.Phóng viên: Nhắc đến ông, khán giả nhớ ngay những vai diễn nông dân. Ông có bao giờ sợ mình bị "chết vai" rồi dẫn đến nhàm chán?
- NSND THANH NAM: Phải nói sau thành công của vai "Hai Lúa" trong phim "Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa", tôi cứ ào ào nhận được hàng chục số phận nông dân. Có lẽ tố chất "nông dân rặt" từ sàn diễn cải lương nó đã vận vô mình, nên tôi dễ dàng hóa thân trăm kiểu nông dân nghèo khắc khổ hay nông dân lên đời rồi… nổ, lên phố lơ ngơ rồi bị lừa... Tôi không sợ chết vai, chỉ sợ vai chết. Còn nhàm chán ư? Nếu không muốn chán thì phải tích lũy, phải lắng nghe, phải cọ xát xem người nông dân thời nay nghĩ gì, trăn trở điều gì để biến hóa thành tính cách nông dân trong con người nghệ sĩ.
NSND Thanh Nam và vợ là NSƯT Y Phương (Ảnh: THANH HIỆP)
.Ngoài "Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa", ông còn được yêu thích nhiều vai nữa. Bản thân ông thích vai nào nhất?
- Không đếm hết số lượng vai nông dân. Những vai trong các phim như: "Chuyện tình bên dòng kênh Sáng", "Tiếng chuông trôi sông", "Người đánh trống trường", "Lấy vợ Sài Gòn", "Bác Ba Phì thời @", "Mua láng giềng gần", "Về quê cưới vợ", "Tay chơi miệt vườn", "Tiếng sét trong mưa", "Những cuộc tình trắng đen", "Sắc màu hạnh phúc"... mỗi vai là một số phận nhưng vai nào cũng đều có sự tương tác từ cuộc sống.
NSND Thanh Nam trong 1 vai nông dân (Ảnh: THANH HIỆP)
.Ngoài phim ảnh, ông có nghĩ mình còn nợ sân khấu cải lương?
- Bây giờ, hễ rảnh là tôi ca nghêu ngao mấy câu vọng cổ trong các vai diễn: "Lưu Bình - Dương Lễ", "Tô Ánh Nguyệt", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn"... Nhớ mãi Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000 với vai ông Tư Kèn trong "Quãng đời còn lại" và Liên hoan Sân khấu khu vực Nam Bộ với vai ông Tư Chờ trong "Niềm đau gia phả". Tôi nợ sàn diễn cải lương khi tâm nguyện tiếp tục gầy dựng Đoàn hát Nhân dân Kiên Giang theo mô hình xã hội hóa chưa thành hiện thực. Đại dịch khiến mọi hoạt động nghệ thuật đóng cửa. Mong sớm xua được Covid-19, đời sống sàn diễn ổn định, mới dám tính đến chuyện "trả nợ".
.Theo ông, khi sàn diễn sáng đèn, để định nghĩa sự thành công của một vở diễn cải lương sau đại dịch cần điều gì?
- Nghệ thuật trình diễn trên sân khấu cải lương mang nét đặc trưng riêng, hiệu quả đạt được chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều bộ môn mang bản sắc khác nhau. Kịch bản văn học chính là nền tảng để các khâu như: âm nhạc, mỹ thuật, thiết kế đạo cụ, phục trang, âm thanh, ánh sáng, tiếng động hậu trường, giọng ngâm hậu trường hòa quyện vào diễn xuất của người nghệ sĩ. Qua rồi cái thời "show diễn ăn may". Phải đầu tư, cập nhật diễn biến thời sự thì cải lương mới sống khỏe sau đại dịch.
.Điều gì đã làm nên sức sống mạnh mẽ cho những vở diễn cải lương trong quá khứ? Tại sao ngày nay người ta hoài nghi kịch bản mới khó thu hút?
- Các soạn giả xưa lồng ghép rất tài tình khát vọng vươn tới cuộc sống đổi mới trong từng kịch bản. Nên mẫu số chung ở thân phận người phụ nữ trong kịch bản xưa hay ngút ngàn. Họ chịu nhiều bất hạnh trong đời sống hôn nhân do những hủ tục, lề lối phong kiến áp đặt như vở "Tô Ánh Nguyệt", nhưng tuyệt đối tinh thần kịch bản không quá bi lụy, thống thiết, mà qua hoàn cảnh của từng thân phận nhân vật, khán giả cảm nhận được sự chia sẻ. Chính vì thế mà các nhân vật như: cô Lựu ("Đời cô Lựu"), cô Nguyệt ("Tô Ánh Nguyệt"), cô Lan ("Lan và Điệp") vẫn có sức sống mãnh liệt cho đến hôm nay.
Tôi không hoài nghi lực lượng sáng tác mới, họ cũng có nhiều kịch bản chạm đến trái tim công chúng. Nhưng để tạo dấu ấn đậm nét, người viết kịch bản cần phải đi nhiều, thâm nhập đời sống ở nhiều góc nhìn khác nhau. Quan trọng hơn là cách vận dụng bài bản, đặt đúng bài, đúng ngữ cảnh.
.Để đào tạo nguồn nhân lực về đội ngũ soạn giả trẻ cho sân khấu cải lương hiện nay, theo ông, phải chú trọng điều gì?
- Sân khấu cải lương hiện nay đạo diễn, diễn viên, nhạc công có thừa nhưng tác giả thì ngày càng ít. Một kịch bản viết cả năm chỉ được diễn vài suất, có vở chỉ diễn xong phúc khảo thì cất kho, tác giả cải lương không nuôi sống được bản thân nên họ chuyển sang viết kịch bản phim, tấu hài, tiểu phẩm game show truyền hình… và cứ thế cải lương mất dần trong đời sống giải trí hiện nay. Các nhà quản lý về ngành sân khấu cần phải sớm có chủ trương, chính sách, kế hoạch đào tạo lực lượng soạn giả trẻ cho bộ môn cải lương.
.Ông có nhận xét gì về Giải thưởng Trần Hữu Trang (1991-2014) và đến năm 2020 vừa qua đã mở rộng tính chất của cuộc thi nâng lên tầm quốc gia?
- Đây là một tín hiệu vui cho sân khấu cải lương. Khác với giải thưởng HCV trước đây chỉ trao cho đào kép chánh, cuộc thi này mở rộng nhiều loại vai diễn để nghệ sĩ thi tài như: đào mùi, đào lẵng, đào võ; kép mùi, kép lão, kép độc, kép lẵng… Qua cuộc thi, đã có được một lực lượng diễn viên đoạt HCV, HCB xứng tầm quốc gia. Tôi chỉ tiếc là sau khi tổ chức thành công thì phải đối mặt với dịch Covid-19, nên chưa tạo được hiệu ứng tích cực.
.Hoài bão của ông hiện nay là gì? Ông có là người thích mơ ước?
- Mơ ước không bị tính thuế nên ở tuổi này, tôi vẫn mơ. Hoài bão lớn nhất của tôi là khi đại dịch qua đi sẽ góp sức thúc đẩy sàn diễn cải lương sáng đèn. Dù gì mình cũng ăn cơm Tổ, nhờ cải lương mới có ngày nay.
Bình luận (0)