xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Ngọc Giàu: "Không viết hồi ký vì sợ nhiều người tổn thương"

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

(NLĐO) Trong từng con đường đến với nghệ thuật, bà không quên bất cứ một lối rẽ nào. Vì đó là trải nghiệm đáng quý của đời nghệ sĩ. Nhưng bà cho biết mình không viết hồi ký vì những gì mình viết ra sẽ làm tổn thương nhiều người.


NSND Ngọc Giàu: Không viết hồi ký vì sợ nhiều người tổn thương - Ảnh 1.

NSND Ngọc Giàu trong vai bà mẹ (vở "Tình mẫu tử")

Phóng viên: Vì sao bà khóc khi biết tin mẹ cố NS Kim Ngọc qua đời?  Giữa bà và gia đình này có mối liên hệ gì?

NSND Ngọc Giàu: Như vậy là bà mẹ cuối cùng của các nghệ sĩ thuộc thế hệ nghệ sĩ Vàng đã ra đi. Hồi đó ba tôi mất lúc ông 105 tuổi, sống thọ nhất, nay đến mẹ của Kim Ngọc mất ở tuổi 92. Cách đây ba năm là mẹ của NS Phượng Liên, rồi thân sinh của NSND Bạch Tuyết. Chúng tôi lần lượt đều mồ côi cha mẹ. Nói như lời của chị hai Kim Cương. Tuổi trẻ mất cha mẹ đã thấy đau, tuổi già mất đi chỗ dựa tinh thần là một điều khủng khiếp, nhất là với nghệ sĩ chúng tôi, sống vậy chứ cô độc lắm. Mẹ của Kim Ngọc hồi đó bán thịt heo tại chợ Giồng Ông Tố. Khi sân khấu lâm vào cảnh hiu hắt, bà đã chặt từng ký thịt mang đến rạp cứu đói cho anh chị em nghệ sĩ, công nhân hậu đài. Từ sạp thịt nuôi 14 người con, Kim Ngọc đi hát sau này phụ bà lo cho các em. Thương bà lắm. Tôi nhìn thấy Hiếu Hiền và Kim Ngân, hai con của Kim Ngọc, nay cũng là nghệ sĩ, đầu chít khăn tang, tiễn biệt bà ngoại, tôi lại nhớ đến hình ảnh đám tang của Kim Ngọc, xe tang dừng tại khu chợ này. Mẹ già rưng rung đứng bên hàng hiên nhìn đoàn người thương mến con gái đang lặng lẽ tiễn con mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Hôm nay, bà đã gặp lại con mình dưới suối vàng. Người con hiếu thảo, cả đời phụng dưỡng cha mẹ. Cái đức của Kim Ngọc để lại chính là sự hãnh tiến của Kim Ngân và Hiếu Hiền khi được khán giả yêu thương.

NSND Ngọc Giàu: Không viết hồi ký vì sợ nhiều người tổn thương - Ảnh 2.

NSND Ngọc Giàu và các nghệ sĩ: NSƯT Thanh Thanh Tâm, NSND Thanh Tòng, NSND Lệ Thủy

* Về gia cảnh, bà là người trải nghiệm từ cuộc sống nghèo khó cho đến khi thành đạt. Chắc chắn có nhiều ký ức về tuổi thơ với Thủ Thiêm và vùng đất mang tên Giồng Ông Tố?

- Hiếm ai biết chuyện này. Hồi đó tôi đã đi hỏi cưới Kim Ngọc cho cháu của tôi. Trước khi Kim Ngọc thành hôn với Hoàng Long, rồi sau này là nhạc sĩ Đức Lang, Kim Ngọc là cháu dâu của tôi. Cuộc hôn nhân đó không kéo dài lâu vì người cháu của tôi qua đời. Họ chung sống không có con nên sau đó Kim Ngọc mới chính thức thành hôn với NS Hoàng Long. Trên thực tế, mỗi lần gặp tôi Kim Ngọc đều khoanh tay thưa cô Sáu, dù trên khai sanh tôi nhỏ hơn Kim Ngọc 1 tuổi. Trải nghiệm cuộc đời quá nhiều với cái nhìn của đời nghệ sĩ, tôi hiểu chuyện nên trong rất nhiều những ứng xử thiếu tế nhị giữa nghệ sĩ với nhau, tôi thường được nhờ đến can thiệp, hòa giải. Trước hết là để họ nhận ra nóng nảy sẽ ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp, sau đó để họ biết nên dừng lại, đừng để câu chuyện kéo dài thêm sẽ liên lụy đến người khác. Chính vì thế tôi từ chối viết hồi ký cũng vì câu chuyện của mình đụng tới quá nhiều người, mà sẽ làm tổn thương đến con cháu của họ.

NSND Ngọc Giàu: Không viết hồi ký vì sợ nhiều người tổn thương - Ảnh 3.

NSND Ngọc Giàu và các nghệ sĩ: Kim Ngọc, Giang Châu, Thoại Miêu, Tuấn Thanh, Trọng Hữu trong vở "Tình mẫu tử"

* Nhiều người viết tự truyện, hồi ký, nhất là giới nghệ sĩ đã tự hư cấu quá nhiều về mình, hoặc tự huyền thoại hóa đời mình. Bà nghĩ gì về điều này?

