NSƯT Lê Thiện (bìa trái) chụp ảnh với Bác Hồ và đoàn đại biểu văn nghệ sĩ Hà Nội
NSƯT Lê Thiện tâm sự: "Bác Hồ là một lãnh tụ vô cùng gần gũi, thân thương với văn nghệ sĩ. Mỗi năm đến ngày Quốc khánh của đất nước, tôi lại nhớ lần được diện kiến Bác. Cảm xúc của ngày đó như mới hôm qua thôi, vừa thành kính, biết ơn, vừa chân thành, mộc mạc trong cảm nhận của tôi".
Trong câu chuyện về Bác Hồ, NSƯT Lê Thiện không quên kể lại kỷ niệm in sâu trong trái tim của bà hơn 60 năm qua. Khi ấy, bà mới 12 tuổi - năm 1956, là người nhỏ nhất trong Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị tập kết ra Bắc tham gia kháng chiến. Hai ngày trước khi lên đường, bà được dẫn đi may một bộ quân phục mới tinh và được mua một đôi giày thật đẹp.
"Vào một buổi sáng tại thủ đô, khi kim đồng hồ chỉ 6 giờ 30 phút, tôi được vinh dự đặt chân vào Phủ Chủ tịch để diện kiến Bác Hồ. Lúc đó vì còn khá sớm nên tôi cố tình tách đoàn, chạy chân sáo trong phủ và dừng bước trước một sảnh lớn, ngắm mình trước một tấm gương lớn trong sảnh. Đang say sưa ngắm, bất chợt tôi giật mình vì câu hỏi của ai đó từ phía sau: "Cô bé này làm gì đây?". Tôi khoanh tay thưa với người hỏi mình : "Dạ, cháu đến để gặp Bác Hồ ạ" và bất ngờ nhận ra ngay người vừa hỏi mình chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi từng được thấy chân dung Bác qua những bức ảnh trên báo. Bác Hồ nghe tôi thưa liền cười hỏi: "Vậy hẹn 7 giờ gặp mà sao cháu đến sớm thế?". Tôi lại hồn nhiên: "Dạ, cháu đi sớm để "trừ hao" ạ". Bác Hồ cười khi nghe giọng miền Nam đặc sệt của tôi với hai chữ "trừ hao".
Hai ngày sau đó, một chiếc xe đặc chủng đến tận nơi ở của tôi tại trụ sở trên đường Lý Nam Đế đón tôi đến Phủ Chủ tịch lần nữa. Thú thật lần thứ hai này, tôi hồi hộp lắm và tự nhủ không nên nói câu nào. Vậy mà khi đến phủ, mọi âu lo đều tan biến hết vì tôi được Bác Hồ cho kẹo chanh, kẹo dứa. Rồi Bác hỏi thăm tôi về gia đình, về sở thích cá nhân và dặn dò tôi hãy chăm chỉ học hành. Lần đó, tôi được dùng cơm với Bác Hồ, với bác Phạm Văn Đồng và một vài vị khác nữa trong phủ. Bữa cơm đơn sơ với canh và cá kho mà ngon đến lạ lùng" - miên man kể về kỷ niệm khó quên trong đời, NSƯT Lê Thiện cho chúng tôi xem lại bức ảnh chụp chung với Bác.
NSƯT Lê Thiện hết lòng truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ diễn viên trẻ (ảnh Thanh Hiệp)
Với NSND Thanh Vy, lần gặp Bác Hồ chính là buổi biểu diễn văn nghệ trong Phủ Chủ tịch. "Khi trở về nơi ở của đoàn, chúng tôi nhấm nháp từng viên kẹo mà Bác Hồ đã tặng. Một kỷ niệm khó quên đối với nghệ sĩ miền Nam. Bác đã dặn dò các cô chú nghệ sĩ trong đoàn văn công phải chăm lo đến sức khỏe, đời sống của tập thể. Mỗi nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, hăng hái sáng tạo, đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân, kêu gọi đoàn kết, bảo vệ và giữ gìn đất nước. Nhớ lời Bác dặn, tôi đã nỗ lực học thêm để giỏi nghề và học thêm những điều chưa biết. Từ sau ngày đất nước hòa bình, tôi vẫn nhớ như in những lời Bác dạy, để qua từng vai diễn, qua từng đợt biểu diễn phục vụ khán giả cả nước, trong tim tôi vẫn giữ nguyên hình ảnh ngày được gặp Bác" – NSND Thanh Vy xúc động.
