NSƯT Kim Tử Long cho biết khác với không khí yên ắng của sàn diễn cải lương trong tháng 12, mùa hát chầu cúng đình cầu an hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho nghệ sĩ tuồng cổ hoạt động.
NSƯT Kim Tử Long và Thoại Mỹ trên sân khấu cúng đình tại Dĩ An, Bình Dương
"Tôi được mời biểu diễn và dàn dựng các vở cải lương tuồng cổ được khán giả yêu thích như: "Xử án Phi Giao", "Mạnh Lệ Quân", "Má hồng soi kiếm bạc", "Nhụy Kiều tướng quân"… để phục vụ miễn phí bà con các tỉnh ven biển. Sau mùa ra khơi, họ hội ngộ cùng nhau để xem hát tại các đình làng, đây là nét sinh hoạt văn hóa ngàn đời của dân tộc ta mà nghệ sĩ phải chung sức gìn giữ" – NSƯT Kim Tử Long nói.
Kim Tử Long cho biết lễ hội Kỳ Yên (cầu an) ở các địa phương năm nay tổ chức hoành tráng, thu hút hơn 100 nghệ sĩ hát bội và cải lương của TP HCM tham gia.
"Mỗi mùa chầu, nghệ sĩ tuồng cổ nhận show diễn gần như kín lịch. Thu nhập khá hơn năm ngoái, doanh thu từ 70 đến 120 triệu đồng/ vở diễn hoặc một chương trình. Đây cũng là dịp để nghệ sĩ trẻ rèn luyện nghề diễn khi ứng biến với những vở tuồng kinh điển mà hầu như không có kịch bản, chỉ hát theo sự sắp lớp của đạo diễn. Do vậy nghệ sĩ hát chầu phải giỏi nghề, có tinh thần sáng tạo để mang lại hiệu quả chung cho vở" – NSƯT Kim Tử Long nhấn mạnh.
NSƯT Kim Tử Long
Khác với một số hội đình vẫn giữ truyền thống hát bội, NSƯT Kim Tử Long cho rằng năm nay nghệ thuật cải lương tuồng cổ "trúng mùa". Một số hội đình yêu cầu dàn dựng vở tuồng cổ ca ngợi lịch sử dân tộc thay vì biểu diễn hát bội hoặc hát bội "pha" cải lương như các mùa trước.
"Do vậy mà khán giả mê sân khấu tuồng cổ đến xem rất đông. Tuy nhiên, nghi thức cúng đình vẫn giữ truyền thống biểu diễn hát bội với đầy đủ trình thức cúng bái mà người xưa đã kiến tạo" – NSƯT Kim Tử Long chia sẻ.
Bình luận (0)