xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Tống Toàn Thắng lan tỏa yêu thương

THANH HIỆP thực hiện

Trên thế giới, một số nước đã dùng nhạc rock kết hợp với nhiều loại hình tạo ra sản phẩm giải trí nhưng với Việt Nam thì lần đầu tiên có một chương trình kết hợp "Xiếc và rock Việt"

Tối 13-10, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ công diễn chương trình nghệ thuật "Xiếc và rock: Thiên thần lên núi" - mở thêm một hướng đi mới cho nghệ thuật xiếc dưới bàn tay dàn dựng và ý tưởng của NSND Tống Toàn Thắng.

Phóng viên: Với vai trò tổng đạo diễn, anh mong muốn điều gì khi thực hiện chương trình kết hợp "xiếc và rock Việt"?

- NSND TỐNG TOÀN THẮNG: Mục đích của tôi là muốn tiếp cận với các bạn trẻ vì lâu nay cứ nghĩ xiếc là của trẻ em, hoặc của phụ huynh khi đưa các cháu đi xem. Thật ra, xiếc là bộ môn mang tính giải trí cao mà xu thế hội nhập hiện nay các loại hình nghệ thuật đều muốn đạt tới. Điều này tôi ấp ủ đã lâu và mong muốn đưa các bạn trẻ đến một sân chơi mới, trong đó có nhạc rock Việt.

NSND Tống Toàn Thắng lan tỏa yêu thương - Ảnh 1.

NSND Tống Toàn Thắng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhạc sĩ Trần Thắng với ban nhạc Ngũ Cung đã dùng ngôn ngữ truyền thống văn hóa dân tộc để kết hợp với nhạc rock, điều này đã cho tôi ý tưởng đưa những giai điệu nhạc rock Việt "chung tay" với ngôn ngữ xiếc. Tôi tin rock Việt sẽ thăng hoa, tìm được sự đồng điệu với xiếc đưa người xem chìm đắm vào cảm xúc.

Chúng tôi xây dựng kịch bản trên nền nhạc rock với ca khúc "Hành khúc ngày và đêm" và "Lá đỏ" gợi lại khí thế hào hùng thông qua nhân vật chiến sĩ bộ đội, giới trẻ sẽ cuốn theo ngôn ngữ xiếc với những màn biểu diễn hồi họp và cũng rất tinh tế.

Anh là một diễn viên sớm ý thức theo học đại học đạo diễn rồi bảo vệ luận văn thạc sĩ bằng một đề tài nghiên cứu ứng dụng xiếc với nhiều thủ pháp mới được đánh giá cao. Phải chăng đó là con đường anh hoạch định từ ngày dấn thân vào nghề xiếc?

- Tôi là người có cơ hội làm nghề xiếc và được đi lưu diễn ở nhiều quốc gia. Những trải nghiệm đó đã khiến tôi đau đáu về những gì mà mình tích lũy được. Khi học cao học, luận văn của tôi có đề tài "Phương pháp sử dụng chất liệu trò chơi dân gian trong sáng tạo tác phẩm xiếc". Tôi rất may mắn khi những tiết mục dàn dựng cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam dự thi trên đấu trường xiếc quốc tế đều nhận được giải thưởng. Chính niềm tự hào dân tộc đã cho tôi nghị lực để nghiên cứu việc ứng dụng âm nhạc dân tộc vào các tiết mục xiếc, để khi biểu diễn trước bạn bè năm châu, họ sẽ nhận ra đó là xiếc của Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, anh đã gắn bó với nghề xiếc trăn 33 năm, danh hiệu "Hoàng tử trăn" đến nay vẫn chưa có người vượt qua. Điều gì đã thôi thúc anh trở lại sân khấu sau nhiều năm làm công tác quản lý, để trong chương trình "Xiếc và rock" công diễn tối 13-10 sẽ có tiết mục xiếc trăn của anh?

- Ban nhạc của anh Trần Thắng mong muốn được một lần đứng chung sân khấu với tôi, cả hai đều tên Thắng, một ông "Vua nhạc rock Việt" với một "Hoàng tử trăn", đó là mối duyên để tôi trở lại sân khấu lần này.

Hơn nữa, tôi muốn thông qua thương hiệu của mình kêu gọi các bạn trẻ hãy đến với rock Việt. Bản thân tôi cũng muốn được cháy hết mình với rock Việt bởi nó không phân biệt tuổi tác. Tôi sẽ xuất hiện với xiếc trăn trong tiết mục "Ngọn lửa cao nguyên" để thắp sáng ngọn lửa đam mê của giới trẻ khi đến với xiếc và rock Việt.

NSND Tống Toàn Thắng lan tỏa yêu thương - Ảnh 3.

NSND Tống Toàn Thắng trên sàn tập với vai trò đạo diễn. (Ảnh: THANH HIỆP)

Tôi kết hợp “xiếc và rock Việt” nhằm giúp các diễn viên trẻ có nền tảng sáng tạo, đưa những trò chơi dân gian Việt vào xiếc, giúp nâng chất lượng giải trí ngày một cao hơn.