Đối với công chúng, NSND Thanh Vy là một nghệ sĩ đa tài. Hơn 50 năm lao động nghệ thuật, bà đã ghi nhiều dấu ấn với những vai diễn để đời trong lĩnh vực sân khấu cải lương. Nhắc đến bà, khán giả nhớ các vở: "Nàng Xê Đa", "Hòn đảo thần vệ nữ", "Võ Thị Sáu", "Rạng ngọc Côn Sơn"…
NSƯT Lê Thiện được nhiều khán giả yêu mến
Còn với NSƯT Lê Thiện, từ việc học tập và làm theo gương Bác, bà đã hòa mình vào công tác quản lý. Ngoài vai trò diễn viên đa năng với nhiều loại vai, bà đã hoàn thành thật tốt vai trò phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang.
"Đó cũng là thời gian tôi dày công gắn bó, nâng đỡ và đồng hành với sự trưởng thành của nhiều thế hệ kế thừa. Để sau này, từ chiếc nôi ươm mầm nghệ thuật, nhà hát đã có những tên tuổi được công chúng yêu mến, họ là những diễn viên trưởng thành sau 1975 như: NSƯT Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Hữu Quốc, Mỹ Hằng, Tấn Giao…" – bà kể trong niềm hãnh diện về thế hệ kế thừa.
NSND Thanh Vy trong vở "Nàng Xê Đa" (ảnh Thanh Hiệp)
Ngoài sân khấu cải lương, NSƯT Lê Thiện còn tham gia hàng loạt bộ phim, để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả truyền hình. Gần đây nhất là phim "Thưa mẹ con đi", bà hóa thân xuất sắc trong vai bà nội.
Tương tự, NSND Thanh Vy gắn bó với sân khấu kịch, bà thể hiện nhiều vở diễn mà nhắc đến thì khán giả đều yêu quý như: "Trầu cau", "Ngàn năm tình sử", "Sơn ca không hót"… Bà đã là điểm tựa vững vàng cho thế hệ diễn viên trẻ noi theo trên con đường nghệ thuật.
NSND Thanh Vy và NSƯT Thành Lộc trong vở "Ngàn năm tình sử"
"Tôi đã nhiều lần được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ kính yêu, từng được Bác khen ngợi khi diễn vai Võ Thị Sáu, Trần Quốc Toản và vai cô du kích anh dũng trong vở "Sài Gòn dậy lửa". Năm 1963, tôi về Đoàn Cải lương Nam Bộ và trở thành hạt nhân nòng cốt của cải lương đất Bắc" – NSND Thanh Vy kể.
Bà đã có 5 chuyến lưu diễn qua các nước: Pháp, Bulgaria, Hungary, CH Czech... Mỗi nơi bà đi qua, ấn tượng về một Thanh Vy luôn tỏa sáng trong lòng khán giả kiều bào. Sáu năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua tại Nhà hát Trần Hữu Trang, bà là tấm gương đối với thế hệ diễn viên trẻ khi vừa là một đàn chị, một người thầy đứng trên bục giảng.
"Tôi đã trải qua khá nhiều cảm xúc khác nhau. Có những lúc, ngồi cùng Bác mà tôi không khỏi xúc động khi Bác kể chuyện. Bác là một vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân nhưng cũng rất giản dị và yêu thương văn nghệ sĩ. Nhân đây, tôi cũng mong muốn các thế hệ luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức và lối sống của Bác Hồ. Chúng ta đổi mới nhưng những gì thuộc về truyền thống, thế hệ cha anh thì cần phải tiếp thu và học tập" – NSND Thanh Vy tự hào.
Bình luận (0)