Thông điệp mà đạo diễn Lê Trung Thảo gửi đến khán giả là hình tượng người mẹ đã sản sinh những người con vĩ đại cho đất nước. Chính câu hò, lời ru của mẹ là kim chỉ nam đưa các con đi đến hết cuộc đời, từ những con người bình thường trở nên phi thường.
NSƯT Lê Trung Thảo (Ảnh: DƯƠNG THẢO)
.Phóng viên: Đến nay, anh có hài lòng với những gì mình đạt được trong nghệ thuật?
- NSƯT LÊ TRUNG THẢO: Những gì tôi đã trải qua và đạt được trong nghệ thuật, dù vui, buồn, thành công hay thất bại, đều cho tôi những bài học quý giá.
Tôi nghĩ những thành quả đạt được đã đánh dấu một sự khởi đầu cho hành trình mới trong tương lai. Để có thể tiến xa hơn trong nghề, tôi còn phải nỗ lực học hỏi và phấn đấu nhiều.
.Là đạo diễn chuyên dàn dựng, thể hiện nhân vật mang tính thể nghiệm, anh mong muốn điều gì ở các tác phẩm này trước thực tế khắc nghiệt là khó bán được vé?
- Tôi hy vọng với sự thể nghiệm này sẽ khám phá được những điều mới mẻ cho nghệ thuật cải lương qua hình thức mới. Nếu thành công, việc này sẽ góp phần tạo nên trào lưu mới, đủ sức hấp dẫn các bạn trẻ tiếp cận nghệ thuật thể nghiệm trên sân khấu cải lương.
Loại hình này kén khán giả, khó bán vé nhưng tôi tin nếu được đầu tư đúng, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa truyền thống và hiện đại thì hoàn toàn có thể mở ra con đường mới cho cải lương thể nghiệm.
.Là người dàn dựng nhiều vở cải lương tham dự các liên hoan, anh nhớ nhất điều gì?
- Tôi nhớ nhất là Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp năm 2015 ở Bạc Liêu. Khi đó, vở "Trung thần" - tác giả, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương: soạn giả Hoàng Song Việt - đã làm thay đổi tư duy và nhận thức của tôi với vai Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Mới đây, tại Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp ở Long An, tham gia vở "Câu hò đất mẹ" cũng là một trải nghiệm quý trong nghề đối với tôi.
.Hiện nay, anh trăn trở điều gì khi nghĩ về diện mạo sân khấu cải lương?
- Tôi trăn trở nhất là người làm nghề phải đồng lòng khai thác và làm mới cải lương để sàn diễn hấp dẫn, lôi kéo khán giả. Đừng để một ngày nào đó, chất riêng đặc thù của cải lương biến mất. Theo tôi, cần tiếp cận công nghệ hiện đại, chọn lọc cái hay và phù hợp để áp dụng cho cải lương nhưng không làm mất đi chất truyền thống.
.Anh kỳ vọng điều gì về Liên hoan Sân khấu TP HCM do Sở Văn hóa - Thể thao và Hội Sân khấu thành phố tổ chức?
- Tôi mong đây sẽ là một sân chơi nghệ thuật mới cho bản thân và các bạn đạo diễn trẻ có cơ hội thử sức, học hỏi nghề lẫn nhau. Liên hoan này sẽ có nhiều kịch bản mới, hay của các đạo diễn, diễn viên, tác giả trẻ.
.Sau nhiều lần tham dự cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, anh có nguyện vọng gì?
- Cuộc thi cần mở rộng cho nhiều đối tượng, lứa tuổi và sở trường khác nhau tham gia. Tôi mong cuộc thi này sẽ ngày càng được quảng bá nhiều hơn khắp cả nước. Các buổi thi có thể công diễn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và các nhà hát lớn.
.Lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, anh ghi nhận điều gì sâu sắc nhất từ sự cổ vũ của khán giả kiều bào dành cho mình?
- Tại các nước châu Âu, khán giả kiều bào dành cho nghệ thuật cải lương nhiều thiện cảm. Bởi lẽ, cải lương đánh thức mạnh mẽ nhất về những ký ức đẹp trong lòng mỗi người Việt xa xứ. Tôi nhớ từng cái nắm tay hỏi thăm, từng cái ôm đầy ấm áp và biết ơn vì đã giúp họ đỡ nhớ quê hương. Lúc đó, tôi cảm thấy tự hào vô cùng khi mình là nghệ sĩ cải lương.
Với bạn bè quốc tế thì do ngôn ngữ bất đồng nhưng qua thần sắc biểu cảm của mình, họ cổ vũ nhiệt tình khiến tôi thật sự hạnh phúc.
.Dự án trong năm 2023 của anh là gì?
- Năm 2022, tôi đã có vai Lê Quýnh trong trích đoạn "Vong quốc" do chính mình sáng tác tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang. Năm 2023, tôi ấp ủ viết một vở diễn mới về một nhân vật lịch sử để tiếp tục dự thi.
.Nếu được chọn giữa diễn viên và đạo diễn, anh sẽ chọn nghề nào?
- Tôi hơi tham lam nên sẽ chọn cả hai và đó là khát vọng. Tôi còn là giảng viên đứng lớp, do vậy vai trò nào cũng mang lại những bài học quý. Đó là những chất liệu đắt giá để tôi làm nghề và phát triển sự nghiệp sân khấu.
Bình luận (0)