Sách gồm 58 tranh khỏa thân, 3 phác thảo khỏa thân và vài tranh thiếu nữ. Cùng với việc ra mắt sách, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn cũng tổ chức cuộc trưng bày tranh khỏa thân, kéo dài từ ngày 23-5 đến 6-6 tại Eight Gallery (TP HCM). Đây là cuộc trưng bày cá nhân lần thứ 11 của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn kể từ năm 2007 đến nay.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, bên cạnh chủ đề thiếu nữ thị thành đã thành nét đặc trưng riêng thì tranh khỏa thân (nude) cũng được họa sĩ Bùi Tiến Tuấn dày công tìm tòi, sáng tạo. Những bức tranh lụa khỏa thân đầu tiên của ông ngay khi xuất hiện đã được cộng đồng chuyên môn và giới sưu tập chào đón. Thế là ông ôm ấp làm một trưng bày cá nhân về đề tài này, nên đã vẽ và cất kho để dành. Có thể nói, phần nhiều của 58 tranh khỏa thân trong sách và cuộc trưng bày là "của để dành", lần đầu công bố.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chia sẻ: "Tôi không vẽ một hình mẫu người phụ nữ cụ thể nào, mà tôi đang vẽ những hình nhân của cái đẹp. Chính với lập trường này, khi sáng tạo tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang lặp, đang vẽ giống với những bức tranh mình đã vẽ trước đó. Khi vẽ các bức tranh khỏa thân, tôi muốn khám phá, khai thác mọi khía cạnh, mọi khả năng của sự quyến rũ nữ tính. Ham muốn này cho phép tôi mang những hình nhân ấy đặt vào những tư thế khác nhau, những không gian khác nhau… Nghĩa là tôi đang không ngừng tìm và thấy sự lãng mạn hóa mọi khả năng mà ở đó cái đẹp của nữ tính hiện diện. Đôi khi nó vượt qua tính hợp lý bên ngoài của đời sống để đi đến sự hợp lý bên trong của tính nguyên lý. Bản chất dịu dàng, uyển chuyển của lụa càng phù hợp với lập trường đó của tôi".
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn
Nhận xét về tranh khỏa thân của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, nhà phê bình Đặng Thân cho biết: "Dễ nhận ra sự vượt thoát trong tranh lụa Bùi Tiến Tuấn. Một hơi thở nhẹ, không u tịch hoa mơ như lụa truyền thống Việt, không nặng nề, khốc liệt như lụa shunga Nhật, cũng không diêm dúa như xuân cung họa Trung Hoa và cũng không quằn quại nhân kiếp như trong biểu hình Egon Schiele".
Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng cũng đánh giá: "Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là một đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ trước đây trong tranh lụa, kể từ các trường mỹ thuật như Đông Dương, Gia Định và Huế, cho tới gần đây. Không còn nữa những vẻ đẹp lý tưởng quá vãng. Không còn nữa trạng thái tĩnh hay thụ động bằng những tư thế ước lệ - mà thước đo vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam vốn là sự nền nã, tức là lấy tính nết đứng đắn, thùy mị và sự kín đáo làm vẻ đẹp cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Giờ nàng bước ra khỏi không gian xưởng vẽ, ra thế giới hiện đại bên ngoài".
Bình luận (0)