Không ai có thể phủ nhận sự khắc nghiệt của nghề đạo diễn khi sân khấu hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, do vậy rất hiếm người nghĩ rằng đó là nghề dành cho phái nữ. Tuy nhiên, sau thế hệ các nữ đạo diễn tên tuổi đàn chị: Hoa Hạ, Hồng Vân, Ái Như, Kim Phương, Minh Hạnh, Thanh Thủy, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Minh Nguyệt…, sàn diễn sân khấu kịch và cải lương TP HCM đang có thêm nhiều nữ đạo diễn trẻ. Họ gặt hái được những thành công bước đầu, tạo dựng ít nhiều uy tín cho mình qua các tác phẩm đầu tay.
Giàu sáng tạo, đậm nữ tính
Đã có 4 vở diễn mới của các nữ đạo diễn vừa diễn ra trên các sàn diễn TP HCM, được công chúng, đồng nghiệp đánh giá cao: "Lôi Vũ" của Trần Hồng Thơ (trên sân khấu rạp Công Nhân), "Trời trao của lạ" của Mai Thắm (trên sàn diễn Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP HCM), "Đêm đối thoại" của Thanh Hà, "Hư thực" của Cẩm Nguyên (Nhà hát Thế Giới Trẻ).
Trần Hồng Thơ
Trước hết, khán giả đón nhận vở diễn của các nữ đạo diễn này bởi tác phẩm của họ giàu nữ tính; cách bố cục không gian, tạo hiệu ứng ánh sáng và âm nhạc rất sinh động.
Mai Thắm
Cẩm Nguyên là nữ đạo diễn khó tính, luôn chăm chút, khắt khe với chính bản thân, do đó vở "Hư thực" của cô ghi dấu ấn đẹp từ thủ pháp dàn dựng cho đến hiệu ứng âm nhạc, ánh sáng, thiết kế sân khấu. Thông qua thủ pháp dàn dựng mang tính đối thoại, cô phả vào kịch hơi thở cuộc sống, tạo cho khán giả có những khoảnh khắc giao lưu thú vị.
Thanh Hả
Nữ đạo diễn Cẩm Nguyên được bạn bè đánh giá là người biết lắng nghe, luôn dày công "đào xới" khả năng sáng tạo trong từng diễn viên, từng kịch bản và ở từng thời khắc trong bản dựng. "Diễn viên trẻ làm việc với Cẩm Nguyên sẽ có cơ hội khai phá được nhiều thế mạnh khác của bản thân, bởi cô ấy biết cách khơi gợi sự sáng tạo" - NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng nhận xét.
Cẩm Nguyên. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
"Kim chỉ nam trong làm nghề của chúng tôi là sự nghiêm khắc với chính mình trước khi muốn khán giả đón nhận tác phẩm của mình mang lại cho họ" - nữ đạo diễn Cẩm Nguyên tâm sự.
Nữ đạo diễn Thanh Hà đã có một bản dựng đẹp, cuốn hút khán giả qua từng câu hát, lời thoại trong vở cải lương mang tính thể nghiệm của tác giả Ngô Văn Du: "Đêm đối thoại". Để tạo thủ pháp mới cho mình trong dàn dựng, cô biên soạn lại kịch bản, tạo thêm nhân vật nữ đạo diễn để đối thoại với các số phận nhân vật trong vở diễn. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt (Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM) cho rằng: "Đó là cách làm rất độc đáo, sáng tạo về thủ pháp trong dàn dựng".
Sáng tạo trong gò bó
Với đạo diễn Thanh Hà và Trần Hồng Thơ, việc chọn sàn diễn cải lương đang ế khán giả để làm nghề được hai chị lý giải đơn giản là vì niềm đam mê. Ở bộ môn nghệ thuật này, hai chị không chỉ vẽ ra những ý tưởng mới thông qua cách dàn dựng của mình mà còn nâng cao chuẩn mực của cải lương từ âm nhạc đến cảnh trí, thiết kế mỹ thuật và quan trọng là cách ca diễn giữ gìn niêm luật của sân khấu cải lương chính thống. Chính vì thế, từng câu vọng cổ trong vở "Lôi Vũ" của Trần Hồng Thơ hoặc "Đêm đối thoại" của Thanh Hà đã gieo nhiều cảm xúc sâu lắng cho khán giả.
