Cuối thế kỷ XIX, hình ảnh và khí phách nghĩa quân nông dân ngày đầu chống Pháp tại miền Nam hiện lên rất rõ trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của cụ Đồ Chiểu. Qua đó, ta có thể nhìn thấy được hình ảnh của anh hùng Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân kháng chiến thời đó.
Ngày 25-2-1861 đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương trúng đạn trọng thương, quân triều đình rút về Biên Hòa. Nhằm chống lại sự bình định của giặc Pháp, nhân dân dấy lên phong trào tình nguyện ứng nghĩa, góp gạo nuôi quân, đồng lòng đánh giặc.
Vận mệnh của dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc. Anh hùng Nguyễn Trung Trực đã làm nên hai chiến công rực rỡ nhất, chói lọi nhất trong trang sử ngày đầu đánh Pháp ở Nam Kỳ. Chiến công này ta có thể thấy được qua hai câu thơ hào sảng của nhân sĩ Huỳnh Mẫn Đạt (1807 - 1883):
"Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần"
Thái Bạch dịch:
"Lửa bừng Nhật Tảo râm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần"
Lúc bấy giờ, chiếc tàu vũ trang "Espérance" (Hy Vọng) do trung úy hải quân Parfait chỉ huy đang neo tại làng Nhật Tảo (Long An), nhằm khống chế các hướng hoạt động của đối phương. Giặc Pháp tự hào đây là một "căn cứ nổi" lợi hại nhiều mặt: một pháo đài di động được bố phòng cẩn mật để tấn công và yểm trợ; một phương tiện thuận lợi trong việc điều động và vận chuyển binh lính, quân nhu. Do tàu này có thể thực hiện vai trò "chiếm đóng" và "bình định" một cách lợi hại, nên lực lượng nghĩa quân đề ra mục tiêu phải đánh phá chiến thuyền Espérance bằng mọi giá.
Đội lân sư rồng biểu diễn tại lễ dâng hương Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm 2022, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: TÂY HỒ)
Bằng tài trí thông minh, ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đã đánh bất ngờ, đốt cháy tàu chiến của thực dân Pháp tại vàm sông Nhật Tảo vào ngày 10-12-1861. Một chiến công vang dội đã làm rúng động hàng ngũ quân viễn chinh. Về ý nghĩa quân sự, trận Nhật Tảo đã mở đầu cho một loạt trận đánh các tàu tuần tiễu khác trên vàm sông ở Nam kỳ.
Có thể ghi nhận đây là một trong những chiến công tiêu biểu phản ánh được khí phách đánh giặc của người Việt: Không khiếp sợ kẻ thù, dẫu tương quan lực lượng có chênh lệch như thế nào. Dẫu chúng có tàu chiến "ống khói chạy đen sì", "bắn đạn to, đạn nhỏ"...; còn ta chỉ "Ngoài cật có một manh áo vải, tay cầm một ngọn tầm vông…" nhưng cũng quyết đánh, dám đánh và đã đánh thắng.
Đánh trực diện với kẻ thù lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, về sau, tinh thần quả cảm này đã được phát huy cao độ, có thể nhìn thấy qua phương châm đánh giặc từ câu nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: "Bám thắt lưng địch mà đánh".
Sau khi triều đình ký Hòa ước năm 1862, nhưng ông Nguyễn Trung Trực vẫn phối hợp với các lực lượng kháng chiến tổ chức nhiều trận đánh vang dội khác ở Tân An, Gò Công, Cần Giuộc... Những cuộc dấy binh lan rộng khắp Nam Kỳ đã khiến giặc Pháp không hài lòng, chúng buộc triều đình nhà Nguyễn có thái độ dứt khoát, phải nghiêm chỉnh chấp hành các điều khoản đã ký kết.
Ông Nguyễn Trung Trực được triều đình phái về Hà Tiên giữ chức Thành thái úy, tức quan giữ thành cũng không ngoài mục đích để nghĩa quân thôi hoạt động trong vùng địch tạm chiếm.
Khi ông Nguyễn Trung Trực đến nhận chức thì Hà Tiên không còn là đất của triều đình nữa. Trước tình thế oái oăm này, ông cho rút quân về Hòn Chông, cách Hà Tiên chừng 15 km, xây dựng căn cứ kháng chiến để đợi thời cơ. Ông đã lập nên chiến công "Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần", hiển hách không kém gì trận đốt tàu Espérance đã diễn ra.
Sau này, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Kiên Giang đánh giá: "Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Nam Bộ ngay sau Nam Kỳ lục tỉnh bị giặc chiếm cho tới cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, nó có tiếng vang rất lớn lúc bấy giờ và mãi về sau này".
Chiến công này đã phản ánh mưu lược vị chủ soái Nguyễn Trung Trực là đã huy động, tập hợp liên hệ mật thiết với các lãnh tụ nghĩa quân địa phương và vận động nhân dân, kể cả người Hoa, người Khmer cùng tham gia đánh giặc cứu nước. Tinh thần cả nước đánh giặc, về sau này, bộ đội Cụ Hồ đã phát triển toàn diện, mẫu mực của đỉnh cao nghệ thuật "chiến tranh nhân dân" và đã làm nên nhiều chiến công chói lọi.
Khi sa vào tay giặc, từ chối mọi mua chuộc, ông đã khẳng định một bản lĩnh, một chân lý bất biến: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây". Câu nói nổi tiếng này không chỉ tâm thế của người anh hùng "ngoài cật chỉ một manh áo vải" mà còn phản ánh quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm của cả một dân tộc bất khuất, không chịu cúi đầu nô lệ.
Thuở ấy, sau khi ra pháp trường, đi vào cõi bất tử thì nhân dân đã bất chấp mọi răn đe, cấm đoán của giặc Pháp, vẫn lập miếu thờ ông dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bình luận (0)