Tại TP HCM, hiện có 6 đơn vị xã hội hóa cải lương và công lập đang gấp rút chuẩn bị vở diễn Tết phục vụ khán giả. Chưa bao giờ không khí chào Xuân lại rộn ràng như hiện nay, bởi các sàn tập đông kín nghệ sĩ (NS). Sau những khó khăn do dịch Covid-19, NS cải lương đã ý thức rõ hơn việc đầu tư cho tác phẩm có sức sống mới để sàn diễn có thể sáng đèn qua hết tháng giêng.
Thay đổi tư duy đầu tư
Trên sàn tập của Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tại đình Nhơn Hòa (quận 1, TP HCM), soạn giả Bạch Mai và NS Hữu Huệ đã dành hết thời gian để tập luyện võ thuật, vũ đạo cho dàn diễn viên trẻ. Tại đây, NS Bạch Nga và Kim Phượng cũng đang thiết kế các bộ phận trang phục đẹp mắt, NS Trường Lộc chế tác đạo cụ, mũ mão cho vở "Sơn hà xã tắc" sẽ diễn tại Sân khấu Trịnh Kim Chi trong mùa Tết Tân Sửu 2021.
Vở “Áo cưới trước cổng chùa” có được sức sống bền bỉ nhờ vào hình thức dàn dựng mới lạ
Năm nay, nhiều vở Tết đặt yếu tố hài lên hàng đầu. Ở các mùa Tết trước, nhiều đơn vị xã hội hóa cải lương và công lập đã tính sai đường, dẫn đến đầu tư quá mức mà không lấy được vốn. Soạn giả Bạch Mai phân tích: "Thay đổi tư duy đầu tư vở diễn là điều hợp lý. Vì thực tế, khi đầu tư vốn làm vở Tết mà chỉ để diễn vài suất thì quá uổng, cho nên năm nay chọn kịch bản không còn dễ dãi như mọi năm, mà phải chọn vở đi được đường dài".
NS Chí Linh và Vân Hà cho rằng phù hợp nhất là chọn kịch bản hay để đầu tư cho vở diễn có sức sống qua đến tháng 4. Do đó, năm nay sân khấu Chí Linh - Vân Hà chọn kịch bản "Tứ tử đậu tân khoa" và dồn sức tập cho diễn viên trẻ. Tương tự, sân khấu Kim Ngân cũng làm sàn tập nóng lên với vở "Tam hỉ lâm môn"; nhóm NSND Thanh Ngân dựng vở "Cung đàn nào cho em", bên cạnh đã có sẵn 2 vở vẫn còn ăn khách: "Áo cưới trước cổng chùa" (vừa được bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn Giải Mai Vàng lần thứ 26-2020) và "Tướng cướp Bạch Hải Đường".
Trong khi đó, Nhà hát Trần Hữu Trang với 2 đoàn đang hoạt động cũng "nóng" dần với lịch tập tuồng cho mùa Tết. Vở "Tình yêu đảo chúa", "Nguyễn Hữu Cảnh", "Thủy chiến"... là những tác phẩm sẽ sáng đèn trong mùa Tết năm nay. Đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt cho rằng trọng trách của đạo diễn trong việc đi tìm hình thức dàn dựng phù hợp cho cải lương Tết là điều mà các sân khấu đang hướng tới.
"Trách nhiệm của người làm nghề là bên cạnh việc tìm vở diễn mang đủ yếu tố giải trí, định hướng thẩm mỹ còn là nơi để tạo cơ hội thi thố tài năng cho đạo diễn, diễn viên trẻ. Lấy bối cảnh mùa Xuân sau nhiều biến cố khó khăn của dịch bệnh làm đòn bẩy cho sự phát triển trong năm mới" - đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt bộc bạch.
Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết nhà hát đã thăm dò ý kiến khán giả, đặt mình vào vị trí người xem để tìm vở diễn mới cho mùa Tết. Điều cảm kích hơn là đa số NS đều đồng lòng, nhìn vào cục diện chung để cùng sáng tạo trong hình thức dàn dựng, biểu diễn, góp phần đem lại nhiều vở mới cho sân khấu cải lương.
Thích ứng để hội nhập
Từ sự thay đổi tư duy trong việc chọn lựa kịch bản để dựng vở Tết, bởi năm nay là dịp để các sân khấu cải lương nhìn lại nội lực. NSND Trần Minh Ngọc cho rằng các sân khấu cải lương từ công lập đến xã hội hóa đều phải ôn lại các bài học của quá khứ, nghiền ngẫm sâu hơn về vấn đề nhận thức, tiếp biến các giá trị để chung sức xây dựng, bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương.
"Tôi cho rằng chọn vở Tết một cách hời hợt không tồn tại trong tư duy đầu tư của nhà sản xuất. Các đơn vị nghệ thuật phải tự thích ứng để hội nhập. Hình thức dàn dựng, biểu diễn và những cải tiến về âm nhạc, cảnh trí, trang phục, kỹ xảo là điều phải hướng tới trong mùa làm vở Tết năm nay" - NSND Trần Minh Ngọc phân tích.
Trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, sân khấu cải lương hiện nay đang phải xử lý hàng loạt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế... Theo NSND Trần Minh Ngọc, bài học rút ra từ thực tiễn phát triển sân khấu cải lương chính là chiến lược đầu tư hình thức dàn dựng.
Nguồn kịch bản mới phải được trang bị đồng bộ, cùng diễn viên tài năng và lực lượng trẻ sẽ làm cho vở Tết hấp dẫn, thăng hoa. Đối với các nhà chuyên môn, cải lương là nghệ thuật tổng hợp, là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp thu và cải tiến các thành tố nghệ thuật, dung nạp được nhiều chất liệu.
"Cải lương có thể kết hợp với nhạc rap, nhạc trẻ, xiếc, ảo thuật để làm cho đời sống sàn diễn sinh động nhưng vẫn giữ được sự nền nã, quý phái mang tính truyền thống. Tôi cho rằng tính chất đổi mới, cách tân không ngừng của nghệ thuật cải lương đang là điểm đến trong mùa Tết này và kỳ vọng sân khấu sẽ sáng đèn liên tục" - NSƯT Ca Lê Hồng chia sẻ.
Hiểu được đặc điểm của mùa Tết năm nay, nhiều thế hệ NS đã chung tay gắn kết sáng tạo, để không ngừng cống hiến duy trì sức sống, sức hấp dẫn cho bộ môn nghệ thuật cải lương. Với tính năng động vốn có và tinh thần sáng tạo của NS, họ đã tự điều chỉnh, thích ứng để tồn tại trong đời sống sàn diễn đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, khán giả có nhiều sự lựa chọn, nên vở Tết cần cách tân phù hợp với yêu cầu của công chúng chính là điều mà các ông bà bầu, nhà đầu tư quan tâm.
Soạn giả HOÀNG SONG VIỆT: Trọng dụng người trẻ
Lần này tái dựng vở "Nàng Xê Đa" với phiên bản mới, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ đã kèm cặp đạo diễn trẻ Minh Trường, để đạo diễn này có thể học nghề từ thực tiễn. Hoặc đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt đẩy mạnh chiến lược chọn kịch bản của tác giả trẻ Nguyên Phương nhằm giới thiệu đến công chúng nhân tố mới; tương tự, sân khấu Chí Linh - Vân Hà cũng chọn kịch bản của Quang Nhã - một ngòi bút trẻ chuyên viết cải lương tuồng cổ.
Bình luận (0)