và ly gián càng được Nguyễn Hữu Dật thi thố ngày một khéo léo và lợi hại hơn. Như, vào năm 1640, cả tướng Trịnh là Trịnh Khắc Liệt lẫn chúa Trịnh Tráng đều bị trúng kế của Nguyễn Hữu Dật, quay ra đánh giết lẫn nhau, khiến tổn thất lớn: Mất cả vùng Bắc Bố Chính vào tay Xứ Đàng Trong.

Ở lần chiến tranh thứ năm, cũng là lần duy nhất trong 7 lần giao tranh, Xứ Đàng Trong giao quyền tiết chế cho tướng Nguyễn Hữu Tiến, giúp việc Đốc chiến là Nguyễn Hữu Dật, đưa lực lượng vượt sông Gianh ra ngoài Xứ Nghệ, đánh quân chúa Trịnh. Tài xem thiên văn địa lý ứng vào việc quân của Nguyễn Hữu Dật đã giúp ông 2 lần vào các năm 1657 và 1658 - khai thác, lợi dụng được đúng lúc mưa gió lụt lội đánh thắng lớn, khiến Nguyễn Hữu Tiến - như thấy chép trong sách "Đại Nam liệt truyện" - phải hết lời khen ngợi: "Ông sao mà tính toán giỏi như thần vậy"!

Cùng với việc mưu trí tấn công, Nguyễn Hữu Dật còn nổi tiếng là tướng đánh phòng ngự giỏi. Ông chính là người - đầu tiên thì - cùng với Đào Duy Từ, còn về sau - khi Đào Duy Từ mất, thì - chủ chốt xây đắp nên hệ thống lũy Thầy nổi tiếng, gồm: lũy Trường Dục (1630), lũy Đâu Mâu - Nhật Lệ (1631), lũy Động Cát (Trường Sa - 1633), lũy An Náu (1661) và lũy Trấn Ninh (1662), để dựa chắc vào đấy mà tổ chức các trận đánh phòng ngự hết sức hữu hiệu, với kết quả chung là: Tất cả các lần đưa quân từ Xứ Đàng Ngoài vào tấn công Xứ Đàng Trong, các chúa Trịnh đều không lần nào vượt qua được hệ thống công sự phòng ngự này.

Có những trận đánh lớn, như trận năm 1648, Nguyễn Hữu Dật sát cánh cùng cha là tướng Nguyễn Triều Văn, giữ lũy, mấy lần tưởng lũy đã vỡ nhưng cả hai cha con đều kiên quyết tử thủ, khiến cuối cùng đánh lui được quân Trịnh. Hay như ở trận năm 1672, lũy Trấn Ninh bị quân Trịnh phá vỡ mất đến 30 trượng nhưng Nguyễn Hữu Dật vẫn sai quân bó củi và cỏ khô đốt sáng rực trong đêm khiến quân Trịnh ngỡ là có quân mai phục, không dám đến gần, đoạn, đốc thúc dựng ván làm phên, lấy sọt tre đựng đất để đắp vá chỗ bị vỡ, khiến sáng hôm sau quân Trịnh đến đánh tiếp thì lũy đã bồi xong, không phá được nữa.

Trận giữ lũy thắng lợi này, có mặt cả những con trai của Nguyễn Hữu Dật, cùng sát cánh bên người cha lão tướng đã cận kề tuổi 70, cũng là trận cuối cùng, kết thúc cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh, với 7 lần chiến tranh, kéo dài 45 năm.

Rủi may cuộc đời "trí tướng"

Đánh giặc bằng mưu trí để giúp các chúa Nguyễn giữ đất, không phải lần nào Nguyễn Hữu Dật cũng vuông tròn chiến quả.

Như vào năm 1650, mưu định việc trá hàng, bí mật liên lạc với Xứ Đàng Ngoài việc sẽ "giúp" chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn, không ngờ bị tướng Tôn Thất Tráng dò biết, đem tâu với chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Hữu Dật đã bị tống giam mất một năm. Sau nhờ viết được - từ trong ngục - tập "Hoa Vân cáo thị", tỏ bày lòng thực, họ Nguyễn Hữu Dật mới được tha, phục nguyên chức cũ.

Đặc biệt là ở trận chiến lần thứ năm, từ năm 1655 đến 1660, Nguyễn Hữu Dật cùng tướng Nguyễn Hữu Tiến chia quân vượt sông Gianh ra Bắc đánh Xứ Đàng Ngoài chiếm đất được đến miền sông Lam. Nhưng đến lúc phải rút quân về, do bị chúa Trịnh Căn đưa đại binh từ Thăng Long vào đánh lấy lại Xứ Nghệ, thì vì tị hiềm, Nguyễn Hữu Tiến đã ngầm đưa quân chạy trước, bỏ mặc Nguyễn Hữu Dật - khi ấy đang đóng quân "nhô" lên đến tận Hưng Nguyên, trên bờ Bắc sông Lam - đối phó đại binh của chúa Trịnh Căn.

Trước tình thế hiểm nghèo ấy, Nguyễn Hữu Dật đã phải dùng nguyên lại kế nghi binh của Khổng Minh ngày xưa: Cho nổi đàn sáo trong dinh trại, mé ngoài thì kéo cây, tung bụi, treo cờ lên các ngọn cây, khiến Trịnh Căn ngờ là mai phục dụ chiến, phải dừng binh để dò la, nghe ngóng, trong khi Nguyễn Hữu Dật đã bí mật rút hết quân về, an toàn.

Và, vẫn ở cương vị "trí tướng" trấn giữ miền địa đầu Xứ Đàng Trong, đến năm 1681, ở tuổi thọ lão tướng 78 niên tuế, Nguyễn Hữu Dật qua đời tại dinh trại.

Ngay khi ấy, vị chúa thứ ba - Nguyễn Phúc Tần - trong 3 đời chúa - từ Nguyễn Phúc Nguyên qua Nguyễn Phúc Lan - mà Nguyễn Hữu Dật tận tụy và công huân phục vụ, đã cảm kích, phong cho vị lão "trí tướng" của mình tước Chiêu Quận công, thụy hiệu Cẩm Tiết, chức danh Tán trị Tỵ nạn công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân, Tả quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự.

Đến đời vua Gia Long sau đấy thì Nguyễn Hữu Dật đã thành người được tột đỉnh tôn vinh, với tước Tĩnh Quốc công, hàm Thái phó, thụy hiệu Nghị Vũ, chức Hữu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự, được thờ phụng cả ở Thái miếu và Võ miếu.

"Nhiều lần mưu trí mà thoát hiểm, Nguyễn Hữu Dật từ năm 1666 - khi Nguyễn Hữu Tiến bị ốm, rồi mất - đã trở thành danh tướng trụ cột duy nhất của/ở Xứ Đàng Trong, giúp chúa Nguyễn đánh thắng lần xâm lấn thứ 7 - cũng là trận chiến cuối cùng của cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh - vào và từ năm 1672, giữ vững sự nghiệp mở đất ở Xứ Đàng Trong.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo