Sinh thời, giáo sư sử học, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu hay kể về những con người Nam Bộ "trọng nghĩa khinh tài" với những ứng xử khiến bác vô cùng nể phục. Bác nói: "Lịch sử Nam Bộ mà tinh hoa quy tụ về "Hòn ngọc Viễn Đông" Sài Gòn này hay lắm, quý lắm, nếu không viết, thời gian sẽ mai một". Có lẽ vì nỗi ưu tư ấy mà vào những năm cuối đời, số tiền bán được ngôi biệt thự ở đường Phạm Ngọc Thạch, bác Sáu dành phân nửa mua ngôi nhà khác nhỏ hơn trong con hẻm đường Lý Thường Kiệt, một phần để gửi tiết kiệm dưỡng già, một phần tặng bác gái xây trường mẫu giáo ở quê hương Phú Ngãi Trị, số còn lại khoảng 1.000 cây vàng, bác làm quỹ Giải thưởng Trần Văn Giàu. Giải thưởng này được trao tặng hằng năm cho những nhà sử học có công trình nghiên cứu xuất sắc về con người, lịch sử Nam Bộ.
Tác giả (phải) trong chuyến đi về huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai gặp Bà mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Hường. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Chị Huỳnh Xuân Thảo, con gái kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1976), Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - chia sẻ: "Mẹ tôi góp phần xây trường học và quỹ khuyến học mang tên cha ngay trên chính quê hương ông". Một lần theo bà Đoàn Thúy Ba, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, về Tây Ninh, tôi lặng người khi đứng trước ngôi trường mang tên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Bà cho biết: "Học trò của anh Tư Thạch giờ quy tụ về Ban Dân y miền Nam và những người con của anh Tư bên Pháp góp tiền xây dựng ngôi trường trên vùng đất anh hy sinh...". Những cây cầu nối những tấm lòng, kết nối thế hệ cũng đã được mọc lên trên những miền đất xa xôi. Bác sĩ Tạ Chị Chung - nguyên Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Từ Dũ - đã vận động nhiều tấm lòng, cùng con cháu bác sĩ Bùi Sĩ Hùng - người bác sĩ lập đội quân chống Pháp ở Bến Tre, từng giữ chức vụ Trưởng Ban Dân y Khu 8, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - xây cầu và trường học ngay trên chính quê hương ông...
Tôi nhớ mãi câu chuyện viết về mẹ Nguyễn Thị Hai (má Hai) - bà mẹ của 4 liệt sĩ ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Một trong những người con của má đã ngã xuống là liệt sĩ, anh hùng Nguyễn Thị Bé Sáu - Trung đội trưởng nữ pháo binh vành đai Bình Đức - đã làm nên kỳ tích phá hủy 12 máy bay, pháo, kho xăng của địch trong căn cứ Đồng Tâm. Địch phản pháo, trên đường rút, chị quay lại cứu 4 đứa trẻ đưa xuống hầm an toàn, rồi trúng bom xăng hy sinh. Năm 1990, tôi mới về Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, khởi đầu chuyến công tác đầu tiên về miền Tây. Nhà má xiêu vẹo, dột nát. Huệ, cháu ngoại má Hai, kể: "Tối ngoại không ngủ được, lớp nhớ mấy cậu, mấy dì hy sinh; lớp trời lạnh không có mền đắp, ngoại nằm rên hừ hừ, con xót lắm!". Những năm ấy chưa có pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đất nước còn nghèo, việc chăm lo các gia đình chính sách chưa được chu đáo như bây giờ. Bài viết của tôi về má Hai đăng trên một tờ báo được ban biên tập khen ngợi. Tòa soạn báo chuyển cho má Hai 5 triệu đồng để mua mền đắp và bồi dưỡng sức khỏe. Đó là bài viết khởi đầu để tôi ý thức ngòi bút của mình có thể chạm đến số phận con người, những góc khuất chiến tranh, đưa người đã mất ra ánh sáng.