Trên thực tế, các nữ đạo diễn này đều có thời gian gắn bó với sàn diễn chuyên nghiệp nhiều năm, trước khi theo học nghề đạo diễn tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Đạo diễn Cẩm Nguyên đi lên từ việc tổ chức biểu diễn với nhiều chương trình chuyên nghiệp tại Nhà hát Kịch TP HCM, trước khi theo học và tốt nghiệp đại học đạo diễn (cùng khóa với đạo diễn Vũ Minh). Mai Thắm là diễn viên của Đoàn Cải lương Long An, Trần Hồng Thơ xuất thân là diễn viên trước khi học nghề đạo diễn. Thanh Hà cũng vậy, đều có thâm niên gắn kết với sàn diễn qua nhiều công việc. Nhờ vậy, họ hiểu mình phải làm gì để đến được với khán giả ngày nay.
Không chỉ đặt mình trước áp lực thiếu thốn kịch bản hay, các nữ đạo diễn trẻ hiện nay còn khó khăn trong việc đi tìm thủ pháp dàn dựng cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất mà sân khấu trong nước đang có. Có đến Nhà hát Thế Giới Trẻ nơi tạo cơ hội cho những đạo diễn nữ làm nghề mới thấy đây là những vấn đề nan giải.
Trên thực tế, các nữ đạo diễn đàn chị còn đang "rối mù" trong tìm kiếm thủ pháp dàn dựng mới để xử lý vở diễn sao cho phù hợp trong không gian hình hộp chật hẹp, vốn dùng làm hội trường hội nghị, với cơ sở vật chất kỹ thuật quá cũ kỹ, lạc hậu. "Dù có tài xử lý đến đâu cũng không tạo thêm hiệu quả mới hơn" - NSND Hồng Vân nói. Tuy vậy, chị ghi nhận nỗ lực của 4 nữ đạo diễn đồng nghiệp trẻ này: "Tôi vui lắm, trước hết các bạn đã biết gỡ bỏ cái khó. Tự viết kịch bản, điều chỉnh theo những phương tiện sẵn có để làm mới không gian vở diễn. Quan trọng là trong thủ pháp, họ giữ được chất nữ tính, đầy cảm xúc và có sự đối thoại với công chúng thông qua những giá trị nhân văn mà tác phẩm hướng tới".
Trẻ trung, năng động, chỉn chu và sâu sắc trong công việc chính là nhận xét của nhiều đồng nghiệp đi trước dành cho 4 nữ đạo diễn trẻ này.
"Trước sự khắc nghiệt của nghề, tôi tự dặn lòng vẫn nỗ lực để có tác phẩm. Khó khăn sẽ trở nên nhẹ tênh khi mang đến được cho khán giả những vở diễn hay" - đạo diễn Mai Thắm tâm sự.
Vững vàng theo nghề
Theo đạo diễn - NSƯT Nguyễn Công Ninh, các nữ đạo diễn trẻ này chăm chút cho nghề một cách đáng quý. Chính thái độ làm việc nghiêm túc đó đã tạo nền tảng bước đầu cho họ vững vàng theo nghề.
"Còn rất nhiều nữ đạo diễn trẻ đang chuẩn bị tốt nghiệp. Họ đang âm thầm sáng tạo để mang đến cho khán giả những tác phẩm mới, lấp lánh sắc màu. Tôi tin dù khó khăn, gian truân thế nào các nữ đạo diễn này cũng bám nghề, theo đuổi tận cùng niềm đam mê của mình" - PGS-TS Trần Yến Chi, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, tin tưởng.
Bình luận (0)