- Tôi không dám lên án ai, chỉ nói về mình. Nếu tôi viết thì phải kể đúng người, đúng chuyện. Do đó khi có nhiều phóng viên các đài truyền hình mời tôi phát biểu về một nghệ sĩ nào đó khi họ làm ký sự chân dung hoặc phóng sự tôn vinh sự nghiệp, tôi đã từ chối. Bởi, nói tiếng thơm thì cả đời rồi vì ai làm nghệ thuật cũng cố gắng tìm cho mình điểm sáng để đứng. Nhưng làm nghệ sĩ mà sợ bóng tối, sợ những nơi bí hiểm thì không phải là nghệ sĩ. Nói về góc độ tối- sáng đó thì có quá nhiều thứ để trình bày, tôi chỉ muốn để trong lòng mình nên thôi, không dám tô vẽ thêm. Còn hư cấu, dựng chuyện để chỉ nói đến cái tốt của mình thì ai cũng làm được. Tôi chỉ muốn nói đến những điều chưa hoàn thiện, để người đọc chia sẻ với mình chứ không thích tô hồng mình.

NSND Ngọc Giàu: Không viết hồi ký vì sợ nhiều người tổn thương - Ảnh 4.

NSND Ngọc Giàu và NSƯT Phương Quang

* Về một chút hạnh phúc riêng tư, nhạc sĩ Nguyễn Kim  Bằng – ông xã của bà chắc hẳn là người tìm được một nửa cuộc đời khi ông đã có hơn 40 năm chung sống với bà?

- Cái này thì nên hỏi ổng. Tuy nhiên tôi trả lời một nửa nhé. Ông ấy đã yêu tôi từ lúc còn đi chung sân khấu Trần Hữu Trang. Ông thổi kèn trong dàn nhạc của nhà hát, còn tôi là diễn viên. Hơn 40 năm mặn nồng có nhau, giận hờn cũng có, tranh luận không thiếu. Nhưng tôi vẫn yêu tiếng kèn của ông ấy. Còn nhớ năm 1984 khi sang Châu Âu theo lời mời của tổ chức UNESCO, tôi đã được anh Tích Kỳ - con rể của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà – nguyên chủ tịch Hội Người Việt nước ngoài tại TP HCM chở đi tìm mua cây đàn sasxo. Thời còn bao cấp nên việc mua cây đàn xịn rất khó khăn vì đắt tiền, vì vận chuyển về nước. Ông xã tôi đã ôm cây đàn mà khóc. Món quà đó là món quà tình yêu mà chúng tôi gìn giữ, như gìn giữ sự rung động của trái tim.

NSND Ngọc Giàu: Không viết hồi ký vì sợ nhiều người tổn thương - Ảnh 5.

NSND Ngọc Giàu và các nghệ sĩ tham gia Sân khấu Vàng

* Có phải nhờ có tình yêu và hạnh phúc của mái ấm gia đình nên bà đã luôn thể hiện tiếng cười duyên dáng, trẻ trung?

- Chính xác. Hồi đó nhận diễn vai bà Hai Hương, trong vở "Đời cô Lựu", rồi đạo diễn NSND Huỳnh Nga phân thêm tôi đóng vai cô Bảy giúp việc. Tôi đã về nhà hỏi ông xã, làm sao để diễn khác hai tính cách này, không khéo người ta mới thích bà Hai Hương rồi lại chê cô Bảy giúp việc. Thế là ông xã tôi nhắc đến một nghệ sĩ tiền bối mà tôi xin giấu tên, ông này có cái tính cà rỡn, hay dùng cánh tay để giễu những khi tập tuồng. Thế là tôi đưa tính cách của ông nhập hồn vai cô Bảy giúp việc, để biến hóa thành cô Bảy cán vá để đời.

NSND Ngọc Giàu: Không viết hồi ký vì sợ nhiều người tổn thương - Ảnh 6.

NSND Ngọc Giàu, soạn giả Kiên Giang, soạn giả Viễn Châu và bà Nguyễn Thị Ái Nam - Phó bí thư tỉnh Bạc Liêu tại Hội thảo "90 năm bài Dạ cổ hoài lang"

* Bà dạy con cháu sống theo nguyên tắc nào? Trước đây khi chị Ngọc Hân bị bệnh ung thư máu qua đời, sau này Ngọc Phượng không được bế lên sàn diễn như chị của mình. Có phải bà sợ con nối nghiệp?

-Ngọc Hân hồi đó nổi tiếng khi đóng vai ấu chúa trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga", cũng như con gái của Tú Sương còn bé xíu đã được mẹ bồng lên sân khấu diễn các vai con nít. Nếu Ngọc Hân không qua đời vì căn bệnh ung thư máu, có lẽ con gái tôi đã theo nghề của mẹ. Riêng Ngọc Phượng, tôi cũng dẫn vào hậu trường chơi nhưng cháu không thích nên không có ý định sẽ theo nghề của mẹ. Tôi luôn dạy con cháu mình sống đúng với nhân cách của ông bà, cha mẹ đã dạy: Không dối trá, phản phúc. Biết nâng niu, gìn giữ những điều mà cuộc sống đã ban tặng. Nhờ vậy hiện nay con gái tôi sống rất hạnh phúc. Tôi không sợ con cháu nối nghiệp, chỉ ngại các cháu không có năng khiếu đi theo nghề mẹ sẽ phí phạm tuổi xuân. Do đó, tôi nhận rất nhiều con nuôi là diễn viên, ca sĩ. Mong rằng họ gọi tôi là má, là bà nội, bà ngoại thì phải biết noi theo tôi mà sống cho tử tế với nghề, không phụ lòng công chúng yêu mến là được rồi.

NSND Ngọc Giàu: Không viết hồi ký vì sợ nhiều người tổn thương - Ảnh 7.

NSND Ngọc Giàu và NS Phượng Liên trong vở "Kiều Nguyệt Nga"


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo