NSND Thanh Tuấn, NSND Bạch Tuyết trong chương trình "Làn điệu phương Nam" do đạo diễn Thanh Hiệp dàn dựng tại Nhà hát Thành phố năm 2006
Theo NSND Thanh Tuấn, trước hết, tác phẩm đỉnh cao phải thu hút đông khán giả và được giới chuyên môn đánh giá cao chứ không phải vở diễn được đầu tư hoành tráng đưa ra rạp hát lớn mới được xem là đỉnh cao. Để trả lời đúng và đầy đủ vấn đề này không đơn giản, bởi đó là khát khao của nghệ sĩ sau cột mốc sân khấu cải lương tròn 100 tuổi. Đó phải là sự cộng hưởng của nhiều giá trị nghệ thuật như: Tác giả kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ, dàn nhạc, biên đạo múa, họa sĩ thiết kế, nhà chế tác phục trang, đội ngũ quảng bá, kỹ thuật sân khấu, và trên hết phải có một chiến lược từ các nhà quản lý.
NSND Lệ Thủy, NSND Thanh Tuấn trong chương trình "Làn điệu phương Nam"
"Chúng ta nói nhiều đến chiến lược nhưng chưa có một cái gì cụ thể. Theo tôi, ngay thành tựu được thế giới ghi nhận về việc phòng chống, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh covid-19 thì sân khấu cải lương rất cần có tác phẩm lớn để vinh danh. Năm 2021 nếu làm được sẽ là một bước tiến vượt bậc, vì sàn diễn cải lương không chỉ cứ ca ngợi hào quang cũ mà phải mang tính dự báo, biểu dương những công trình của cả nước" – NSND Thanh Tuấn tâm sự.
Theo ông, mọi hoạt động sáng tạo sân khấu cải lương, lâu nay người làm nghề xem nghệ thuật dàn dựng của người đạo diễn giống như cuộc dấn thân đầy tính phiêu lưu. Vì thế, ngày càng ít đạo diễn trẻ dám lao mình vào lãnh vực này, vì nó đòi hỏi có kiến thức, cảm xúc, đam mê và hiểu được cốt lõi của bộ môn nghệ thuật này.
NSND Thanh Tuấn, ca sĩ Long Nhật, nghệ sĩ Tuấn Phương, NSND Thanh Vy trong trong chương trình "Làn điệu phương Nam"
"Tôi mừng vì sau thế hệ của đạo diễn tài hoa bậc thầy như: Ngô Y Linh, Huỳnh Nga, Diệp Lang, Đoàn Bá, Ca Lê Hồng…đã có Trần Ngọc Giàu, Hoa Hạ, Kim Phương, Chí Linh…và nhiều em đạo diễn ở các tỉnh, thành phía Nam, Họ đã nỗ lực không ngừng trong công việc của người dẫn đường, hướng tập thể sáng tạo đi theo chủ đề tư tưởng mà họ cảm nhận từ kịch bản. Họ rất cần được đào tạo thêm để có những tên tuổi mới, biết tăng cường độ lao động nghệ thuật, tìm tòi sáng tạo trong cái chuẩn mực của tác phẩm" – NSND Thanh Tuấn nhìn nhận. Theo ông, nếu không sớm đào tạo đội ngũ đạo diễn sân khấu cải lương thì khó mà nói đến diện mạo sân khấu sẽ có tác phẩm đỉnh cao.
NSND Thanh Tuấn trong lễ vinh danh các nghệ sĩ được nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý do UBND TP HCM tổ chức năm 2019
NSND Thanh Tuấn cho rằng hiện sàn diễn có hai hướng tồn tại: Tác phẩm mang tính thương mại và tác phẩm mang tính nghệ thuật. Để bán được vé, sàn diễn cải lương đã chọn giải pháp dàn dựng các vở mang tính giải trí, hoặc tái dựng kịch bản cũ. Còn muốn có tác phẩm đỉnh cao, mà năm 2021 là năm kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Sân khấu TP HCM, sàn diễn cải lương cần đầu tư ngay bây giờ một tác phẩm được dàn dựng hoành tráng, công phu.
Bình luận (0)