Điều mà người ta thắc mắc chính là sự thay đổi một cách thần kỳ: từ một đứa trẻ nghiện game - đến nỗi mới 4-5 tuổi đã ăn cắp của ông già què ăn xin, làm "thuê" cho cha hay chặt dây võng khi ông ngoại không cho tiền chơi game - trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn... "tự động nhìn thấy việc mà làm, tự động nhìn đồng hồ mà ngủ, mà học...", đặc biệt là trở thành một "thần đồng đàn sến", đi biểu diễn khắp nơi.
Đó chính là bước ngoặt cuộc đời của Khánh Hưng - với tên thường gọi là Chùa, khi cha mất, được mẹ mang gửi cho ông bà ngoại, rồi "ngoại "bó tay" trả tôi về với mẹ", lại được mẹ gửi cho ông Sáu. Ông Sáu chính là vị cứu tinh, không chỉ với Khánh Hưng mà còn với cả 3 chị em ruột. Những bài học nho nhỏ, không chỉ bằng lời nói mà cả hành động, đã làm cho bọn trẻ dần dần nhận ra những cách ứng xử trong khoảng trời thơ ấu của chúng.
Bìa sách “Quà tặng của ngày mai”
Là nhà văn và là giáo viên mỹ thuật cấp tiểu học, tác giả Võ Diệu Thanh hóa thân vào nhân vật Khánh Hưng để chuyển tải những bài học trong suốt quá trình cậu bé sống trong vòng tay cha mẹ đến khi về với ông bà ngoại và tìm được một "bến đỗ" để lớn lên với bước ngoặt cuộc đời. Chính vì vậy, câu chuyện không phải là những bài học khô cứng mà được "mềm hóa" với lối kể chuyện và cách hành văn uyển chuyển, làm cho mỗi người đọc như được "lặn" vào trong đời sống chân thật của cậu bé tên Chùa, của nghệ thuật "dạy làm người" một cách nhân ái, gần gũi, chân tình... của ông Sáu.
Bình luận (0)