Dàn nhạc giao hưởng với tên gọi Sài Gòn (Saigon Orchestra), do pianist Lê Nhật Quang khởi xướng, với 55 nhạc công gồm cả nhạc thính phòng lẫn nhạc dân tộc sẽ ra mắt công chúng bằng chuỗi chương trình hòa nhạc đương đại mang tên "The Rainbow show - Cầu vồng", diễn buổi đầu tiên vào ngày 8-10 tại Nhạc viện TP HCM. Đây là dàn nhạc giao hưởng tư nhân thứ 4 công bố ra mắt tại Việt Nam.
Giấc mơ thành hiện thực
Tại buổi họp báo ra mắt Dàn nhạc Sài Gòn và chương trình "The Rainbow show", nghệ sĩ pianist Lê Nhật Quang giới thiệu rằng "The Rainbow show" là cuộc đối thoại mang tính giao thoa giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc quốc tế, giữa nhạc cụ Việt Nam và nhạc cụ giao hưởng phương Tây, qua đó mang lại cho người thưởng thức cơ hội khám phá và hiểu biết nhiều hơn về vẻ đẹp phong phú của văn hóa, thiên nhiên và con người đa sắc tộc Việt Nam.
Mỗi chương trình với thời lượng 60 phút, 12 tiết mục biểu diễn, được sắp xếp theo một kịch bản liên hoàn, kể bằng ngôn ngữ âm nhạc về đất nước và con người Việt Nam như âm nhạc vùng Tây Bắc (âm điệu nhạc H’Mông - Thái - Nùng), đồng bằng sông Hồng (hát xoan - chèo), cố đô Huế (hò mái đẩy), đồng bằng sông Cửu Long (đờn ca tài tử)…
Dàn nhạc Saigon Orchestra trong ngày ra mắt báo giới
"The Rainbow show" đánh dấu cuộc ra mắt ngoạn mục của dàn nhạc tư nhân do nghệ sĩ pianist Lê Nhật Quang đầu tư vì tâm huyết với nghề. Hơn một năm nay, dàn nhạc miệt mài tập luyện cho cuộc trình diễn dài hơi và chưa biết đắng cay hay ngọt bùi đang chờ họ. Dù vậy, với nghệ sĩ Lê Nhật Quang, anh biết rõ con đường mình đi.
Trước đó, nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải cũng ra mắt dàn nhạc Saigon IDECAF với chuỗi chương trình "The Friday 9 music". Nếu "The Rainbow show" của Saigon Orchestra nhấn vào sắc màu nhạc dân tộc thì dàn nhạc Saigon IDECAF hướng đến màu sắc bán cổ điển. Để thực hiện dự án này, nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải mời nhạc sĩ Mario Trane từ Philadelphia - Mỹ sang đảm nhiệm vai trò chuyên môn hòa âm, phối khí và chỉ đạo dàn nhạc cùng một dàn nghệ sĩ nhạc công giỏi nghề trong và ngoài nước.
Đình đám nhất vẫn là cuộc họp báo giới thiệu dự án thành lập dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (Sun Symphone Orchestra) cách đây không lâu. Với sự hậu thuẫn tài chính từ tập đoàn kinh doanh bất động sản, Sun Symphone Orchestra được hứa hẹn sẽ có một nhà hát Opera xây dựng bên Hồ Tây (Hà Nội) để biểu diễn. MC (dẫn chương trình) Anh Tuấn, từng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) năm 1997, đảm nhận vai trò giám đốc điều hành dàn nhạc này. Nghệ sĩ Olivier Fabrice Ochanine (Giải nhất Cuộc thi Nhạc trưởng quốc tế năm 2015 tại Budapest - Hungary) được mời làm Giám đốc âm nhạc đồng thời là nhạc trưởng của Sun Symphone Orchestra. Chương trình chiêu mộ tài năng cho dàn nhạc sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 19-10 với hình thức tuyển chọn trực tiếp.
