"Hồn Trương Ba da hàng thịt" là tích truyện dân gian vốn lưu truyền hàng ngàn năm nay, kể về Trương Ba, một kỳ thủ đến thần tiên cũng phải chào thua, do sơ suất của các vị thần tiên trên trời mà phải chịu chết dù chưa đến hạn. Để cứu vãn sai lầm, họ đã quyết định cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới qua đời, từ đó hồn Trương Ba sống trong xác anh hàng thịt đã gây ra biết bao cảnh trớ trêu, bi hài. Năm 1981, Lưu Quang Vũ bắt tay vào viết vở kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt".
Nỗi đau nhân thế: Sống phận tha nhân
Bi kịch của Trương Ba là bi kịch của kẻ bị chết oan nhưng cuối cùng lại phải chịu sự trừng phạt là bị giam cầm trong thân xác của một kẻ cục mịch. Một người lành lặn về tâm hồn chợt phải chấp nhận một thể xác chắp vá.
Đánh mất nhân dạng, đồng thời Trương Ba phải đối diện với sự tha hóa của bản thân, khi dần dần quen ăn những món trước đây ông cho là phàm tục hay đánh con tóe máu… Đỉnh điểm của kịch chính là cuộc đối thoại giữa hồn của Trương Ba và xác anh hàng thịt, sự đuối lý giữa hồn trước xác, chính là sự thất bại của linh hồn trước sự cám dỗ của thể xác, bao nhiêu con người trên thế gian đã đánh mất lương tri của mình để chiều lòng phần thân xác ấy?
Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: TƯ LIỆU
Người ta thường chỉ chú ý nạn nhân Trương Ba mà hay bỏ qua nạn nhân khác là anh hàng thịt, phải để người khác trú ngụ trong thân xác của mình, xác của anh lại bị người khác sử dụng để tiếp tục duy trì một linh hồn lang thang không nơi trú ngụ. Hai nạn nhân, một người bị cầm tù linh hồn, còn người kia đánh mất quyền thân xác của mình, họ chính là đại diện cho lớp người không có quyền sống lẫn quyền chết, họ không có một thứ quyền nào, không làm chủ được bất cứ thứ gì bởi tất cả đã được áp đặt bởi "thiên mệnh", được định đoạt bởi một nhóm người đầy quan liêu và thiếu trách nhiệm.
Sự tự nguyện chọn lấy cái chết, trả thân xác về lại cho anh hàng thịt của Trương Ba chính là tự nguyện chấm dứt cái tình thế lưỡng nan của kiếp người, tự nguyện chấm dứt những mâu thuẫn phát sinh từ đối nghịch giữa tâm hồn và thể xác, không thể sống bằng cái nguyên lý máy móc một nửa cộng một nửa thì sẽ bằng một. Nhưng đó là một tập hợp quái đản.
Tiếng cười đánh vào thế lực thần quyền
Lưu Quang Vũ được mệnh danh là Molière của Việt Nam khi ông đã bằng tiếng cười đánh thẳng vào thế lực thần quyền, đại diện ở đây là những vị thần tiên như Nam Tào hay Bắc Đẩu, sống ở cõi trên ngó xuống, xem chúng sinh như những con cờ, những con cờ trên một ván cờ mà nếu đi sai một nước thì có thể hủy cả bàn cờ để đi lại.
