Sau một loạt phim ngôn tình tuổi thanh xuân, học đường đã và đang ra rạp: "Tháng năm rực rỡ", "Siêu sao, siêu ngố", "Thử yêu rồi biết", "Hạ cuối tình đầu",… khán giả sẽ tiếp tục được xem nhiều phim về đề tài này: "Bình tĩnh mà yêu", "Ngốc ơi, tuổi 17", "Thật tuyệt vời khi ở bên em", "Thầy ơi, em có bầu",... Những phim theo công thức tình cảm nhẹ nhàng pha lẫn yếu tố hài hước này đánh vào tâm lý khán giả trẻ - lực lượng chính ra rạp xem phim hiện nay, lấn át hoàn toàn những thể loại khác.
Cảnh trong phim "Hạ cuối tình đầu". (Nguồn: Nhà sản xuất cung cấp)
Đây là dòng phim nhẹ nhàng, ít vốn, kịch bản cũng không đòi hỏi cầu kỳ, căng não lại có cơ hội thành công về doanh thu. "Khán giả ra rạp xem phim có 60%-70% là người trẻ và số lượng này đang ngày càng tăng. Họ thích xem những phim gần gũi lứa tuổi để thấy mình trong nhân vật. Nhà làm phim tư nhân luôn quan tâm đến thị trường, dễ dàng nắm bắt nhu cầu này và đáp ứng" - đại diện công ty phát hành CGV Việt Nam cho biết. Tuy nhiên, để có được tác phẩm ngôn tình tuổi thanh xuân, học đường hay là không hề dễ, một cách đầu tư mạo hiểm. Thực tế trong một loạt phim ngôn tình ra rạp gần đây chỉ số ít phim có chất lượng khá, doanh thu cao còn lại đều kém chất lượng, doanh thu thấp. Sự đầu tư chạy theo một đề tài ăn khách nào đó biến thị trường phim trở nên "một màu" bằng nhiều phim kém chất lượng.
Nhiều người trong giới cho rằng khán giả Việt không thích các đề tài độc, lạ vì lối kể rối rắm, không tới. Những chủ đề tình cảm pha chút hài không cần vốn cao lại có cơ may thắng doanh thu. Đa phần các phim chủ đề này ra rạp thành công phần lớn đều là kịch bản Việt hóa từ phim ăn khách của nước ngoài.
Sau thất bại của "Fan cuồng", "Lôi báo"... những nhận định trên càng được tin tưởng. Khi nhắc đến "Fan cuồng", đạo diễn Charlie Nguyễn vẫn khẳng định đây là một trong những phim tốt dù doanh thu không như mong đợi do thị hiếu khán giả. Với "Lôi báo", kết quả thua đau đến từ việc câu chuyện phim chưa đủ sức thuyết phục khán giả. "Nếu cách đây 5-6 năm, phim dạng "Lôi báo" ra rạp, tôi nghĩ sẽ hấp dẫn và thắng nhưng thời điểm 2017 mọi thứ đã khác, thị hiếu khán giả cũng thế. Thêm vào đó, kinh phí quá cao so với mặt bằng phim Việt hiện nay, khó thu hồi vốn" - nhà sản xuất Lý Quốc Oai nhận định.
"Thị trường phim Việt non trẻ, không có những công ty tầm cỡ có đủ các bộ phận để tìm hiểu thị trường, đo nhiệt khán giả nên họ làm kiểu chạy theo trào lưu. Đây không phải hướng phát triển bền vững, thêm vào việc đổ xô Việt hóa những tác phẩm cũ của Hàn Quốc, cũng dạng ngôn tình nhưng là kiểu "bình cũ rượu mới", sức sáng tạo vẫn bị giới hạn. Tôi xót xa khi chúng ta có nhiều câu chuyện hay về cuộc sống người dân, giới trẻ nhưng ít được phản ánh lên màn ảnh" - biên kịch Châu Thổ bày tỏ.
Nhà báo - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng đấy là nỗi đau của điện ảnh Việt Nam khi cứ phải vay mượn cốt truyện nước ngoài dưới hình thức Việt hóa, lấy cảm hứng. Theo bà, điện ảnh phát triển không chỉ mang đến lợi ích quảng bá văn hóa, tạo tiền đề cho các ngành kinh doanh khác phát triển. Vì vậy, cơ quan quản lý cần quan tâm, có những chiến lược phù hợp để thúc đẩy điện ảnh phát triển như cách các nước trong khu vực: Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm được.
Bình luận (0)