Trải qua những năm tháng kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đưa 2 cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, biết bao máu xương đã đổ xuống trên đất nước này, trong đó có sự hy sinh lớn lao của hàng vạn bà mẹ Việt Nam. Tỉnh Trà Vinh có 3.346 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với 10 nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, trong đó có mẹ Trang Thị Láng (Ba Bi) và mẹ Hà Thị Nhạn (Minh Kiều).
Những câu hò theo suốt đời người
Chọn lối viết hồi ký, nhà văn Trầm Hương kể lại cho bạn đọc cuộc đời của 2 bà mẹ anh hùng nêu trên, đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ với biết bao đau thương, mất mát của gia đình, dòng tộc, của quê hương, đất nước. Sự hy sinh nào cũng không thể đo đếm, mất mát nào cũng không thể bù đắp, để con cháu hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập; để các mẹ mãn nguyện về sự chọn lựa con đường cách mạng và dấn thân, hy sinh cả cuộc đời cho đất nước.
Với "Người mẹ đảm đang", nhà văn Trầm Hương cho thấy những dấu ấn tảo tần, lam lũ để sống trọn cuộc đời thật đẹp của mẹ Trang Thị Láng - nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận huyện Tiểu Cần. Đó là bà mẹ hoàn thành việc nước, đảm đang việc nhà, nhân hậu, vị tha, đi qua bao đau thương, mất mát, kiên cường bám đất đánh giặc, nuôi con trưởng thành, tiếp bước con đường mẹ cha đã chọn.
Bìa 2 quyển hồi ký do nhà văn Trầm Hương chấp bút
Mẹ cùng chồng được giác ngộ cách mạng từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Chồng được cấp trên phân công ở lại sau Hiệp định Genève, mẹ làm giao liên, tiếp tế và bảo vệ cán bộ bí mật "nằm vùng", làm công tác binh vận, dẫn đầu đoàn đấu tranh hợp pháp.
Cùng với Bến Tre, quê hương Trà Vinh là nơi đi đầu đồng khởi, tại Tiểu Cần là ngày 15-9-1960. Bên cạnh lực lượng vũ trang đánh các đồn bót của quân đội chính quyền Ngô Đình Diệm, đội quân tóc dài do mẹ tập hợp lên đến hàng ngàn người đã kéo đến trụ sở hội tề đấu tranh trực diện. Địch đã nổ súng bắn vào đoàn người, máu nhuộm đỏ đường làng quê, 10 người chết, 32 người bị thương nhưng người dân vẫn không chùn bước, trên đất Tiểu Cần có hàng trăm cuộc đấu tranh với hàng chục ngàn lượt quần chúng tham gia...
Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt. Con trai 16 tuổi của mẹ đi giao liên, vừa gặp cha, ăn chung bữa cơm với cha rồi lên đường là tối hôm đó nghe tin cha hy sinh vì bị bom dội trúng hầm. Mẹ nén nỗi đau, lao vào công tác, là bí thư xã kiên trung. Mẹ gả chồng cho con gái nuôi rồi con gái nuôi thiệt mạng vì mìn, mẹ nuốt nỗi đau mà sống và làm nhiệm vụ cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ tiếp tục công tác đến khi nghỉ hưu. Các con của mẹ đều trưởng thành, tham gia công tác tại địa phương.
Hy sinh máu xương cho ngày độc lập
Lối viết của Trầm Hương giản dị, văn phong chân chất, những câu chuyện và con người đặc trưng Nam Bộ thể hiện rõ. Hồi ký "Tình yêu của mẹ" viết về mẹ Hà Thị Nhạn (Minh Kiều) cũng đầy ắp những câu chuyện yêu thương, xúc động bên cạnh những chiến tích hào hùng.
Mẹ đi qua 2 cuộc kháng chiến với những mất mát, đau thương. Mẹ đã sống một cuộc đời nhọc nhằn, nhất là những tháng năm chạy trốn sự truy đuổi gắt gao của kẻ thù, của người mê nhan sắc của mình nay đã theo Tây mà quyết lùng sục, trong khi cha và em đã bị giặc bắt, anh trai hy sinh. Mẹ được dân và cha xứ che chở, đùm bọc mà thoát chết rồi giác ngộ cách mạng, một lòng kiên trung, chịu đựng hy sinh để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sau khi chồng là phó bí thư Huyện ủy Trà Cú bị địch sát hại năm 1956, mẹ được cấp trên phân công về nội ô thị xã Trà Vinh hoạt động, được người dân chở che, đùm bọc để đi qua hiểm nguy. Rồi mẹ lại đối diện những đau thương, tang tóc khi người chồng sau cũng hy sinh, tiếp tục những tháng ngày đấu tranh gian khổ trong lòng địch với rất nhiều hy sinh máu xương của đồng chí, đồng bào cho đến ngày kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước thống nhất, hòa bình. Mẹ tiếp tục công tác, làm Ủy viên Thường vụ Thị ủy Trà Vinh, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Trà Vinh đến khi nghỉ hưu và mất năm 2019.
Những trang viết ghi dấu ấn cuộc đời của mẹ như công khai làm lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1957, đấu tranh chống đuổi nhà hay phiên tòa kiện chồng vũ phu, bỏ bê vợ con của trưởng Ty Ngân khố Trà Vinh... Những sự kiện đình đám gắn với những cuộc đấu tranh trong lòng địch đều gắn với người nữ bí thư Năm Lý, mẹ Minh Kiều, cùng những cốt cán khác hoạt động năng nổ, không ngại gian khổ, hy sinh và sự đùm bọc của người dân yêu nước... được khắc họa sinh động trong từng trang sách.
Thời gian sẽ đi qua nhưng cùng với những điểm son lịch sử mãi lưu dấu, hình ảnh của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ sống mãi trong lòng người dân với tất cả niềm kính yêu, cảm phục.
Bình luận (0)