Nói đến giám tuyển (còn gọi là curator), nhiều người thường hay hiểu đấy là những người làm công việc giám sát, giám định và tuyển chọn tác phẩm từ tranh ảnh, phim... cho các triển lãm, liên hoan, sự kiện ở bảo tàng, không gian nghệ thuật...
Tuy nhiên, giám tuyển còn là người sáng tạo chủ đề, tư vấn, định hướng nghệ thuật, giới thiệu tác phẩm ra thị trường nước ngoài cũng như đưa các sản phẩm hay ở nước ngoài vào trong nước. Nói đơn giản, giám tuyển kết nối những người làm nghệ thuật với công chúng cũng như kết nối các nhà nghệ thuật với nhau.
Giám tuyển Lê Thuận Uyên, trợ lý giám tuyển tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, nhìn nhận nghề giám tuyển tại Việt Nam còn non trẻ so với nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan hoặc Indonesia. "Khối tư nhân và nhà nước của nước bạn từ lâu đã phối hợp tổ chức liên hoan nghệ thuật quốc tế, đầu tư vào các không gian cho nghệ thuật đương đại... Chúng ta vẫn đang trong những bước đi đầu tiên. Hạ tầng nghệ thuật của chúng ta còn yếu, không gian dành cho nghệ thuật không nhiều và quy trình tiền kiểm cũng hạn chế khá nhiều hoạt động sáng tạo..." - giám tuyển Lê Thuận Uyên trăn trở.
Giám tuyển Lê Thuận Uyên dẫn tour nghệ thuật về triển lãm “Nhặt lá rừng xưa” của nghệ sĩ Võ Trân Châu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Do chưa được phổ biến rộng, nghề giám tuyển trở nên nhạt nhòa trong vòng xoáy phát triển của nghệ thuật. Ở nhiều mảng, các đầu mục công việc giám tuyển thường được phân chia cho các vị trí khác nhau của dự án, sự kiện như nghệ sĩ, người điều phối, quan hệ công chúng... dễ dẫn đến cảm giác có thêm giám tuyển cũng không giải quyết được thêm nhiều vấn đề.
"Tôi nghĩ giám tuyển phim không quá cần thiết với sự phát triển chung của nền điện ảnh Việt hiện tại. Phim Việt quá ít, nếu muốn mang ra giới thiệu liên hoan phim quốc tế, chợ phim quốc tế thì nhà sản xuất tự đi làm cũng được. Nếu trong tương lai, thị trường điện ảnh Việt phát triển hơn, vai trò giám tuyển phim có thể thay đổi theo nhưng hiện tại tôi thấy chưa cần thiết" - biên kịch kiêm đạo diễn Kay Nguyễn nhận định.
Lê Thu Hà - học viên lớp giám tuyển phim khóa 1 của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), thuộc nhóm Ki}{inema - nhận định những người học hoặc đã và đang làm công việc giám tuyển đều gặp phải một số khó khăn nhất định như chưa có cơ sở đào tạo chính thống và chuyên nghiệp, gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu hoặc giấy phép hoạt động cho các chương trình của mình... Ngoài ra, do môi trường chung vẫn thiếu cơ hội phát triển nên nghề giám tuyển chưa thể mang lại thu nhập tốt.
Một số người trong giới cho rằng để phát triển nghề giám tuyển cần được tăng độ phổ biến cũng như cần tăng số lượng giám tuyển lành nghề. Ngoài ra, các giám tuyển phải nỗ lực tự học nhiều hơn và đẩy mạnh kết nối với nhau. Chưa có chuyên ngành đào tạo riêng, những người say mê nghề giám tuyển có thể tìm hiểu, học tập tại các khóa do các quỹ văn hóa, tổ chức nghệ thuật xây dựng như khóa học giám tuyển phim của TPD, các dự án hỗ trợ mạng lưới giám tuyển...
Bình luận (0)