Tính đến thời điểm hiện nay, tôi đã biểu diễn với 20 bạn trăn, có bạn sống cùng tôi hơn 20 năm, có bạn già cỗi không còn có thể biểu diễn, tôi dự đoán bạn trăn ấy sẽ qua đời trong đêm, nhưng rồi sáng hôm sau tôi vào chuồng thăm, bạn trăn ấy cố gắng ngẩng cao đầu lên, dùng lưỡi liếm vào mặt tôi như nói lời chia tay rồi sau đó mới dần dần lịm đi. Tôi đã khóc vì quá xúc động.

Có nhiều bạn trăn đã theo tôi đi khắp nơi trên thế giới, cũng có bạn "trở chứng" cắn tôi, siết cổ tôi đến không thở được, tưởng đã mất mạng nhưng rồi các bạn trăn ấy vẫn luôn đồng hành với tôi, trở thành phần đời trong tôi và để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

Anh có trao nghề cho hậu duệ để vẫn giữ hình tượng "Thạch Sanh" và "Hoàng tử trăn"?

- Tôi rất vui khi có nhiều bạn đến với nghề xiếc từ hai bàn tay trắng, được tôi dìu dắt, truyền nghề và hiện đã là những gương mặt nghệ sĩ giỏi của ngành xiếc. Diễn xiếc trăn là cho khán giả xem vẻ đẹp độc đáo của con người và thiên nhiên, khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, từ đó khái quát hình tượng nghệ thuật.

Năm 2019, tôi xây dựng tiết mục xiếc trăn trong bể kính nước, để nữ diễn viên vật lộn, chiến đấu với trăn trong nước. Tiết mục này thành công và diễn viên Bùi Thị Hương đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

33 năm chỉ diễn một tiết mục, anh có cảm thấy danh hiệu "Hoàng tử trăn" còn nuối tiếc điều gì chưa thực hiện được?

- Chưa có buổi diễn nào tôi hài lòng cả, tôi vẫn cứ nghĩ mình sẽ làm tốt hơn ở suất diễn sau. Đúng là 33 năm qua tôi làm nên thương hiệu của mình nhưng cũng đau đáu sự kế thừa từ thế hệ diễn viên trẻ. Ngày nay, hiếm có bạn đam mê và dấn thân với nghề xiếc thú. Ngày mới ra trường, tôi diễn nhiều tiết mục khác chứ không nghĩ là sẽ gắn với xiếc trăn, nhưng thực sự có cái duyên trao cho tôi sứ mệnh, để tôi gắn với xiếc trăn và tạo dấu ấn. Bất cứ sự thành công nào cũng đều có sự trả giá của nó, song cho dù thế nào đi nữa tôi vẫn là chàng "Thạch Sanh" lan tỏa những yêu thương.

Anh vừa lưu diễn tại Ý về, mỗi lần tham gia các Festival xiếc quốc tế, điều đọng lại trong anh là gì?

- Hiện nay, vị thế của chúng ta về nghệ thuật xiếc đã khác, nhiều tiết mục ngày càng chất lượng hơn, nhất là các tiết mục đều thể hiện rõ bản sắc văn hóa của Việt Nam. Những thành quả này là động lực để tôi tiếp tục tìm tòi sáng tạo sao cho xiếc Việt Nam có sự bền vững.

Ở Ý, tôi có xem được chương trình xiếc kết hợp với dàn nhạc giao hưởng. Từ đây, tôi lại có ý tưởng phác thảo những tiết mục xiếc mới theo hướng thuần Việt, ngôn ngữ xiếc sẽ song hành cùng nội dung về văn hóa dân tộc.

NSND Tống Toàn Thắng sinh năm 1967, tại Hà Nội, ông hiện là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Năm 1978, ông Tống Toàn Thắng trúng tuyển Trường Xiếc Việt Nam. Năm 1983, ông ra trường về công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ông là nghệ sĩ xiếc Việt Nam đầu tiên diễn xiếc với trăn, qua hình tượng "Thạch Sanh đánh chằn tinh" gắn liền với tuổi thơ thế hệ 8X, 9X.

Năm 1992, ông giành giải thưởng "Khán giả yêu thích nhất" và "Tiết mục đặc biệt nhất" tại Liên hoan Xiếc quốc tế ở Vũ Hán (Trung Quốc). Tên tuổi của ông từ đây được thế giới biết đến nhiều hơn.

Năm 2019, ông là một trong hai nghệ sĩ xiếc đầu tiên tại Việt Nam được Thủ tướng trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Ông đã đi lưu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Thái Lan, Trung Quốc, Thụy Điển, 16 quốc đảo của Thái Bình Dương, 97 thành phố; 41 tiểu bang ở Mỹ với gần 1.000 buổi diễn.

Năm 2018, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng tiên phong trong việc khắc họa chân dung người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam bằng hình thức xiếc. Các vở diễn như "Sống mãi Điện Biên"; "Ký ức Trường Sơn"; "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc", "Vòng tròn bất tử", "Huyền thoại mẹ", "Vết chân tròn trên cát"... khi ra mắt đã gây tiếng vang lớn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo