Mạc Thiên Tứ, còn được gọi là Mạc Thiên Tích (tự dạng Hán ngữ của "Tứ" và "Tích" gần giống nhau và đều có nghĩa là "Ban cho"); cũng còn được gọi bằng tên gốc là "Tung" hoặc "Tông" (vì thế, tước phong được nhận từ chúa Nguyễn là: "Tung (Tông) Đức hầu").
Tiếp tục mở mang đất Hà Tiên
Làm con trai của Tổng binh Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu và bà Bùi Thị Lẫm, khi "Người dâng đất Hà Tiên" - Mạc Cửu - qua đời vào năm 1735, Mạc Thiên Tứ - ở tuổi 19 - bắt đầu nối nghiệp cha, trở thành người đứng đầu miền đất Hà Tiên của xứ Đàng Trong, nước Việt thời "Nam Tiến" thần thánh của dân tộc.
Một góc nhìn về TP Hà Tiên (Kiên Giang) ngày nay (Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG)
Đứng đầu miền Tây Nam đất nước với chức "Hà Tiên trấn, Đô đốc" vào và từ mùa xuân năm 1736 - như sự ghi chép của sách "Đại Nam liệt truyện tiền biên" - Mạc Thiên Tứ cũng đồng thời được nhận ân sủng của Chúa Nguyễn: "Ban cho 3 thuyền Long Bài, được miễn thuế, lại sai mở lò đúc tiền để việc mua bán được thông thương". Và, do đó - vẫn lời sách "Đại Nam liệt truyện tiền biên" - "Thiên Tứ mở rộng phố chợ, thương nhân và lữ khách các nước tụ họp rất đông".
Hai chục năm sau buổi đầu thay cha tiếp tục mở mang đất Hà Tiên như thế, là thời gian nhiều sóng gió thời cuộc và những quan hệ rất gai góc giữa các nước láng giềng Chân Lạp, Xiêm La, đối với miền đất mà Mạc Thiên Tứ đứng mũi chịu sào.
Cho đến những năm 50, giữa thế kỷ XVIII thì bùng nổ hàng loạt sự kiện trọng đại: Trong bối cảnh tranh chấp, lục đục của triều đình Chân Lạp, một nhóm quý tộc của nước này đã chạy sang Xiêm La cầu viện và quân Xiêm La đã lập tức tràn sang Chân Lạp, khiến bộ phận còn lại của triều đình Chân Lạp - đứng đầu là nhân vật được gọi bằng tên "Nặc Nguyên" trong sử cổ nước Việt - phải chọn con đường chạy sang Hà Tiên, nương nhờ Mạc Thiên Tứ.
Bến tàu cao tốc đưa du khách thăm TP Hà Tiên
Vào năm 1756, để được Mạc Thiên Tứ ủng hộ, Nặc Nguyên đã "xin hiến đất 2 phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp" - như sự ghi chép của sách "Đại Nam thực lục tiền biên". Mạc Thiên Tứ đã đem việc ấy tâu lên chúa Nguyễn và được ngay sự chấp nhận của người đứng đầu Xứ Đàng Trong: Cho nhập 2 miền đất ấy vào bản đồ nước Việt, lệ vào sự quản lý của châu Định Viễn!
Sau đó, lại tiếp diễn những lục đục còn nghiêm trọng hơn trong triều đình Chân Lạp, khiến - vào năm 1757 - một nhân vật - được sử cũ nước Việt chép tên là: "Nặc Tôn" - lại một lần nữa, chạy sang Hà Tiên, cầu cứu Mạc Thiên Tứ, thậm chí còn xin làm "con nuôi" và được họ Mạc chấp nhận.
Thế là, để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của nghĩa phụ, Nặc Tôn đã lại xin dâng đất Tầm Phong Long, cùng với 5 phủ: Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh!
Mạc Thiên Tứ lại đem việc tâu lên và chúa Nguyễn cũng lại một lần nữa chấp nhận: "Cho lệ 5 phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên" - vẫn như lời sách "Đại Nam thực lục tiền biên".
Như thế, từ đây không chỉ đứng đầu miền Hà Tiên được mở rộng, mà Mạc Thiên Tứ còn đứng ra, tâu xin và được chúa Nguyễn đồng thuận: Cho tổ chức lại, việc quản lý - khai thác mạnh mẽ và chặt chẽ hơn, các miền đất Giá Khê (tức: Rạch Giá) và Cà Mau, bằng cách thiết lập "Đạo Kiên Giang" trên đất Giá Khê và "Đạo Long Xuyên" trên đất Cà Mau.
Sử sách nước Việt, coi năm 1757 - thời của Mạc Thiên Tứ - là mốc thời gian rất quan trọng: Hoàn tất công cuộc "Nam Tiến" của dân tộc, hoàn thiện việc mở mang lãnh thổ của quốc gia ở phương Nam, là vì thế.
