xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Níu giữ Tết xưa

Đỗ Thành Đồng

Cho dù Tết theo âm lịch không chỉ có ở Việt Nam nhưng tự bao giờ "vui xuân đón Tết" đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Có lẽ không ở đất nước nào như Việt Nam ta đúc kết về Tết, ngắn gọn, súc tích, tài tình như trong cặp đối thi nhuần nhuyễn: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"

Chỉ với 14 chữ đã nói lên đầy đủ những căn bản của văn hóa ẩm thực, tâm linh, tri thức và lễ hội của người Việt xưa trong "vui xuân đón Tết".

Níu giữ Tết  xưa - Ảnh 1.

Xin chữ thầy đồ Ảnh: Lê Thanh Thu

Níu giữ Tết  xưa - Ảnh 2.

Mẹ con đi "Lễ hội xuân - không gian xưa" Xuân Tân Sửu 2020 tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

Tôi muốn nhấn mạnh chữ "xưa", bởi ngày nay thực tế đã khác. Sáu yếu tố trong cặp đối, theo thời gian đã mai một dần. Cây nêu cũng dần biến mất. Cha tôi hân hoan giải thích: "Cây nêu là văn hóa tâm linh. Người xưa dựng cây nêu với ý nghĩa trừ tà ma. Ngày nay, dưới nền văn minh của xã hội ta, việc trừ tà ma không cần thiết nữa". Nhưng không phải ở đâu cũng vậy. Nếu đi dọc Quốc lộ 1A vào những ngày Tết âm lịch vẫn thấy lác đác vài vùng có cây nêu.

Nhiều nét nữa của những ngày Tết xưa cũng dần thay đổi. "Tràng pháo" đã bị nghiêm cấm từ năm 1995. "Câu đối đỏ" nay hiếm người in, các cửa hàng văn phòng phẩm chỉ thấy toàn lịch. "Thịt mỡ" cũng thành thứ thực phẩm ít ai quan tâm. Chỉ còn lại chút ít hương vị của "dưa hành" và "bánh chưng xanh", nhưng không phải ai cũng tự làm mà mua là chính, mua một vài chiếc bánh hay hũ dưa hành cho có lệ. Cũng không phải nhà nào cũng ngồi quanh nồi bánh chưng trong đêm ba mươi. Ngẫm cứ thấy rưng rưng nhớ.

Nhưng có những thứ có thể vẫn gọi là "đặc sản" của Tết xưa, nay mất hẳn mà không thấy nhớ nhung gì. Nỗi "sợ Tết" của các bậc cha mẹ chẳng hạn. Nhớ lúc tôi còn nhỏ, cứ khoảng rằm tháng 11 âm lịch trở đi là đã nghe người lớn thở dài với nhau về Tết. Bà nội tôi lo không có nguyên liệu làm các món ăn cổ truyền. Mẹ thì lo nào là gạo, nếp, rồi tần tảo đón ngày biển lặng mua con cá về kho cất để dành đến Tết con có "cái ăn kha khá" kẻo cả năm toàn "dưa cà mắm muối".

Mẹ còn tính toán, phân phối các khoản tiền, trước lo lễ lạt, sau cho đàn con manh quần tấm áo mới khoe với bạn bè. Có năm lo không nổi, mẹ đành đem đồ cũ lên hàng nhuộm cho có màu sắc mới. Còn cha, ngoài hùng hục việc đồng áng còn phải thức khuya dậy sớm làm thêm đủ việc, tất cả chỉ vì một cái Tết. Ngoài nỗi lo "tiền", còn nỗi lo hàng hóa khan hiếm. Không như Tết bây giờ, thành thị đã đành, nông thôn cũng được tiếp thị tận ngõ, mua gì cũng có.

Cái thời xa xưa ấy, Tết rất quan trọng phần lễ. Lễ với trời đất, thánh thần, gia tiên và người đã khuất. Lễ với bề trên đang sống: "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy". Nhưng có người bảo ngày xưa có phải ai cũng được học đâu mà "Tết thầy"? Vậy thì cứ mùng 1 ăn Tết ở nhà nội, mùng 2 sang nhà ngoại, mùng 3 làm lễ hóa vàng, mời thầy cúng đầu xuân... Nhưng dù lập luận kiểu gì thì tựu trung, phần lễ ngày xưa vẫn rất nghiêm túc, chỉn chu.

Ngày nay vẫn còn lễ nhưng ít câu nệ thủ tục, thời gian. Nhiều người không quan tâm ý nghĩa của lễ "trừ tịch" chiều ba mươi là gì, cứ gọi nôm na là "tất niên" nên tiện đâu "tất" đó.

Về phần hội, xưa thường tiến hành sau mùng 3 Tết cho đến có khi hết cả mùa xuân, tùy địa phương. Nay vẫn có nơi duy trì nhưng chỉ giữ được một phần hoặc có biến thể do Tết không còn thời gian rộng rãi như xưa. Sát Tết mới nghỉ, hết tuần nghỉ Tết là đi làm ngay thì lấy đâu ra thời gian mà "hội"? Bởi vậy, đã có cả đề nghị bỏ Tết âm lịch vì cho là phù phiếm, mất thời gian. Thứ nữa là do có nhiều thứ để chơi hiện đại hơn, bày hội ra thì cũng không nhiều người quan tâm như trước.

Ðấy là chưa kể chuyện dịch Covid-19. Tết Tân Sửu vừa rồi, thị xã quê tôi tổ chức lễ hội xuân với chủ đề "Không gian xưa - chợ Tết quê" có đầy đủ nét xưa, làm sống lại các món ăn, hàng hóa cổ truyền, có thầy đồ cho chữ… Người dân ở quê cũng như người xa xứ về vô cùng háo hức. Họ diện đồ truyền thống đi chợ, quay phim, chụp ảnh, mua bán rất ấn tượng. Lễ hội định tổ chức một tuần nhưng mới sang ngày thứ ba thì phải bế mạc trong sự luyến tiếc vì dịch Covid-19 tràn về. Xuân quê tôi vậy là bớt vui một nửa.

Xa dần, xa dần...

Ở quê tôi những năm gần đây đã cố gắng tổ chức lại một số lễ hội xưa. Có năm làm hội bài chòi, kinh phí tốn kém nhưng lớp trẻ chỉ ghé xem một lúc rồi đi. Lớp già có đến nhưng không ưng ý vì thiếu những người biết hát bài chòi như xưa, thế là giải tán. Tết xưa vì thế cứ xa dần.



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo