Phim "Ngày mai bình yên" đang phát sóng trên VTV3 khai thác đề tài cuộc sống của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, phim "Những ngày không quên" với cùng đề tài cũng được phát sóng phục vụ khán giả. Những phim truyền hình này đã tuyên truyền, thông điệp đến với người dân một cách uyển chuyển và ấn tượng.
Truyền thông điệp giá trị
"Ngày mai bình yên" do đạo diễn - NSƯT Vũ Trường Khoa và đạo diễn Hoàng Tích Thiện thực hiện. Kịch bản phim được xây dựng dựa trên những gì đang diễn ra trong thời điểm dịch bệnh, giãn cách xã hội dài ngày. Ê-kíp sản xuất kỳ vọng phim là món ăn tinh thần, giải trí và tuyên truyền nâng cao ý thức cho khán giả cùng chung tay phòng chống dịch bệnh.
Được phát sóng trên VTV3 từ ngày 12-8, nội dung phim tập trung gia đình ông Phát, một chủ doanh nghiệp xây dựng. Như bao người khác, ông vừa cùng gia đình chống dịch vừa phải loay hoay duy trì hoạt động công ty, lo lương cho nhân viên. Trong thời gian này, cả gia đình hiếm khi ra ngoài, mọi mâu thuẫn, tính cách không hợp nhau lần lượt bộc lộ. Để cuối cùng, từ bao chuyện xảy ra do những khó khăn do dịch, ông Phát đã cảm nhận sâu sắc hơn về sự sẻ chia, thấu hiểu. Đây cũng là cơ hội để người trong gia đình cảm nhận về tình thân, nghĩa đồng bào.
Phim “Những ngày không quên” nói về đề tài dịch bệnh. (Ảnh cắt từ màn hình)
Ở đợt dịch trước, khán giả cũng có dịp thưởng thức phim "Những ngày không quên" của NSƯT Danh Dũng và Trịnh Lê Phong làm đạo diễn, Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện.
Phim là phiên bản đặc biệt cho sự kết hợp của 2 bộ phim "Về nhà đi con" và "Cô gái nhà người ta". Bối cảnh phim được quay ở Hà Nội và Bắc Ninh, với sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Tuấn Tú… đã tái hiện đời sống của hai không gian điển hình là thành phố và nông thôn khi dịch bệnh ập đến. Từ đó, mỗi cá nhân đều cần có ý thức trách nhiệm hơn với cộng đồng, sự đoàn kết và chung tay phòng chống dịch bệnh, vượt qua mọi khó khăn.
Theo nhà báo Cát Vũ, những phim truyền hình khai thác đề tài dịch Covid-19 thường không dễ làm vì thời gian sản xuất gấp gáp, phải lồng ghép những thông điệp, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh vốn khô khan, khó tạo hấp dẫn. Vì thế, khán giả cũng khó đòi hỏi các tác phẩm này hoàn thiện, chỉ mong phim vừa giải trí vừa hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền.
"Những nỗ lực của ê-kíp ở thời điểm này vẫn tạo được tác phẩm phục vụ khán giả, có tính thời sự cần được động viên. Bởi nhờ có họ, những lời tuyên truyền, kêu gọi sự đoàn kết, một lòng chống dịch, tình cảm gia đình được truyền tải cho người dân bằng hình thức uyển chuyển, dễ hiểu, dễ tiếp nhận hơn" - nhà báo Cát Vũ nhận xét.
Vượt qua khó khăn
Làm phim giữa đại dịch là một thách thức, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh căng thẳng, giãn cách xã hội diễn ra nhiều nơi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã có được khi thực hiện "Những ngày không quên", VFC vẫn tiếp tục triển khai thực hiện "Ngày mai bình yên".
NSƯT - đạo diễn Vũ Trường Khoa chia sẻ: "Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi được yêu cầu làm phim này nên mọi thứ gấp gáp từ ý tưởng xây dựng kịch bản, triển khai sản xuất. Đội ngũ biên tập và biên kịch phải nắm bắt được tinh thần nhanh, triển khai kịch bản gấp rút sao cho kịp tiến độ sản xuất và lịch phát sóng".
NSND Trung Hiếu cho biết: "Phim được làm ở giai đoạn căng thẳng khi Hà Nội và TP HCM cùng nhiều tỉnh, thành khác đang thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế, phải bảo đảm an toàn cho các thành viên đoàn phim như mang khẩu trang trong suốt quá trình quay (chỉ mở ra khi diễn xuất), giữ khoảng cách, xịt khuẩn và thực hiện 5K để bảo vệ mình và người khác".
Trước đó, phim "Những ngày không quên" cũng được thực hiện trong tình trạng tương tự. Việc sản xuất gấp gáp, kịch bản bám sát thời sự và phim làm nhanh nên dần "đuối" về sau. Dù vậy, khán giả vẫn thông cảm và cho rằng với tác phẩm mang sứ mệnh tuyên truyền thông điệp chống dịch, kêu gọi sự đoàn kết thì "Những ngày không quên" hoàn thành nhiệm vụ.
Ở những đợt bùng dịch trước, việc giãn cách xã hội chưa đến mức khắt khe như hiện nay nhưng việc quay phim khó khăn không kém. Các đạo diễn phải chọn bối cảnh nơi đồng vắng, ít dân cư để thực hiện trước rồi chờ khi dịch được khống chế sẽ quay tiếp các cảnh ở thành thị, nơi đông người.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng kể nỗi khổ khi quay "Cát đỏ" ngay đợt dịch đầu tiên: "Trong suốt 2 tháng dịch Covid-19, đoàn phim hoạt động như doanh trại quân đội. Các diễn viên dù không có phân cảnh như Hữu Bình cũng phải ở lại cùng đoàn trong suốt 2 tháng để bảo đảm an toàn chung".
Với tình hình hiện tại, việc xông pha thực hiện các tác phẩm mang giá trị tuyên truyền, đan xen hài hước, giải trí là một nỗ lực lớn của ê-kíp. Nhiều người trong giới kỳ vọng dịch bệnh sớm qua để hoạt động nghệ thuật được trở lại. "Những phim đề tài dịch bệnh cần được động viên, ủng hộ, vì bảo đảm an toàn quá trình quay, dựng không đơn giản. Chúng tôi mong đại dịch kết thúc sớm để tiếp tục các hoạt động đang làm" - biên kịch Đông Hoa chia sẻ.
Cần thêm phim tài liệu có chiều sâu
Nhà báo Cát Vũ cho rằng bên cạnh phim truyền hình đề tài dịch bệnh, những phim tài liệu về dịch bệnh cũng cần được quan tâm, sản xuất nhiều hơn. Việc đi quay những nơi tuyến đầu chống dịch, những bệnh viện dã chiến, lấy ý kiến người dân, bác sĩ... sẽ giúp tạo nên những bộ phim tài liệu có chiều sâu, ngợi ca tinh thần hết mình vì nghĩa của những y - bác sĩ.
Bình luận (0)