Cứ như thế, những chuyến đi nối dài những chuyến đi. Làm sao chúng ta có thể dửng dưng trước số phận của chị Huỳnh Thị Bé - cựu nữ TNXP 1C - từng oằn lưng tải hàng dưới mưa bom bão đạn, vượt qua cánh đồng nước lũ đầy năn, lác, hứng chịu những cơn mưa chất độc hóa học, sau chiến tranh sống trong căn nhà lá cất thoi loi giữa bốn bề ngập nước, trên ụ xáng thổi của dòng kênh Khai Luông. Nhà nghèo, con dị tật, ốm đau, chị Bé phải đi lượm bọc ni-lông ven biển Kiên Giang đổi gạo sống qua ngày. Làm sao tôi có thể quay lưng trước nước mắt thầm lặng của cựu nữ biệt động Nguyễn Thị Ấu ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đôi bờ vai bé nhỏ của chị đã nhẫn nại chuyển hàng tấn vũ khí, được giấu trong những bội hoa quả vào nội thành. Chồng hy sinh, em trai hy sinh. Trong căn nhà xiêu vẹo, trống trải, nơi trang trọng nhất chị Út Ấu dành cho nơi đặt di ảnh 2 người liệt sĩ. 40 năm sau Mậu Thân, chị nghẹn ngào nói lên ước nguyện có được ngôi nhà tử tế để mùa mưa đến, bằng Tổ quốc ghi công của chồng, của đứa em trai không bị mưa làm dột ướt.
Cũng tháng 7 năm ấy, tôi cùng chị Tô Thị Tuyết Thu, Lê Thị Mảnh (Út Mảnh) - Ban Liên lạc TNXP 1C - ngược dòng sông Cái Bé, về xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang thăm chị Nguyễn Thị Hồng - một nữ TNXP 1C - đang mắc chứng bệnh khớp nặng, sống lay lắt trong ngôi nhà lá rách nát ven sông. Mơ ước "có được căn nhà không dột" của chị khiến lòng tôi cứ day dứt không yên. Chị Út Mảnh kể nhiều chuyện trong chiến tranh. Trong mớ ký ức hỗn độn của những người chị TNXP, chợt găm vào trong đầu tôi một cái tên rất lãng mạn: Hồng Thy. Tiếng gọi tên người yêu của chị Hồng Thy trước giờ vĩnh biệt trong vòng tay Út Mảnh trong đêm khuya thinh vắng sao cứ xoáy vào tim tôi... Tiếng gọi ấy thôi thúc tôi tiếp tục hành trình đi về những miền đất xa xôi, kết nối giữa những tấm lòng, kết nối 100 người mẹ, người vợ liệt sĩ, những TNXP, những chiến sĩ trong đội quân tóc dài trong đồng khởi, thương binh... có hoàn cảnh khó khăn.
Thật cảm động khi ông Ba Châu, cựu thủ lĩnh phong trào Thành đoàn năm xưa, sau khi đọc bài viết "Dưới bóng dừa năm ấy" đã âm thầm vận động doanh nghiệp, xây nhà tình nghĩa cho con trai liệt sĩ Trần Thị Anh - người mẹ đã ngã xuống trong một cuộc đấu tranh chính trị phong trào Đồng khởi, để lại đứa con trai còn đang bú. Năm 2022, Hội Nhà văn TP HCM cùng Hội Hỗ trợ gia đình thương binh - liệt sĩ TP HCM, Tạp chí Văn nghệ TP HCM tổ chức cuộc vận động sáng tác viết về thương binh - liệt sĩ. Cuộc thi có giới hạn mốc thời gian nhưng viết về những người nằm xuống là trách nhiệm thiêng liêng, thường trực, mãi mãi của người cầm bút. Tôi mở dữ liệu máy tính, nhấp vào thư mục những nữ liệt sĩ, những nhân chứng chiến tranh, cảm nhận dường như những đôi mắt các chị đang đăm đắm dõi theo người đang sống...
Bình luận (0)