NSND Việt Anh (người thứ 4 từ trái sang) phát biểu sau khi xem vở "Tấm lòng của biển"
Tối 6-5, vở kịch được chuyển thể từ kịch bản cải lương nổi tiếng của soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, do đạo diễn Lê Ngọc Tưởng dàn dựng đã ra mắt khán giả tại Sân khấu kịch Phú Nhuận trong sự tán thưởng của số đông người xem.
Là học trò của NSND Việt Anh, đạo diễn Lê Ngọc Tưởng đã làm mới một tác phẩm từng gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả thập niên 1960, để "Tấm lòng của biển" đem lại một câu chuyện xúc động về tình mẫu tử với nhiều tình tiết gần gũi hơn với cuộc sống hiện tại, cuốn hút người xem.
Đoàn Duy Nhứt vai Tấn, Hứa Ngọc Đình vai Xuân - hai vai diễn tính cách duyên dáng, đáng yêu trong vở kịch "Tấm lòng của biển"
Ấn tượng mạnh mẽ nhất là màn múa mở đầu và kết thúc của vở do biên đạo múa Hải Âu dàn dựng. Dù đã làm NSND Việt Anh thót tim khi diễn viên gặp sự cố, nhưng trong đêm báo cáo vở, nhìn học trò diễn lại ông vừa hồi hộp, vừa xúc động đến rơi nước mắt.
Ái Thanh với vai bà vú khiến khán giả xúc động nghẹn ngào trong vở "Tấm lòng của biển"
Trước hết là diễn xuất đầy cảm xúc của các diễn viên trẻ như: Ái Thanh (vai bà vú), Đổng Tường (vai ông chủ), Đoàn Duy Nhứt (vai Tấn), Hứa Ngọc Đình (vai Xuân), Đặng Thanh Ngân (vai Thanh), Phúc Anh (vai Hưng), Trần Thanh Tỉnh (vai ông "Kaki vàng 2 túi").
Chỉ có 7 diễn viên nhưng họ đã làm khán giả khóc cười theo từng cung bậc tình cảm, mà điều đặc biệt họ đều trẻ trung, diễn chân thật, mang trong mình hoài bão làm mới một câu chuyện về tình mẫu tử mà hầu như khán giả sân khấu đều biết.
Họ đã vượt qua những trở ngại, những sự cố trong lúc dàn tập, để đốt cháy cảm xúc, nhất là diễn rất thật, rất đời, khai thác chi tiết và chuyển tải nhiều cung bậc tình cảm của thế hệ diễn viên trẻ dành cho một tác phẩm đã từng được yêu mến trên sân khấu cải lương hơn 60 năm trước.
Đặng Thanh Ngân (vai Thanh) và Phúc Anh (vai Hưng) trong vở kịch "Tấm lòng của biển"
Nhất là cái kết được NSND Việt Anh cố vấn nghệ thuật, được kể lại theo góc nhìn của thế hệ trẻ hôm nay về lỗi lầm bất hiếu của Thanh – người con gái vô tình không biết bà vú khiêm "ô sin" trong nhà chính là mẹ ruột của mình. Chính sự hy sinh mù quáng, sự che đậy sự thật của người lớn đã đẩy cánh chim cô độc – biểu tượng của tình thương con vô bờ bến, sẵn sàng ôm trọn nỗi đau chỉ mong con được sung sướng, hạnh phúc đã trở nên vô nghĩa. Khai thác cái sự thật luôn là nền tảng của cái đẹp và hạnh phúc, thầy trò NSND Việt Anh đã làm nhãn mãn người xem, khiến nhiều người rưng rưng nước mắt.
Cảnh kết đầy ấn tượng của vở kịch "Tấm lòng của biển"
Từ một vở diễn báo cáo tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên Nâng cao khóa 3, sau đó sẽ tái diễn phục vụ công chúng yêu sân khấu kịch, một lần nữa NSND Việt Anh và đạo diễn Lê Ngọc Tưởng – bộ đôi đã từng làm thổn thức khán giả qua bảng dựng "Romeo và Juliet", khiến người xem xao xuyến, mang nhiều cảm xúc về đến tận nhà.
Trần Thanh Tỉnh (vai ông "kaki vàng 2 túi") và Đổng Tường (vai ông chủ) tạo nhiều cảm xúc đối với người xem
Với giới chuyên môn, sự đánh giá ngoài lời khen còn là sự nể phục khi mà quá trình đào luyện của Sân khấu kịch Hồng Vân với dàn giảng viên xứng tầm, đã biến những tâm hồn đam mê kịch nghệ, từ một học viên còn ngơ ngác trước ánh đèn sân khấu, đã có thể đủ sức đứng vào đội ngũ diễn viên kế thừa thông qua các tác phẩm văn học, kinh điển được thầy cô chăm chút, nâng bước.
NSND Việt Anh xúc động nói rằng, từ sau suất diễn của vở "Tấm lòng của biển", ông đã có thêm nhiều đồng nghiệp trẻ dấn thân vào nghề và hết sức tử tế với niềm đam mê của chính mình.
Màn múa trong vở kịch "Tấm lòng của biển" do biên đạo múa Hải Âu dàn dựng, tạo dấu ấn đẹp cho tác phẩm
Bình luận (0)