. Phóng viên: Ông đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc nói chung, sân khấu cải lương nói riêng, với dấu ấn sáng tạo trong cách thể hiện bài ca cổ. Để gọi là danh ca đúng nghĩa của bộ môn nghệ thuật này, theo ông, đòi hỏi tiêu chí nào?
- NSND THANH TUẤN: Hơn 45 năm theo nghề, 2 tiếng "danh ca" là áp lực lớn đối với tôi. Nó vừa là sự khẳng định của bản thân hướng tới cốt lõi của nghề nghiệp vừa là đòi hỏi phải luôn sáng tạo không ngừng. Nên từ một anh thợ đan mây tre lá, từ Đức Phổ, Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp, làm công để có bữa cơm qua ngày, tôi mon men dệt mộng làm nghệ sĩ. Có chất giọng thì phải biết biến nó thành nét riêng. Một danh ca có 3 tiêu chí: có sức lan tỏa, sáng lập trường phái và có số đông công chúng yêu mến. May mắn cho tôi là làm được cả 3 điều này.
. Nghe đâu ông từng bị coi là một anh kép ca hay nhưng không biết diễn khi mới vào nghề, ông đã phải đối mặt với điều đó như thế nào?
- Người trong nghề cứ mặc định hễ đào, kép xuất thân từ lò đào tạo của Đoàn Cải lương Kim Chung đều biết ca chứ không biết diễn. Phải thừa nhận tiêu chí chọn diễn viên của bầu Long là phải có giọng ca hay, từ đó đội ngũ tác giả thường trực của đoàn sáng tác kịch bản mới chăm chút từng câu vọng cổ cho từng người, vì vậy mới có những nghệ sĩ gạo cội như: Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Chí Tâm, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ... Quan trọng là giọng ca, còn diễn xuất từng bước học thêm là được.
NSND Thanh Tuấn và NSND Lệ Thủy trong vở “Tây Thi”. Ảnh: THANH HIỆP
. Làm sao để sân khấu cải lương có được một thế hệ vàng nghệ sĩ như thế hệ của ông?
- Khó lắm, nói đi cũng phải nói lại. Thế hệ diễn viên trẻ hôm nay không có cơ hội tắm mình trong dòng chảy những kịch bản sáng tác đậm chất thơ, văn học như thế hệ chúng tôi. Đời sống sàn diễn bị tác động bởi nhiều chiều: thị phần eo hẹp; nhiều bộ môn giải trí cạnh tranh; cơ sở vật chất xuống cấp; đội ngũ sáng tác mất dần; khán giả không tìm thấy mình trong vở diễn cải lương; dàn nhạc cổ bị loại trừ dần do nghệ sĩ thích hát nhạc thu sẵn, chưa kể đến nạn hát nhép… Nhưng trên hết vẫn là thiếu những chất giọng hay, lạ, có sự đầu tư, tìm tòi sáng tạo. Thế hệ chúng tôi may mắn, có được năng khiếu trời cho nhưng biết cách tìm lối đi riêng, trau chuốt, lả lướt trong cách thể hiện để bài vọng cổ, bài bản cải lương được thăng hoa một cách độc đáo, khiến khán thính giả say mê.
. Để có nguồn nhân lực đủ chuẩn cho sàn diễn cải lương, theo ông nên quan tâm đến vấn đề trọng tâm nào?
- Tìm kiếm chất giọng và nuôi dưỡng. Loại hình nghệ thuật nào cũng có đặc thù riêng trong cách khai thác, đầu tư. Như xiếc, tại sao người ta nuôi dưỡng mầm non, uốn nắn từ lúc nhỏ, để được định hướng. Nghệ thuật cải lương cũng rất cần quy trình: phát hiện, đầu tư, xây dựng tên tuổi gắn với một thương hiệu đoàn hát, đặt vào tác phẩm đỉnh cao, tạo sức lan tỏa.
Đào tạo nên một thế hệ vàng phải có chiến lược đồng bộ, có chế độ, chính sách ưu đãi rõ ràng.
NSND Thanh Tuấn và NSND Bạch Tuyết trong vở “Trăng thề vườn Thúy”. Ảnh: THANH HIỆP
. Một trong những trăn trở hiện nay của các nhà quản lý văn hóa là tìm cách giữ gìn sức hấp dẫn của sân khấu truyền thống đối với khán giả trẻ. Để sàn diễn cải lương sáng đèn, ông cho rằng cần chú trọng yếu tố nào nhất?
- Giảm bớt những suất diễn miễn phí, thay vào đó dùng ngân sách cho việc đặt hàng các tác phẩm đỉnh cao. Phải tạo cơ hội để các đơn vị xã hội hóa phát huy nội lực mạnh của mình thông qua sự đặt hàng của nhà nước về dàn dựng tác phẩm mới. Bây giờ bán vé căng lắm, yếu tố ngôi sao đặt lên hàng đầu, một khi sàn diễn cải lương chưa nhận ra nội lực này thì vẫn đìu hiu. Để ngôi sao sân khấu cải lương tự bơi, tự tìm cách đánh bóng mình thông qua những sản phẩm trên mạng, đi hát đình, hát miễu thì quá phí phạm.
. Thế hệ của ông phần lớn đều ở tuổi hưu. Ông nghĩ sao về việc sân khấu sẽ dần vắng bóng những gương mặt gạo cội?
- Khi được mời diễn vở "Thầy Ba Đợi", quy tụ nghệ sĩ 3 miền tham gia, tôi xúc động lắm. Vì quy luật "tre già măng mọc", không thể khác đi được. Bây giờ hạnh phúc của tuổi về chiều là được đếm từng suất diễn. Tôi may mắn hơn là có sự ảnh hưởng từ thế hệ sáng tác giỏi nên bây giờ đem những tích lũy, trải nghiệm trong đời mà viết. Đời tôi là những thăng trầm nhưng đầy kiêu hãnh. Đó là chất liệu.
. Thành công trong sự nghiệp, lại có gia đình luôn ủng hộ, yêu thương và sát cánh, điều ông mong mỏi trong cuộc sống lúc này là gì?
- Có sức khỏe để tiếp tục cống hiến. Bây giờ, ngoài biểu diễn những chương trình chào mừng sự kiện, giao lưu văn hóa, tôi còn được mời làm giám khảo các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ của sân khấu cải lương và dành thời gian sáng tác. Vợ con tôi luôn ủng hộ và sát cánh trên những nẻo đường mà tôi đã qua. Đó là điều hạnh phúc của người nghệ sĩ. Có gia đình bên cạnh thì có thêm lực để phấn đấu.
Mong cải lương được công nhận di sản thế giới
NSND Thanh Tuấn bày tỏ cải lương là vốn quý của chúng ta mà nếu không giữ thì sẽ mai một, không khoe với thế giới thì sẽ thiệt thòi. Với sự công nhận của UNESCO, đờn ca tài tử Nam Bộ đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. "Tôi mong sân khấu cải lương cũng được đệ trình để sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới trong tương lai gần" - NSND Thanh Tuấn mong mỏi.
Bình luận (0)