"Thành lập một dàn nhạc, đó là một giấc mơ. Giờ đây, giấc mơ đó có thật" - bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh - thành viên Hội đồng điều hành, Tổng Giám đốc Sun Symphone Orchestra - chia sẻ. Cũng theo bà Quỳnh Anh, dàn nhạc Sun Symphone Orchestra được thành lập nhằm góp phần hiện thực hóa khát vọng mang âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng, đồng thời thu hút những tài năng âm nhạc cổ điển nước nhà để nâng tầm, đưa nghệ thuật biểu diễn nhạc cổ điển Việt Nam hội nhập thế giới.
Lập ra dễ, nuôi mới khó
Với nguồn tài chính dồi dào từ một tập đoàn kinh doanh bất động sản, những nhà sáng lập Sun Symphone Orchestra mạnh miệng tuyên bố không đặt tiêu chí doanh thu lên hàng đầu mà chỉ quan tâm đến việc tạo nên môi trường nuôi dưỡng và phát triển tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam, mang đến cơ hội thưởng thức cho khán giả trên khắp đất nước với nhiều chương trình hòa nhạc được tổ chức thường xuyên.
Trong khi đó, dàn nhạc Saigon Orchestra của Lê Nhật Quang hay Saigon IDECAF của Lê Thanh Hải đều nhắm đến doanh thu biểu diễn. Bởi theo các nhà sáng lập này, thị phần nhạc mang tính hàn lâm là có thật mà chưa biết cách khai thác. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng thừa nhận khán giả của dòng nhạc này rất đông nhưng nhiều năm qua chưa có những dàn nhạc để đáp ứng nhu cầu của họ.
NSƯT Tuyết Mai, cộng sự đắc lực của nghệ sĩ Lê Nhật Quang trong việc phát triển dàn nhạc Saigon Orchestra, cũng lạc quan cho biết: "Hiệu quả của những dàn nhạc tư nhân này đều khả thi bởi "bỏ tiền thì xót của", họ sẽ năng động và có chiến lược cụ thể cho đầu ra của mình". NSƯT Tuyết Mai cho biết dàn nhạc Saigon Orchestra vừa ra mắt đã có thể xây dựng được chương trình biểu diễn định kỳ trong suốt 6 tháng tới. Từ đó, dàn nhạc lại tiếp tục có kế sách để tính đến con đường lâu dài sau này.
Không thể phủ nhận những người thành lập dàn nhạc tư nhân đều yêu âm nhạc cổ điển, am hiểu và đầy tâm huyết với nghề. Nhưng áp lực kinh tế trong việc tồn tại một dàn nhạc không hề nhỏ. Minh chứng, sau vài buổi diễn, dàn nhạc Saigon IDECAF của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải đã tạm ngưng hoạt động. Đơn giản vì doanh thu không thể bù cho mức đầu tư của chương trình, trong khi anh phải nuôi một dàn nhạc gần 100 thành viên, chưa kể 3 nhạc sĩ - nhạc công được mời từ Mỹ về Việt Nam đảm trách công việc làm nhạc cho chương trình.
Dàn nhạc Bigbands của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn từ lâu cũng không còn xuất hiện tại Quảng trường Nhà hát Thành phố (TP HCM) nữa vì lý do tương tự: không kinh phí nuôi quân. "Chỉ khi có yêu cầu, chúng tôi lại ráp đội hình và biểu diễn" - nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho hay.
Vậy nên, dù đang tạo nên những sắc màu riêng cho thị trường nhạc Việt nhưng các dàn nhạc tư nhân mới này có đi đường dài được hay không, chưa thể nói trước điều gì.
Áp lực nguồn thu
Thực tế, hiệu ứng của những chương trình nhạc mang tính hàn lâm khá rõ khi tất cả dàn nhạc đều không chỉ chơi nhạc tử tế mà còn xuất sắc. Dù các dàn nhạc tư nhân luôn hướng đến trọng tâm dung hòa tính hàn lâm nghệ thuật với trình độ thưởng thức của công chúng, tức yếu tố giải trí nhưng, cái khó là "nuôi dàn nhạc khá tốn kém trong khi chương trình biểu diễn dành cho một dàn nhạc lớn không nhiều" như bộc bạch của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn. Ngay cả dàn nhạc của nhà nước được cấp ngân sách còn lâm tình cảnh khó khăn vì thiếu kinh phí thì dàn nhạc tư nhân, phải tự chủ tài chính, khó khăn còn gấp bội phần.
Bình luận (0)