Sự trớ trêu ở chỗ chính Trương Ba lại là một kỳ thủ tài ba, ông có khả năng làm chủ những quân cờ, trong khi ông chỉ là một con cờ trên bàn cờ cuộc đời, một con cờ của các thế lực thần quyền "ở trên", vì ở trên nên họ đưa ra những quyết định "trên trời". Nam Tào, Bắc Đẩu là 2 vị thần kề cận Ngọc Hoàng nắm giữ chuyện sinh tử của thế gian nhưng họ lại thực hiện chức phận của mình một cách bừa bãi. Xem thường cuộc sống người kẻ dưới. Ấy thế, khi biết mình mắc sai lầm thì sửa sai bằng cách để hồn Trương Ba cho nhập vào xác anh hàng thịt rồi cứ thế nghĩ rằng con người chỉ cần sống là được. Nhưng đâu phải con người chỉ cần sống thôi là đủ, thân xác đâu phải chỉ như một cơ quan trú ngụ mà muốn "gán ghép" linh hồn vào đâu cũng được. Mục đích của 2 vị thần ấy đâu phải để sửa sai, họ chỉ muốn lấp liếm cho qua chuyện. Họ cũng không hiểu thế nào là tự nhiên, là hạnh phúc. Một cách duy ý chí, họ áp đặt quyền lực của mình lên tự nhiên và cho rằng có thể cải tạo tự nhiên mà không biết rằng hạnh phúc là khi con người sống thật với chính bản thân mình.
Chính ở đây, "Hồn Trương Ba da hàng thịt" còn là lời cảnh tỉnh với những ai sống giả dối, không thật với chính mình, cố khoác những lớp vỏ ngụy trang trước người khác hoặc sống vì ý muốn của kẻ khác. Dần dần họ tha hóa tâm hồn của mình, không còn là mình nữa.
Kết thúc vở kịch, người đáng sống đã chết và người phải chết vẫn sống, công bằng đã không xuất hiện, không có một cái kết đủ sức thỏa mãn khán giả để lấy lại niềm tin vào công lý. Còn Nam Tào và Bắc Đẩu vẫn nắm trong tay quyển sổ sinh tử, vẫn ở trên trời, vẫn có mọi quyền hành, cứ tồn tại. Chỉ có những phàm nhân như Trương Ba và anh hàng thịt là trong vòng sinh tử, chịu sự phán xét.
"Tiền hung hậu kiết"
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, trong số kịch bản đã được dựng trên sân khấu cả nước của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988), "Hồn Trương Ba da hàng thịt" của ông đã gánh chịu số phận thật long đong, vất vả ngay từ khi ra đời. Viết xong năm 1981, kịch bản này bị cho là có vấn đề về phản ánh hiện thực, bị nằm im trong ngăn kéo của Lưu Quang Vũ 5 năm.
Sau nhiều nỗ lực cùng với đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi, từ kịch bản này, năm 1986, Nhà hát Kịch Việt Nam đã cho ra đời vở diễn chói sáng và lộng lẫy nhất của mình vào thập niên cuối của thế kỷ XX.
Theo đúng tiêu chí mỹ học về nghề đạo diễn của Nguyễn Đình Nghi, ngay lần chạm mặt đầu tiên, ông đã tìm ra cách rất riêng để giải thích tính đa nghĩa của kịch bản văn học này. Nguyễn Đình Nghi đã tỉnh táo lướt qua cái bề ngoài có vẻ "cạnh khóe" của ngôn ngữ vở kịch về lề lối làm việc tắc trách, đầy thói dửng dưng vô trách nhiệm của tệ quan liêu để bóc lấy cái hạt nhân cơ bản bên trong, chính là nỗi đau nhân thế, nằm chìm dưới đáy sâu của kịch bản.
Khởi đi từ đó, cuộc hạnh ngộ đẹp đẽ nhất giữa ngôn ngữ văn học vốn "phi vật thể" của Lưu Quang Vũ với ngôn ngữ dàn dựng sân khấu được "vật thể hóa" thành vở diễn của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã được bắt đầu như thể một cơ duyên.
Vở diễn không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn trên trường quốc tế: đoạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1990; Huy chương vàng Hội diễn Kịch quốc tế Moscow 1990; trình diễn tại hơn 20 trường đại học ở Mỹ vào năm 1998 trong chương trình giao lưu sân khấu Việt - Mỹ. Đến năm 2002, vở kịch được dịch sang tiếng Anh với tên gọi "The Butcher’s Skin" và dàn dựng trên sân khấu Yellow Earth ở Anh quốc.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-12-2018
Kỳ tới: "Nỏ thần": Ai có tội?
Bình luận (0)