Nhà nghiên cứu - sưu tầm tư liệu nghệ thuật dân gian Mai Đức Thiện bắt đầu tìm hiểu nghệ thuật hát xẩm từ năm 2005, thực hành phương pháp hát xẩm từ năm 2008.
Số hóa di sản
Ngược về quá khứ, xẩm xuất thân từ nghề đàn hát của những người khiếm thị có năng khiếu. Họ dùng xẩm để kết nối với đời sống xã hội và dùng lời từ phản ánh tâm trạng, nỗi niềm của chính họ, qua đó gửi gắm những thông điệp nhân sinh đến xã hội. Vì thế xẩm mang tính tự sự nhưng lúc nào cũng cập nhật thời sự và những điều công chúng quan tâm.
Đến nay, nghề hát xẩm gần như không còn hoạt động nhưng nghệ thuật hát xẩm vẫn được gìn giữ bởi các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân và những người yêu thích.
Năm 2011, Mai Đức Thiện nhận thấy cần chia sẻ với người mộ điệu âm nhạc truyền thống những giá trị của di sản phi vật thể, trong đó có hát xẩm, anh đã lập kênh YouTube để giới thiệu các tư liệu, video, âm thanh, hình ảnh về hát xẩm, hát chèo, ca trù, hát chầu văn và trống quân.
Mai Đức Thiện (thứ 3 từ phải sang) với các học viên tại Trung tâm Âm nhạc Truyền thống Thăng Long. (Ảnh: Trung tâm Thăng Long cung cấp)
"Xẩm là bộ môn nghệ thuật còn ít người quan tâm, việc hướng dẫn người dân ý thức để gìn giữ, không để nguy cơ bị mai một là điều cần thiết. Trong quá trình nghiên cứu với mục đích giữ gìn và bảo tồn hát xẩm, tôi rất vui khi kết nối được nhiều bạn trẻ đồng hành với mục đích khôi phục, gìn giữ và quảng bá bộ môn nghệ thuật truyền thống này và từ kênh YouTube Mai Đức Thiện, công chúng cả nước, trong đó có TP HCM đã biết đến xẩm chính thống nhiều hơn" - Mai Đức Thiện phấn khởi.
Thông qua các cuộc trò chuyện và giới thiệu âm nhạc thể nghiệm trực tuyến do Mai Đức Thiện thực hiện, những câu chuyện kể về hành trình bền bỉ của xẩm trong quá trình thích ứng và sáng tạo được xâu chuỗi, từ đó đã truyền năng lượng tích cực đến giới trẻ chung sức phát huy các giá trị của di sản trong đời sống.
Chủ thể hát xẩm hiện nay đã thay đổi, không còn những người khiếm thị kiếm sống bằng nghề hát xẩm mà thay vào đó là những nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp hoặc các ca sĩ không chuyên tham gia các CLB, đội nhóm.
Không gian thực hành diễn xướng của xẩm cũng đã khác xưa. Xẩm được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp, được xem là môn nghệ thuật truyền thống tham gia giao lưu quốc tế, quảng bá giới thiệu về văn hóa nghệ thuật Việt Nam trên thế giới.
"Điều này cho thấy bản chất của xẩm là sự biến chuyển, thích ứng và thông qua số hóa di sản, tôi tin hát xẩm sẽ được lưu truyền" - nhà nghiên cứu Mai Đức Thiện kỳ vọng.
Sức sống mãnh liệt
"Mắt xẩm" là dự án nghệ thuật do nhóm "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" thực hiện. Chương trình "Mắt xẩm" đã tạo thêm góc nhìn mới đa dạng về xẩm trong đời sống, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trẻ yêu nghệ thuật truyền thống.
Thông qua kênh YouTube của Mai Đức Thiện và hoạt động hiệu quả của Trung tâm Âm nhạc Truyền thống Thăng Long trong thời gian vừa qua, nỗ lực số hóa di sản đã góp phần mang lại sức sống mới cho xẩm. Gần đây, xẩm đã trở thành nguồn cảm hứng và chất liệu độc đáo để các nghệ sĩ trẻ khai thác, sáng tác các sản phẩm âm nhạc mới phù hợp với thị hiếu giới trẻ.
Sản phẩm MV của nữ ca sĩ Hà Myo "Xẩm Hà Nội" khi lần đầu kết hợp giữa xẩm, rap và nhạc EDM đã khai thác được âm hưởng của xẩm khi hòa âm phối khí hiện đại tạo nên phong cách dân gian đương đại dễ dàng tiếp cận khán giả trẻ.
Đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt đã vận dụng âm nhạc của xẩm để đưa vào dàn nhạc cải lương thông qua vở "Huyền thoại Cổ Loa xưa". NSND Hồng Vân cũng vận dụng hát xẩm trong vở kịch "Làm đĩ" dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đạt tính thể nghiệm cao về mặt diễn xuất trên nền nhạc xẩm.
Theo các nhà chuyên môn, sự tích cực trong nghiên cứu và ứng dụng của Mai Đức Thiện thời gian qua đã truyền năng lượng tích cực đến nhiều nghệ sĩ trong cả nước. Khi lên các trang mạng xã hội hoặc sử dụng công cụ tìm kiếm thì "Hát xẩm" đều hiện hữu từ các công trình mà Mai Đức Thiện đã làm.
Nỗ lực đó đã góp phần đưa nghệ thuật hát xẩm ngày càng hoàn thiện, được đúc kết một cách có hệ thống để giới thiệu và khái quát từng làn điệu, ngay cả với cách hướng dẫn thực hành ở nhiều nơi với các hình thái khác nhau.
"Tôi tin nghệ thuật hát xẩm có sức sống mãnh liệt, luôn tìm cách làm mới mình để phù hợp với thời đại. Quan trọng là cách đưa bộ môn này đến với giới trẻ, số hóa di sản sẽ tạo được không gian thực hành hát xẩm để các thế hệ sau này đều biết cách kế thừa, tiếp nối, sáng tạo xẩm với phong cách mới nhưng vẫn giữ bản sắc, đặc trưng của xẩm" - nhà nghiên cứu Mai Đức Thiện đúc kết.
Bình luận (0)