Nhạc sĩ Quốc Trung, con trai của NSND Trung Kiên, khi gửi lời tiễn biệt người cha yêu quý trên trang cá nhân khiến nhiều người nghẹn ngào.
Một cuộc đời đẹp
Chia sẻ trên trang cá nhân, nhạc sĩ Quốc Trung viết: "Cảm ơn bố đã mang con đến cuộc đời này. Cảm ơn bố đã dành cho con và 2 cháu Thiện Thanh và Đăng Quang một tình yêu vô bờ bến. Nguyện vọng vun đắp hạnh phúc cho Xiu (tên gọi thân mật của Thiện Thanh, cháu nội NSND Trung Kiên - PV) của bố đã được thực hiện, để bố yên tâm lên một hành trình mới. Bố đã có cuộc đời đẹp mà con tự hào được là một phần trong đó. Sau này, ở một nơi nào đó, con ước được gặp lại bố để gọi bố yêu quý của con một lần nữa. Chào bố!".
NSND Trung Kiên (phải) và nhạc sĩ Quốc Trung. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Diva Hà Trần cũng rất buồn và tiếc nuối khi không kịp tới chia tay NSND Trung Kiên. Chị cho hay ông là người bạn rất thân của mẹ chị trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp thanh nhạc. Từ bé, Hà Trần đã nhìn thấy sự tin cậy, tâm đầu ý hợp của NSND Trung Kiên và mẹ mình là NSƯT Vũ Thúy Huyền. Thậm chí, khi NSND Trung Kiên chuyển lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn, người được ông tin tưởng chuyển giao lại công việc Trưởng Khoa Thanh nhạc của nhạc viện cũng là mẹ chị.
"Khi mẹ cháu nằm viện vì bệnh ung thư, chú cũng quan tâm và hỗ trợ chăm lo rất nhiều cho mẹ cháu. Điều ấy đã làm cháu và gia đình luôn cảm động ghi tâm. Chú đã để lại cho cuộc sống, nhiều hơn cả sự nghiệp của một nghệ sĩ (NS) là sự ảnh hưởng. Cháu trân trọng điều ấy và chúc chú đi về nơi ấy bình an. Xin chia buồn với cô Trần Thu Hà, anh Quốc Trung và gia đình" - ca sĩ Hà Trần viết lời từ biệt.
Không chỉ là thầy mà còn là người cha thứ hai
NSND Trung Kiên nổi danh cùng lớp NSND đầu tiên như Quý Dương, Trần Hiếu, Thanh Huyền, Kiều Hưng. Ông cũng là người thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: NSND Lê Dung, NSND Thu Hiền, NSƯT Phương Nga, NSƯT Đăng Dương... Năm 1992, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, phụ trách văn hóa nghệ thuật trong thời gian 10 năm liên tục cho đến khi ông về hưu năm 2001. Ông được phong tặng danh hiệu NSND năm 2001.
NSND Thu Hiền coi NSND Trung Kiên vừa là anh vừa là đồng nghiệp đáng kính trong nghề của bà. Nữ ca sĩ này cho hay khi ở chiến trường về, bà không biết nốt nhạc nào mà chỉ hát theo bản năng. NSND Trung Kiên đã dành nhiều thời gian để dạy bà từ kỹ thuật lấy hơi, nhả chữ, truyền cho NSND Thu Hiền ngọn lửa đam mê nghề nghiệp. NSND Thanh Hoa cũng ghi nhớ những tình cảm người thầy đã dành cho bà.
NSND Trung Kiên là tấm gương để bà và nhiều NS noi theo, cả về đạo đức nghề nghiệp, sự tận tâm với nghề cũng như cách sống, cách để trở thành một NS đích thực. Ca sĩ Đăng Dương tâm sự: "NSND Trung Kiên đóng một vai trò lớn trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của tôi. Ông không chỉ là một người thầy mà còn là người cha thứ hai đã giúp tôi có được những gì ngày hôm nay". Với ca sĩ Hồng Nhung, NSND Trung Kiên là một người NS, người cha đã luôn khiến "thế hệ chúng con vô cùng yêu quý, trân trọng và tự hào".
Ngay cả khi về hưu, tuổi ngoài 70, NSND Trung Kiên vẫn miệt mài làm việc. Ông vẫn tham gia giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dành thời gian viết sách, ngoài ra còn làm cố vấn cho trung tâm âm nhạc. Từ khi còn đương chức, NSND Trung Kiên đã xác định, khi nghỉ hưu ông sẽ trở về công việc của một nhà giáo. Với ông, được tiếp tục cống hiến ngay cả khi đã về hưu là điều hạnh phúc. Hơn thế, làm việc là cách tốt nhất để giữ đầu óc minh mẫn và cơ thể khỏe mạnh. NSND Trung Kiên cũng là một tấm gương sáng cho các thế hệ NS và học trò khi không bao giờ hát nhép.
Thể hiện những ca khúc để đời
NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. NSND Trung Kiên từng kể những năm 1954-1956, ông tham gia phong trào ca hát quần chúng và khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thành lập, ông đăng ký dự thi và trúng tuyển. Học đến năm thứ ba thì ông được cử đi học tại Liên Xô, sau này, ông còn nhiều lần quay lại đất nước này để học tiếp các bậc cao hơn.
Sau khi về nước, ông gia nhập đoàn văn công, đi khắp các chiến trường biểu diễn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong. Sở hữu giọng nam cao hiếm có, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ông để lại những dấu ấn không thể phai mờ và khó thay thế với những ca khúc: "Tình ca" (Hoàng Việt), "Đường chúng ta đi" (Huy Du), "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người" (Trần Kiết Tường), "Người là niềm tin tất thắng" (Chu Minh), "Chào sông Mã" (Xuân Giao), "Bài ca Trường Sơn" (Trần Chung), "Người chiến sĩ ấy" (Hoàng Vân)... Ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà được NSND Trung Kiên hát ngay trong đêm 30-4 lịch sử chỉ đúng một lần thu. NSND Trung Kiên từng thừa nhận cảm xúc khi ấy rất mãnh liệt. Sau này, dù có hát đi hát lại nhiều lần ca khúc ấy, ông cũng không bao giờ tìm lại được cảm xúc của thời khắc đặc biệt.
Bình luận (0)