Mở "Chiêu Anh các" - một sự nghiệp đặc sắc
Ngay từ thuở còn nhỏ, Mạc Thiên Tứ - nhờ được rèn tập, đào tạo công phu, bài bản - đã nổi tiếng là người văn võ kiêm toàn.
Vì thế, vừa kế nghiệp cha, từ năm 1736, Mạc Thiên Tứ đã có sáng kiến tạo dựng một thành công quan trọng và đặc sắc bậc nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, là: Tổ chức Hội thơ "Tao đàn Chiêu Anh các".
Đúng như tên gọi, đây là một hội thơ, quy tụ những người tài, giống như "Tao đàn Nhị thập bát tú" (Hội thơ gồm 28 ngôi sao) của hoàng đế Lê Thánh Tông, hồi cuối thế kỷ XV.
Mạc Thiên Tứ là Hội chủ của hội thơ này, đồng thời là người sáng tác 10 bài thơ "xướng", ca ngợi 10 cảnh đẹp của Hà Tiên để 31 tác giả (9 người Việt ở vùng Thuận Hóa - Quảng Nam và 23 người Trung Quốc ở Quảng Tây, Phúc Kiến, Giang Tô, Giang Tây) "họa" lại (mỗi người 10 bài), tổng cộng là 320 bài, tập hợp thành sách "Hà Tiên thập vịnh", được khắc in lần đầu ngay vào năm 1736. Vào năm 1755, danh sĩ Nguyễn Cư Trinh, từ Gia Định đến Hà Tiên, làm thêm 10 bài nữa.
Tên của 10 cảnh đẹp Hà Tiên, cũng là tên 10 bài thơ "xướng" - bằng chữ Hán, thể "thất ngôn bát cú", của Mạc Thiên Tứ - làm nên nội dung của "Hà Tiên thập vịnh", là:
- Kim Dự lan đảo (Đảo vàng bên sóng).
- Bài Sơn điệp thủy (Núi Bình xanh trùng điệp).
- Tiêu Tự thần chung (Chùa tịch mịch ngân chuông sớm).
- Giang Thành dạ cổ (Thành bên sông điểm trống đêm).
- Thạch Động thôn vân (Hang đá ngậm mây).
- Châu Nhâm lạc lộ (Triền đất đỏ có cò đậu).
- Đông Hồ ấn nguyệt (Hồ phía Đông in ánh trăng).
- Nam Phố trừng ba (Phố mạn Nam ngăn làn sóng).
- Lộc Trĩ thôn cư (Mũi Nai thôn xóm ở).
- Lư Khê ngư bạc (Rạch Vược đậu thuyền chài).
Bảng nhãn Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII đã viết về giá trị văn hóa nghệ thuật "Hà Tiên thập vịnh" của "Tao Đàn Chiêu Anh các" như sau: "Chiêu mộ văn sĩ, yêu chuộng từ chương, phong lưu tài vận, nổi tiếng một cõi… Mười cảnh (đẹp) này, đều do (Mạc) Thiên Tứ mệnh đề khởi xướng, những văn nhân Bắc Quốc, Thuận Quảng cùng nhau họa vần. Không thể bảo rằng ở ngoài biển xa xôi là không có văn chương vậy".
Tác gia Trịnh Hoài Đức ở thế kỷ XIX cũng đánh giá: "Các vị nối nhau mà đến, mở Chiêu Anh các, gom góp thư tịch, thường ngày cùng các chư Nho giảng luận, có đề vịnh Hà Tiên thập cảnh, người thù họa rất đông, văn chương rực rỡ ở chốn góc biển chân trời".
Ngoài và cùng với Chiêu Anh các - Hà Tiên thập vịnh như thế, rất đặc biệt, Mạc Thiên Tứ còn dùng chữ Nôm một cách điêu luyện, để sáng tạo thêm "Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh" nữa, cũng được đánh giá rất cao.
Chịu một chung cuộc cay đắng
Từ năm 1771, Chiêu Anh các của Mạc Thiên Tứ phải ngưng các hoạt động vì biến cố: Chúa Nguyễn ở Phú Xuân bị quân Chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài vào tấn công, xua đuổi, phải bỏ kinh thành, chạy dạt vào Gia Định, do đó cần Mạc Thiên Tứ tới phò tá.
Đến năm 1776, khi quân Tây Sơn vào tấn công Gia Định, đánh và giết các chúa Nguyễn cuối cùng, thì Mạc Thiên Tứ phải cùng các phó tướng, người thân tín và gia đình chạy sang Xiêm La.
Năm 1780, vua Xiêm La là Taksin (tức Trịnh Quốc Anh) nghi ngờ họ Mạc làm gián điệp, đã xuống tay giết hại đến 50 người tùy tùng của Mạc Thiên Tứ. Quá uất ức, Mạc Thiên Tứ ở tuổi 82 đã nuốt những lá vàng cho nghẹt thở, tự tử.
Bình luận (0)