Bài giảng về tác phẩm "Quan Âm Thị Kính" với trích đoạn "Nỗi oan hại chồng" ở Trường THCS Lê Quý Đôn (TP HCM) trở nên thú vị hơn hẳn khi các học sinh nơi đây tham gia biểu diễn tác phẩm dưới hình thức nghệ thuật chèo. Sự hào hứng của học sinh khi tham gia biểu diễn và thưởng thức tác phẩm này cho thấy hình thức giảng dạy mới gặt hái thành công.
Chơi để học
Hầu hết học sinh đều nhìn nhận việc học một tác phẩm văn học qua hình thức biểu diễn bằng nghệ thuật truyền thống giúp các em hiểu sâu sắc hơn nội dung bài học và có thêm kiến thức âm nhạc truyền thống. Tất nhiên, hình thức sân khấu hóa bằng nghệ thuật chèo như các tiết học ngữ văn ở Trường Lê Quý Đôn như thế này sẽ không đơn giản khi việc tập luyện để diễn tốn không ít thời gian. Nhưng đây là mục đích của những người tâm huyết với dự án đưa âm nhạc truyền thống vào học đường.
Là người trực tiếp hướng dẫn các học sinh và tham gia biểu diễn tại chương trình này, NSƯT Bùi Sỹ Hà (nghệ danh Hà Chèo) cho biết khi bắt đầu công việc này, bản thân cô cũng thấy lo lắng vì dạy các em biểu diễn nghệ thuật chèo không dễ. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc, nhận thấy nhiều em có năng khiếu và đam mê bộ môn này nên cô rất vui.
NSƯT Tuyết Mai giới thiệu âm nhạc dân tộc cho các em học sinh Ảnh: Thảo Phương
Bằng hình thức tổ chức biểu diễn những chuyên đề, lồng ghép trong các môn học chính khóa, nhạc truyền thống được học sinh hưởng ứng tiếp cận và tìm hiểu. Mới đây, thạc sĩ - NSƯT Tuyết Mai vừa hoàn tất chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào trường học theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM. Dự án mang tên "Sân khấu học đường với âm nhạc dân tộc" triển khai từ đầu năm 2019, do ban nhạc dân tộc Trúc Mai dẫn đầu, được thực hiện tại: Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Tây (quận Bình Thạnh), Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú), Trường THCS Phú Mỹ (quận Bình Thạnh), Trường Tiểu học Bình Lợi Trung (quận Bình Thạnh). Đến nay, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) là một trong những trường đầu tiên ở TP HCM đưa môn âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong giờ học chính khóa cho học sinh. Bộ môn này đã được tổ chức từ 3 năm nay, mỗi năm có từ 2-4 lớp học được tổ chức với 2 tiết/tuần, học sinh đăng ký tham gia học nếu yêu thích. Chương trình học bao gồm từ việc giới thiệu các loại hình âm nhạc dân tộc, các loại nhạc cụ, trang phục và hướng dẫn các em thực hành biểu diễn. Đồng thời giới thiệu về văn hóa, tín ngưỡng của từng vùng miền, giúp các em hiểu cả về nghệ thuật truyền thống và đời sống văn hóa của người dân ở mọi vùng miền của đất nước.
Trực tiếp tham gia và theo đuổi dự án, thạc sĩ - NSƯT Tuyết Mai bày tỏ: "Qua nhiều năm biểu diễn trong và ngoài nước, tôi nhận thấy ở Việt Nam, đa số người dân chưa có điều kiện tiếp cận để hiểu biết và gọi tên chính xác các nhạc cụ âm nhạc dân tộc phổ biến như đàn t’rưng, k’longput, tam thập lục..., thậm chí nhầm giữa đàn bầu và đàn cò... Với học sinh, sinh viên, những cây đàn nhạc dân tộc đối với họ còn rất mới mẻ so với các nhạc cụ phương Tây như organ, guitar... Từ những lý do trên, tôi nhận thấy cần thiết đưa âm nhạc dân tộc tiếp cận, giúp giới trẻ nhận biết, hiểu được sự độc đáo của từng loại nhạc cụ. Đây chính là lớp khán giả tương lai của âm nhạc truyền thống dân tộc mà chúng ta cần gầy dựng".
Hình thành thói quen tìm đến nhạc truyền thống
Với các tiết mục hòa tấu, độc tấu, đơn ca, giới thiệu nhạc cụ và giao lưu cùng học sinh của dự án "Sân khấu học đường và âm nhạc dân tộc", ông Nguyễn Hồng Luyến (Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ - quận Bình Thạnh) đánh giá đây là chương trình thiết thực, cần được nhân rộng để học sinh có hiểu biết hơn về âm nhạc dân tộc.
Những tiết học về nhạc dân tộc tại các trường tiểu học cũng gặt hái hiệu quả ngoài mong đợi. Bà Lưu Thị Hương Lan (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Tây) nhận xét: "Việc học sinh tiểu học có thể phân biệt và gọi đúng tên các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, tam thập lục, đàn tranh, sáo, t’rưng,… đã là thành công ngoài mong đợi. Điều làm cho các em thích thú là được trải nghiệm, lên sân khấu để chạm và chơi thử các nhạc cụ dân tộc qua việc học nhạc cơ bản".
Giới chuyên môn cũng như thầy cô giáo ghi nhận các tiết học này đã ít nhiều khơi gợi sự tò mò, tìm hiểu của học sinh. Đó là bước đầu hình thành nên thói quen tìm đến với nhạc truyền thống, dân tộc của các em sau này.
Tham gia giảng dạy bộ môn nghệ thuật truyền thống tại Trường THPT Nguyễn Du, nghệ sĩ Trần Quang (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen) cho rằng việc giới trẻ hiện nay yêu thích nhạc trẻ cũng dễ hiểu bởi họ tiếp xúc thường xuyên với dòng nhạc này, trong khi âm nhạc truyền thống gần như bằng 0. Mọi thứ đều có thể thay đổi nếu chúng ta tận tâm với mục đích và hướng đi của mình. Đưa âm nhạc truyền thống vào trường học không nhằm giúp mọi người cùng biết hát, trình diễn nhưng chính môn học này sẽ giúp học sinh hiểu được những nét căn bản về âm nhạc dân tộc truyền thống để yêu thích và gìn giữ nó.
Xây dựng hệ thẩm mỹ thưởng thức bài bản
Theo NSƯT Tuyết Mai: "Dù đến nay, việc tổ chức học âm nhạc dân tộc trong trường học mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm nhưng những thành tựu gặt hái được ban đầu của dự án cho thấy việc phổ cập âm nhạc truyền thống dân tộc cho học sinh chính là cách để bảo tồn văn hóa dân tộc, cũng là phương thức để xây dựng hệ thẩm mỹ thưởng thức bài bản, chuẩn xác cho khán giả tương lai. Nhiều ý kiến còn cho rằng nên đưa âm nhạc truyền thống tiếp cận với các bé ngay từ mẫu giáo để ít nhất khắc phục tình trạng người Việt không gọi đúng tên nhạc cụ dân tộc của mình".
Bình luận (0)