xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Bạch Tuyết: Không phụ lòng "tri âm tri kỷ"

THANH HIỆP

Sau thành công của chương trình "Gửi người tri kỷ" mới đây, NSND Bạch Tuyết đã đưa lên kênh YouTube của bà những tiết mục đặc sắc. Lượng truy cập ngày càng tăng cho thấy khán giả luôn dành nhiều tình cảm với "Cải lương chi bảo"

NSND Bạch Tuyết tâm sự: "Má Bảy - NSND Phùng Há xem khán giả cải lương là ân nhân, còn tôi thì luôn xem họ là "tri âm tri kỷ". 60 năm trong nghề, được tặng biệt danh "Cải lương chi bảo", tôi nhận thấy trách nhiệm nặng trĩu đôi vai nhưng cũng đầy hãnh diện, tự hào. Tôi trân trọng, biết ơn, yêu thương "tri âm tri kỷ" của mình".

Khó ai sánh kịp

Trong chương trình "Gửi người tri kỷ" nhân kỷ niệm 60 năm theo nghề, NSND Bạch Tuyết dành phần mở đầu "Tôi kể bạn nghe" để tái hiện các nhân vật gắn liền với tên tuổi của bà trên sân khấu cải lương như: Thái hậu Dương Vân Nga (vở "Hoàng hậu hai vua"), cô Lựu ("Đời cô Lựu"), Kiều Nguyệt Nga ("Kiều Nguyệt Nga")... Theo NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ chỉ cần một vai diễn để đời, không ai thay thế đã là quý, song "Cải lương chi bảo" thì lại có rất nhiều vai mà không ai đủ sức sáng tạo bằng.

"NSND Bạch Tuyết có nhiều sáng tạo khiến đồng nghiệp bất ngờ và nể phục. Đáng quý hơn, chị nhìn thấy được những ưu điểm và hạn chế của mình để nhận vai. Chẳng hạn, chị không thể hạp với vai Tô Ánh Nguyệt, Ngọc Hân công chúa... - những mẫu nhân vật phụ nữ cam chịu. Vì vậy, chị từ chối ngay nếu được mời diễn các vai na ná như thế. Bù lại, những vai phụ nữ khẳng khái, quyết đoán thì đúng chất của Bạch Tuyết. Chị đã nhận vai thì nghiên cứu rất kỹ" - NSND Ngọc Giàu nhận xét về bạn diễn từng sát cánh cùng bà trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang thập niên 1980-1990.

Nhìn lại cuộc đời nghệ thuật biết bao thăng trầm, vui buồn của mình, NSND Bạch Tuyết cho biết bà thật sự hài lòng vì đã nghe theo lời dạy bảo của những bậc thầy sân khấu: NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), NSND Phùng Há. Nhờ họ mà bà mới có được như hôm nay.

NSND Bạch Tuyết luôn đi đầu trong việc thể nghiệm những sáng tạo cho nghề thông qua live show "Tự tình quê hương" tại Nhà hát Thành phố (TP HCM); tham gia giảng dạy, chấm thi, làm chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi tìm kiếm tài năng diễn viên sân khấu cải lương... "Cải lương chi bảo" còn viết sách, thực hiện nhiều chương trình lý luận phê bình sân khấu trên YouTube và được công chúng đón nhận.

Gần đây nhất, NSND Bạch Tuyết đã sáng tác các tác phẩm sân khấu để tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Bà luôn là tấm gương sáng cho thế hệ diễn viên trẻ noi theo.

NSND Bạch Tuyết: Không phụ lòng tri âm tri kỷ - Ảnh 1.

NSND Bạch Tuyết. (Ảnh: MINH DŨNG)

Cứ thế mà bước tới

"Khi chấm thi trong hội đồng nghệ thuật, bao giờ NSND Bạch Tuyết cũng đọc rất kỹ kịch bản của thí sinh, giúp diễn viên tìm ra đúng nhược điểm mà khắc phục để vững bước theo nghề. Sân khấu cải lương có chị là một vốn quý, thế hệ học trò có chị là "bà đỡ" hết lòng giúp họ rèn luyện tinh thông nghề hát" - NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận.

Với những câu chuyện của giới trẻ hôm nay, NSND Bạch Tuyết không đứng ngoài cuộc. Bà luôn đặt mình vào vị trí, mối liên hệ, sự quan tâm của họ để áp dụng hiệu nghiệm những thông điệp cần và đủ cho cải lương tồn tại trong lòng giới trẻ.

Gần đây, trên kênh YouTube của mình, NSND Bạch Tuyết đã cover một loạt ca khúc hit của các ca sĩ trẻ với nền cổ nhạc: "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP, "Em gái mưa" của Hương Tràm, "Đừng hỏi em" của Mỹ Tâm... Nhiều bạn trẻ không khỏi ngỡ ngàng, thú vị.

"Tôi luôn thích làm cái mới. Mới chưa chắc hay nhưng dù sao cũng phải mới cái đã. Đơn giản như chuyện ta sắm bộ đồ để diện Tết, dù chưa chắc đồ mới đã đẹp song vẫn được ưu tiên sử dụng hơn đồ cũ. Ở tuổi "xưa nay hiếm", tôi vẫn thích tìm kiếm cái mới trong nghệ thuật trên thế giới để nắm bắt, để lắng nghe..., từ đó có sự phản biện bằng chính bộ môn nghệ thuật của dân tộc" - NSND Bạch Tuyết tâm sự.

60 năm trôi qua, nhiều đồng nghiệp của NSND Bạch Tuyết vì nhiều lý do đã rời xa sàn diễn. Trong khi đó, bà vẫn đều đặn làm việc mỗi tuần, sắp xếp các sô diễn, những buổi nói chuyện với sinh viên, các buổi ghi hình. Bà còn đi các tỉnh, thành để thực hiện những MV phát sóng trên kênh YouTube cá nhân.

Chưa bao giờ tôi thấy NSND Bạch Tuyết lỗi hẹn. Bà đã hứa thì luôn đến đúng giờ, đã tập thì "cháy" hết mình trên sàn diễn, đã dạy thì chưa bao giờ giấu nghề. Bà vẫn luôn tâm niệm: Cứ thế mà bước tới, sống tử tế với nghề cho đến ngày hết sức thì về với Tổ nghiệp.

NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945 tại Châu Đốc, An Giang. Bà lên sân khấu lần đầu tiên vào năm 1962, với vai cô lái đò trong vở "Lá thắm chỉ hồng" của soạn giả Điêu Huyền. Năm 1963, Bạch Tuyết được trao huy chương vàng triển vọng Giải Thanh Tâm qua vai người vợ trong "Tàn một kiếp hoa". Năm 1965, với vai Lê Thị Trường An trong vở "Tuyệt tình ca" của soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp, một lần nữa bà nhận huy chương vàng Giải Thanh Tâm dành cho hạng mục diễn viên xuất sắc.

NSND Bạch Tuyết là nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên xuất hiện trên sân khấu thể nghiệm với vai trò độc diễn trong vở: "Diễn kịch một mình", "Hoàng hậu của hai vua" của tác giả Lê Duy Hạnh. Soạn giả Hoa Phượng đã đặt cho bà biệt danh "Cải lương chi bảo".

NSND Bạch Tuyết chưa khi nào lỗi hẹn. Bà đã hứa thì luôn đến đúng giờ, đã tập thì “cháy” hết mình trên sàn diễn, đã dạy thì chưa bao giờ giấu nghề…
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo