. Phóng viên: Điều gì khiến anh phấn khởi nhất trong thời điểm sau đợt phòng chống dịch bệnh, sàn diễn sáng đèn trở lại?
- NSƯT LÊ TỨ: Tôi cũng như các đồng nghiệp cảm nhận sâu sắc nghĩa cử của công chúng dành cho sàn diễn cải lương. Các suất diễn bắt đầu sáng đèn tại Nhà hát Trần Hữu Trang và công chúng đã đến xem, cổ vũ cho các diễn viên đã luôn thể hiện tâm huyết với nghề. Nhà hát cũng tiến hành kế hoạch xây dựng Nhà Truyền thống. Trong chuyến đi "Về nguồn" chiều 2-4 vừa qua, tôi cùng nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp đã được nghe các cô chú nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Nam Bộ ôn lại truyền thống "tiếng hát át tiếng bom"... Chúng tôi đã về lại quê hương Tiền Giang, nơi có nhà lưu niệm soạn giả - liệt sĩ Trần Hữu Trang để cùng dâng hương tưởng nhớ ông; ghé thăm rạp hát Thầy Năm Tú ở TP Mỹ Tho, rạp có tuổi đời trên 120 năm trong niềm phấn khởi trước những tín hiệu vui của rạp hát được tái hoạt động vào tối thứ sáu hằng tuần.
. Là sinh viên tốt nghiệp khoa đào tạo diễn viên cải lương tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM được đón nhận danh hiệu NSƯT, đó có phải là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh?
- Bên cạnh niềm hạnh phúc, tôi thấy còn đối mặt với nhiều áp lực. Tôi luôn đặt mình trong tư thế đứng trước thử thách để không phụ lòng các thầy cô đã đào tạo, dìu dắt. Tôi luôn đặt mình trong tư thế đạt thành quả từ phương pháp giảng dạy trong trường lớp, minh chứng cho một quan điểm chưa đúng trước đó rằng nghệ thuật cải lương chỉ nên học bên cánh gà sân khấu, nghĩa là chỉ nên học theo kiểu truyền nghề. Tôi không cho rằng cách dạy đó lạc hậu nhưng sự kết hợp của phương pháp đào tạo bằng giáo trình, giáo án được nghiên cứu chuẩn mực và những tiết được nhiều nghệ sĩ tài danh, có kinh nghiệm truyền nghề đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực.
. Nhiều nhà chuyên môn nhận xét anh có chất giọng trầm ấm nhưng đủ lực để bứt phá trong cách ca, có thể diễn xuất sắc kép mùi, kép lão, kép tính cách nhưng để được xem là kép đẹp, đảm nhiệm nhân vật trung tâm thì chưa "đủ lửa". Anh có suy nghĩ gì về nhận định này?
- Nhìn thấy ưu khuyết điểm của mình là một ưu thế trong nghề diễn viên. Năm đầu tiên đi học, tôi đã được các thầy dạy điều này. Tuy nhiên, đâu phải vở tuồng nào kép đẹp cũng làm nhân vật trung tâm, có những vai lão là nhân vật chính hoặc một vai phụ được đầu tư nghiêm túc, có khi vượt hẳn cả vai kép đẹp. "Đủ lửa" hay không còn tùy ở nỗ lực bản thân, để mỗi giai đoạn tuổi đời diễn viên trôi qua, nhìn lại hành trang bản thân mình có nhiều vai diễn được giới chuyên môn đánh giá "vai nghề". Mà để có "vai nghề" thì không phải muốn là được. "Ngọc nghề" muốn sáng phải rèn giũa không ngừng.
NSƯT Lê Tứ và các nhân vật trên sân khấu được khán giả yêu thích. Ảnh: HÀ NHƯ
. Anh đạt được nhiều thành tựu trong nghề, được mời làm giảng viên truyền nghề và làm giám khảo khá nhiều cuộc thi lớn. Giữa làm nghề diễn và nghề dạy, anh thấy nghề nào khó hơn?
- Cả hai đều khó. Nghề diễn đòi hỏi bản lĩnh, mỗi ngày phải rót cho đầy kiến thức, đam mê và bền chí sáng tạo. Còn nghề dạy đòi hỏi kỹ năng sư phạm, để các bạn trẻ có năng khiếu hiểu đúng và sai trong cách ca, cách thể hiện nhân vật. Qua nhiều đợt được mời tham gia làm huấn luyện viên trong cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" do HTV tổ chức, tôi luôn có sự cầu toàn nên đòi hỏi thí sinh trong đội phải tập trung cao độ... Tôi thấy cả hai nghề đều khó nhưng tôi thì luôn vững tay chèo, nghĩa là đặt mình ở vị trí cần nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện.
. Anh luôn nói về những trăn trở trong nghề. Dường như chưa bao giờ anh hài lòng với chính mình?
- Nếu tự hài lòng thì tôi đã chấp nhận mình tự đứng tại chỗ. Còn trăn trở thì vô số điều muốn nói, khi mà hiện nay chuẩn mực của nghề diễn viên được đào tạo như thế hệ chúng tôi vô tình bị so sánh với một số gương mặt đến với sân khấu chỉ vì đam mê. Họ nhờ công nghệ lăng xê, rồi qua những kênh YouTube trở nên nổi tiếng dẫu chỉ biết ca vài câu vọng cổ. Họ có chiêu trò nên dễ dàng tạo hiệu ứng cho tên tuổi, rồi bỗng dưng tự xưng là nghệ sĩ. Trong khi chúng tôi được thầy cô đào tạo, phấn đấu từng giai đoạn tuổi nghề, mới được nhìn nhận thì nay lại bị xếp ngang hàng với những "tên tuổi" nổi lên từ chiêu trò. Đó là điều bức xúc lớn của tôi.
. Vậy anh có đề xuất gì để thay đổi nghịch lý đó?
- Việc kiểm soát và thẩm định trình độ diễn viên, ca sĩ đang rất cần thiết hiện nay khi mật độ xuất hiện của các kênh YouTube tự quảng bá dày đặc. Chưa kể đến những bạn trẻ lạm dụng việc hát nhép, sao chép cách ca, cách diễn từ những vở cải lương kinh điển, rồi các game show chọn các tiết mục đó là tiêu biểu của cải lương chuyên nghiệp... Tôi cho rằng khi sự kiểm soát chặt chẽ đầu vào của các chương trình phát sóng phổ biến, từ truyền hình cho đến mạng xã hội thì những thay đổi về mặt biểu diễn chuyên nghiệp sẽ góp phần tạo diện mạo mới cho nghệ thuật.
. Nhìn lại hành trình đến với sân khấu cải lương, anh có hài lòng với những gì đã đạt được? Còn hoài bão nào anh chưa thực hiện?
- Tôi không thích khái quát "đủ và chưa đủ" của nghề diễn viên. Vì nghề này đến khi đầu bạc vẫn còn phải học. Còn hoài bão là có thêm nhiều cơ hội để đồng hành với các bạn trẻ, đang dấn thân vào nghề, giúp họ hiểu rõ hơn giá trị thiêng liêng của "Đạo hát" - nơi người nghệ sĩ không phải chạy theo danh vọng để được giàu có, mà phải đem nghệ thuật thức tỉnh lương tri người đời. Một vai diễn hay, một thông điệp đẹp có thể thay đổi suy nghĩ tiêu cực của vô số con người có hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tựu trung họ tìm đến sàn diễn để chiêm nghiệm chính mình và nhận được bài học từ những tiến bộ mà người nghệ sĩ phải đi trước thời đại để soi rọi cho người xem cùng đồng cảm. Sân khấu nếu thiếu tính đối thoại là sân khấu chết. Sàn diễn không gợi mở được những vấn đề từ cuộc sống, xã hội chỉ là một sàn diễn mua vui tầm thường.
Bình luận (0)