Với ông, ngoài việc Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng giữ chữ tín với bạn đọc, công chúng đã dành trọn tình cảm cho một giải thưởng có thâm niên, còn là thực hiện trọng trách người nghệ sĩ đi trước thẩm định những bước tiến của thế hệ kế thừa.
Nâng bước học trò
Không muốn mình cứ loay hoay vướng vào cái vòng tròn luẩn quẩn để vớt vát hào quang cũ, ông là người luôn lao mình về phía trước, luôn có những ý tưởng mới, luôn nhiệt tâm để mang đến những bài học quý cho thế hệ diễn viên trẻ.
Nhìn bức ảnh ông mặc bộ đồ tù nhân khi đóng phim và dòng bình luận ngắn gọn trên trang cá nhân, vừa tự châm chọc bản thân, vừa gửi gắm nhiều thông điệp: "Ở tù vì dạy học trò diễn không hay" - khiến các đồng nghiệp phải bật cười. Việt Anh là vậy, ông cho rằng phải luôn tự răn mình, nhất là trong công tác đào tạo nguồn nhân lực kế thừa cho ngành sân khấu. "Sẽ có lỗi với tiền nhân nếu hời hợt, hấp tấp trong môi trường trồng người, việc này phải làm thật kỹ, thật tử tế thì mới có thể đơm những bông hoa nghệ thuật đẹp" - NSND Việt Anh nói.
Trở lại với vai trò thành viên Hội đồng Nghệ thuật, ông nhìn nhận nếu mình chỉ làm cho xong việc, nghĩa là đã gạt bỏ cơ hội của người trẻ bước vào vòng bầu chọn và tự giam cầm sự tử tế cần được lan tỏa.
Luôn ám ảnh không thôi về số phận diễn viên trẻ sau khi học nghề chịu cảnh thất nghiệp; giữa muôn trùng khó khăn sau đại dịch, sàn diễn vẫn tắt đèn, năm hết Tết đến chưa chắc có vở chào xuân, thế là ông đã nghĩ ra loạt phim ngắn "Chuyện tử tế" để lập kênh YouTube của chính mình. Loạt phim ngắn "Chuyện tử tế"đã giúp học trò của ông có điều kiện làm nghề, tạo cơ hội giới thiệu họ với khán giả.
24 câu chuyện tử tế ngắn khoảng 10 đến 15 phút nhưng gói gọn nhiều thâm ý. Những vấn đề cốt lõi của lĩnh vực nghệ thuật đã được NSND Việt Anh khéo léo hóa giải trong loạt phim này: Giải pháp làm nghề nghiêm túc chính là đầu tư cho vai diễn, đổ bê-tông thật chắc để đứng vững. Lan tỏa vào cộng đồng sự bao dung, tha thứ để khán giả khóc cười và chiêm nghiệm chính mình trong phim. Thế giới của hào quang không phải là game show phút chốc thành ngôi sao.
Mừng là qua những ngày ông khởi động, nhiều đồng nghiệp tên tuổi tán đồng. NSND Hồng Vân viết trên trang cá nhân, bày tỏ được "xin vai" để cùng ông làm nền cho diễn viên trẻ.
Chính bản thân NSND Việt Anh bị ám ảnh về hai chữ thất nghiệp, khi thấy học trò lao vào đam mê, theo học nghề diễn viên quá đông, nhưng rồi rơi rụng, phí phạm tiền của gia đình, tuổi thanh xuân trôi đi lại phải tìm công việc khác mà mưu sinh. Nên để thoát khỏi điều tệ hại đó, ông tìm mọi cách tử tế nhất để nâng bước học trò.
NSND Việt Anh. (Ảnh: VŨ HOÀNG NAM)
Đừng quên thuở hàn vi
Những ngày bôn ba cùng học trò làm loạt phim "Chuyện tử tế", NSND Việt Anh nhớ cảnh đi làm phục vụ quán cà phê do đạo diễn Hoa Hạ mở. Lúc đó, ông và nghệ sĩ Quốc Thảo chạy bàn, còn Hồng Vân làm kế toán. "Một lần vị khách phát hiện ra Chu Phác Viên tối qua vừa xem tôi diễn ở sân khấu nhỏ 5B, sáng lại thấy bưng cà phê cho khách, tôi chỉ cười chứ không giải thích. Bởi hai hình ảnh trái ngược giữa tối là một nhà tư bản giàu sụ, sáng là anh bồi bàn, đời nghệ sĩ thú vị ở chỗ đó. Và thuở hàn vi cứ thế như nguồn năng lượng cho tôi sống tử tế mỗi ngày" - ông tâm sự.
Nói về hậu trường của giới showbiz, NSND Việt Anh cho rằng người nghệ sĩ phải thấy được những mặt trái trong bình luận của công chúng, rồi đúc kết cho bản thân hướng đi đúng. Tất cả những sự cố trong đời nghệ sĩ đều dẫn dắt mạch cảm xúc để họ thăng hoa trong nhân vật, trải nghiệm chính từ cuộc đời của mình.
"Nghề diễn viên đơn thuần chỉ là một công việc. Tôi được trao Giải Mai Vàng đầu tiên năm 1995 trong vở "Dạ cổ hoài lang", vinh quang đó nhắc nhở tôi phải sống khiêm tốn. Vì tình cảm mà công chúng, bạn đọc dành cho mình, rồi sẽ có lúc phải trao điều vinh quang đó lại cho lớp diễn viên trẻ. Ai cũng có quá khứ và thuở hàn vi của tôi là một gia tài" - ông trải lòng.
Về loạt phim "Chuyện tử tế", NSND Việt Anh luôn muốn sau mỗi cái kết sẽ mở ra nhiều vấn đề để người xem tự cảm nhận, có thể là một sự hẫng hụt tiếc nuối rồi vỡ òa hạnh phúc. Nhưng trên hết, khán giả phải nhìn thấy "cái đẹp, cái thật, cái thăng hoa" mà ông đã dìu dắt học trò để họ đạt được trong diễn xuất bằng lòng yêu nghề thật sự, trong sáng, đầy ắp thấu hiểu và phải biết sẻ chia.
Bình luận (0)