Ngày 26-11, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm NSND Ngọc Giàu.
Giọng ca "lụa trải nhung căng"
Vui mừng đón tiếp đoàn cán bộ, phóng viên chương trình "Mai Vàng nhân ái" và đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Á, NSND Ngọc Giàu cho biết đây là đoàn khách đầu tiên đến thăm sau giãn cách. Bà tâm sự: "Sau giãn cách, có nhiều lời mời tôi tham gia các game show với vai trò giám khảo, tôi từ chối vì lý do sức khỏe và trên hết là ý thức việc mình phải luôn giữ lòng tự trọng với nghề. Bây giờ luống tuổi rồi, 76 tuổi mà mình phát ngôn kém duyên khán giả sẽ không vui" - bà tâm sự.
Kể về cuộc sống hiện tại, bà cho biết căn bệnh thấp khớp và đau cột sống khiến bà không thể ngồi lâu. Đó cũng là lý do bà không thể tham gia các chương trình truyền hình quay nhiều giờ liền trong phim trường. "Tuổi cao rồi, Tổ nghiệp còn thương cho tôi còn được bà con cô bác thương, cứ mỗi năm đến Giải Mai Vàng trong lễ trao giải đều được Báo Người Lao Động mời tham gia. Có năm làm khách mời trao giải cho thế hệ diễn viên trẻ, có năm biểu diễn cùng các đồng nghiệp là hạnh phúc lắm" - bà kể.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (trái) và ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, trao tặng hoa và tiền hỗ trợ NSND Ngọc Giàu Ảnh: TẤN THẠNH
Trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu cải lương hơn 100 năm, khán giả mộ điệu đã dành nhiều tình cảm cho NSND Ngọc Giàu. Ngoài giọng ca mùi mẫn, điêu luyện được giới chuyên môn ban tặng bốn chữ "lụa trải nhung căng", bà còn duyên dáng đảm nhiệm các sở trường lẳng, độc, hài hước thiện nghệ. Nếu phải xếp thứ hạng, thì bà là nữ danh ca hơn 60 năm gắn chặt với thánh đường sân khấu. Một giọng ca mượt mà, chân phương như chất chứa nỗi niềm sâu kín tự đáy lòng.
Cuộc sống cơ cực của tuổi thơ đã cho bà ý chí bền bỉ vượt qua những trở ngại trong đời. Khi 9 tuổi, bà đã theo người anh thứ ba biểu diễn trong gánh "Sơn Đông mãi võ", 10 tuổi được nghệ sĩ Minh Chí ("Vua xàng xê") phát hiện giọng ca giới thiệu thu âm tại hãng đĩa Asia. Sau đó, NSND Viễn Châu dìu dắt, nâng đỡ vào nghề, viết cho bà nhiều bài vọng cổ để tên tuổi của bà được khán giả khắp nơi biết đến.
Mục đích theo nghề hát của bà thời đó là có tiền phụng dưỡng cha mẹ già sống trong nghèo khổ. Tài năng của bà được hun đúc qua nhiều đoàn hát, nơi tạo nên khuynh hướng sáng tác và dàn dựng nhiều kịch bản văn học quý, giúp bà liên tục tỏa sáng. Bà đoạt HCV triển vọng giải Thanh Tâm (vai Điêu Thuyền, vở "Điêu Thuyền bái nguyệt") năm 1960 và 7 năm sau đó đoạt HCV xuất sắc (vai con ông quan huyện, vở "Vườn hạnh sau chùa") của giải thưởng uy tín này.
Không thể xa quê hương
"Số phận đưa đẩy cho tôi được hóa thân vào nhiều loại vai khác nhau. Tính tôi ham học nên hễ có vai diễn khó thì tìm thầy để thọ giáo. Từ đó, tôi học ở cô hai Kim Cúc (vợ của cố NSND Năm Châu) vai Lục Vân Tiên, học ở NSND Thành Tôn (cha của NSƯT Thành Lộc) vai kép võ Triệu Tử Long, học từ NSND Phùng Há vai Đổng Trác… Mỗi thầy cho tôi một bài học, có khi là sự thị phạm, có khi chỉ vài lời phân tích nhưng tôi đều nỗ lực hết mình.
Tôi nhớ ơn nhất NSND soạn giả Viễn Châu vì mỗi bài ca cổ ông viết cho tôi, giống như sợi dây thả diều, ông càng buông dây đúng hướng gió, cánh diều càng bay cao. Nên trong nghề này phải biết tôn sư trọng đạo. Văn hóa của ứng xử trong đời sống cộng đồng nghệ sĩ đang bị xem nhẹ vai trò người thầy. Có tiếng tăm trong nghệ thuật khó lắm, giữ được càng gian truân" - NSND Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Sau khi được soạn giả Viễn Châu phát hiện, NSND Ngọc Giàu đi vào hãng đĩa, đài phát thanh để lan tỏa giọng ca "lụa trải nhung căng" của bà. Duyên nghiệp và cuộc đời gạo chợ nước sông từ đó quyện chặt vào số phận người nghệ sĩ: khổ lụy trong hôn nhân, người con gái đầu lòng bị ung thư máu qua đời, người con gái thứ hai theo chồng sang Mỹ định cư.
"Con hỏi tôi cha mẹ có muốn định cư sang Mỹ để gia đình được đoàn tụ. Tôi nói với con hãy để cha mẹ ở quê nhà, nhớ con cháu thì qua thăm. Vì tôi không thể xa quê hương nơi tôi đã từng được nuôi lớn trong vất vả nhưng đầy nhân nghĩa" - NSND Ngọc Giàu bộc bạch.
Hơn 65 năm trôi qua kể từ ngày bà bước chân vào nghề, hiện tại, tên tuổi Ngọc Giàu vẫn còn được công chúng yêu quý bởi sự chuẩn mực trong ca diễn. Tên tuổi bà gắn với nhiều vai diễn để đời, trong đó có nhiều vai phụ nhưng đều tỏa sáng như: bà Hai Hương và cô Bảy Cán vá ("Đời cô Lựu"), bà mẹ ("Tình mẫu tử"), Thái hậu ("Dương Vân Nga"), Lục Vân Tiên ("Kiều Nguyệt Nga"), bà mẹ chiến sĩ ("Tình yêu và lời đáp"), Thị Lộ ("Rạng ngọc Côn Sơn"), Đổng Trác ("Phụng Nghi Đình"), Nhung ("Tướng cướp Bạch Hải Đường")… Đó là phần thưởng lớn nhất và quý giá nhất mà sân khấu, công chúng mộ điệu dành tặng cho người nghệ sĩ sống trọn tình với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động và ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, đã tặng hoa và tiền hỗ trợ cho NSND Ngọc Giàu. Ông Tô Đình Tuân chúc NSND Ngọc Giàu mãi là tấm gương sáng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo, từ sân khấu cải lương cho đến hài kịch.
NSND Ngọc Giàu chia sẻ đây là món quà ý nghĩa dành cho người nghệ sĩ từng hai năm liền đoạt được Giải Mai Vàng do bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn, với vai bà Năm trong vở "Anh sui, chị sui" (1995) và Tiểu đồng trong vở "Thanh Xà, Bạch Xà" (1996). "Năm nào, tôi cũng là người nhà của Giải Mai Vàng, hễ Báo Người Lao Động cần thì có tôi tham gia. Chúc các diễn viên trẻ ở mọi lĩnh vực nỗ lực sáng tạo nhiều vai diễn mới cho nghệ thuật để xứng đáng với tình thương yêu mà bạn đọc, công chúng dành cho mình" - bà cho biết.
Bình luận (0)