Giới chuyên môn nhận định đây là thời kỳ bùng nổ của phim LGBT và điều này khiến cho các bộ phim về người đồng tính trở thành dòng chủ lưu của nghệ thuật điện ảnh. Ngày càng có nhiều diễn viên sẵn sàng hóa thân người đồng tính và họ thường thể hiện rất xuất sắc. Nhiều bộ phim về đề tài này đã hoàn toàn chinh phục thế giới, thậm chí có nhiều cơ hội được tôn vinh tại giải thưởng Oscar như "Milk", "The Kids are all right", "The Dallas buyers club", "Call me by your name", "Princess Cyd", "Love, Simon"...
Cảnh phim "Call me by your name"- khai thác đề tài đồng tính được đề cử Phim hay nhất tại giải Oscar vừa qua Ảnh: REUTERS
Báo chí phương Tây nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng phim LGBT được dựng lên với tinh thần phù hợp chính sách hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Mỹ". Các bộ phim đều lên tiếng an ủi những người thuộc cộng đồng LGBT với sự đồng cảm sâu sắc. Một sự đồng hóa thay cho sự phân loại đồng tính hay dị tính thường thấy ở kinh đô điện ảnh Hollywood trước đây.
Góc nhìn chính trị của việc xóa nhòa ranh giới giữa người đồng tính và người dị tính đã di chuyển từ "hòm phiếu" bầu cử sang điện ảnh. Khi người đồng tính không còn phải ở trong bóng tối nữa, các nhà làm phim tính đến chuyện bán vé cho phim của họ. Đạo diễn Luca Guadagnino gọi "Call me by your name" là "phim gia đình", nữ diễn viên Rachel Weisz gọi "Disobedience" là câu truyện bình thường như bao câu truyện khác. Alia Shawkat, biên kịch của bộ phim "Duck butter", nhấn mạnh: "Tôi muốn khán giả nhận thức rằng họ đang đi xem phim không phải vì mình là gay, người da đen hay người chuyển giới mà chỉ đơn giản là để nghe kể một câu truyện có giá trị".
Lắm lúc mong muốn có khi khác xa với thực tại. Giới chuyên môn cho rằng những phim về đề tài đồng tính tuy đa dạng về thể loại, phong cách nhưng nhân vật trong phim còn nhàm chán và tẻ nhạt. Bên cạnh việc phớt lờ các vấn đề hiện hữu, Hollywood còn đóng khung người đồng tính trong các hình mẫu hiền lành, những người yếu thế nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh bản thân một cách đau đớn nhằm truyền tải bài học đạo đức nào đó. Điển hình là các vai diễn Laurel Hester của Julianne Moore trong "Freeheld" hay Marsha P. Johnson trong phim tài liệu "Cái chết và cuộc sống của Marsha P.Johnson"…
Tệ hơn, các bộ phim được làm theo lối an toàn, nhàm chán và ủy mị với mục đích xóa bỏ ranh giới giữa người đồng tính và dị tính là chính. Những vấn đề nhức nhối liên quan đến người da màu, sự ngược đãi hoàn toàn bị gạt ra bên ngoài. "Các ông chủ Hollywood quyết định tận dụng dòng phim này theo cách làm cho chúng trở nên hiền lành và dễ tiếp cận hơn với đại chúng. Sự gai góc, đớn đau thật sự bị thay thế bằng những yếu tố dễ bán vé và thu tiền" - báo chí phương Tây nhận định.
Điều đó khiến dòng phim LGBT nở rộ nhưng lại không mang nhiều ý nghĩa như mong đợi. Nó đơn giản là "cái bắt tay an ủi" thay vì tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ về cuộc đấu tranh dai dẳng tìm tiếng nói cho cộng đồng LGBT.
Bình luận (0)