Phóng viên: Sau đêm giao lưu, biểu diễn và tôn vinh các nghệ sĩ sân khấu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp sân khấu cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với chương trình được đầu tư hoành tráng, ông có suy nghĩ gì?
NSƯT Minh Vương: Tôi vui mừng lắm! Tôi có thêm phần phấn khởi nữa vì sau khi kết thúc chương trình, các vị lãnh đạo của trung ương và thành phố đã lên sân khấu tặng hoa nghệ sĩ. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khi bắt tay tôi và trao tặng hoa, ông nói: "Tôi theo dõi truyền hình, xem anh hát. Anh vẫn giữ giọng hát thật tốt. Phải hát thêm 30 năm nữa".
Bí thư là người sâu sát, am hiểu nghệ thuật cải lương nên mới biết tôi đã phẫu thuật thay thận, mà có lần qua báo chí tôi nói vui, mình chỉ mới 34 tuổi, tính theo số tuổi của người hiến thận. Cho nên bí thư ví von nói tôi hát thêm 30 năm nữa. Mà thật lòng nghe lời động viên của ông, tôi không cho phép mình nghỉ hưu.
Kỳ vọng về một thế hệ trẻ tiếp nối đàn anh đi trước, chương trình vinh danh còn để lại điều trăn trở nào trong trái tim người nghệ sĩ đã có hơn 55 năm cống hiến cho nghệ thuật cải lương?
Tôi thấy thú vị trước đánh giá của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, là nghệ thuật cải lương rất hào sảng, nghĩa hiệp, lạc quan, luôn tỏa sáng và soi đường để làm giàu đẹp nhân cách dù bất kỳ thời đại nào. Cải lương còn là viên ngọc quý, là sản phẩm văn hóa thuần Việt đủ sức tạo ấn tượng đối với bạn bè năm châu.
Thế nhưng, chạnh lòng nhiều lắm, đêm về không ngủ khi mà ngay trên mảnh đất hội tụ biết bao tinh hoa mà cải lương không thể hồi sinh. Bàn quá nhiều phương cách cứu cải lương nhưng rồi chưa có chiến lược, giải pháp đồng bộ. Vinh danh sự cống hiến để rồi chúng tôi ngắm nhìn hào quang trong quá khứ chứ không dám tin sàn diễn sẽ sáng đèn, khán giả sẽ đến rạp với tinh thần hào sảng như trước đây.
Các nghệ sĩ: NSƯT Phượng Hằng, Tấn Giao, NSND Ngọc Giàu, NSƯT MInh Vương nhận hoa chúc mừng của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân sau chương trình biểu diễn tối 13-1.
Nhưng không chỉ bộ môn nghệ thuật cải lương, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống vẫn chịu chung hoàn cảnh?
Biết vậy, nhưng cải lương xuất phát từ quần chúng, được quần chúng nuôi lớn, tất nhiên không chết, chỉ có sàn diễn chết mà nguyên nhân ai cũng nói được, còn chung tay làm thì khó quá. Theo tôi, dù để cho các nghệ sĩ có nhóm xã hội hóa làm nhưng vai trò định hướng, đứng mũi chịu sào vẫn phải là nhà nước. Thả nổi cải lương quá lâu, mạnh ai nấy làm, có gì làm nấy, rồi đâm ra manh mún, vùng vẫy trong hào quang cũ. Tôi trăn trở khi nghĩ đến quỹ thời gian của mình không còn nhiều để đồng hành với các em trẻ. Nghệ thuật cải lương sẽ đi vào bảo tàng như hát bội, một khi không cất được tiếng nói chung với thế hệ trẻ hiện nay đang quá rành công nghệ, mà cải lương chưa vào được một cách ngọt ngào như điện ảnh, ca nhạc, thời trang.
Ông đã từng nói bằng công việc của mỗi cá nhân yêu nghệ thuật cải lương, hãy làm những điều có ích cho sàn diễn. Phải chăng ông đang có dự định cho nghề nghiệp của năm 2019?
Gần hết năm 2018, tôi và Thanh Tuấn có công bố thông tin ban đầu là sẽ tổ chức đêm chuyên đề sân khấu của cả hai. Vì chúng tôi cùng học chung thầy, cùng được bạn bè khán giả yêu mến bằng giọng ca có những thành tựu nhất định. Thế nhưng, quá cập rập vì gần Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, một số doanh nghiệp hứa tài trợ chưa thể đồng hành vì phải có kế hoạch trước, trong khi cuối năm họ không thể san sẻ với chúng tôi. Do vậy mà gác lại qua Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi sẽ tổ chức.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với NSƯT Minh Vương sau đêm diễn
Dư luận một dạo bàn tán xôn xao việc ông hát nhép trong vở "Tổ quốc nơi cuối con đường", rồi sau đó chính ông rút lui, trao vai diễn này lại cho nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh. Ông lý giải về điều này như thế nào?
Tối qua, tôi và Lệ Thủy song ca bài vọng cổ "Bánh bông lan" của soạn giả Loan Thảo, được khán giả khen ngợi. Cả hai chúng tôi đều ca bằng giọng thật. Trên thực tế lúc tập vở "Tổ quốc nơi cuối con đường", tôi có trao đổi với đạo diễn Lê Nguyên Đạt, anh đồng ý để tôi thu âm phần lời ca của vai diễn, vì thời gian tập dợt quá căng thẳng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi và ảnh hưởng đến suất diễn trong liên hoan cải lương toàn quốc. Sau khi nhiều ý kiến phản hồi, tôi nhận ra sự yêu mến của đồng nghiệp, họ quý tôi nên mới khuyên tôi nên giữ sức khỏe, không nên cố sức rồi ảnh hưởng đến vở diễn. Để tôn trọng ý kiến khán giả và nghệ sĩ đồng nghiệp, tôi rút khỏi vai diễn, trao lại cho diễn viên trẻ thể hiện vai của mình.
NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương song ca cổ bài tân cổ giao duyên "Bánh bông lan" của soạn giả Loan Thảo
Được khen ngợi khi vẫn còn đủ sức ca bằng giọng thật cùng với dàn cổ nhạc, ông có tự tin đêm chuyên đề của mình và NSƯT Thanh Tuấn sẽ hoàn toàn hát bằng giọng thật?
Tôi lưu ý đến điều này. Rõ ràng khi song ca với Lệ Thủy đêm 13-1, tôi ca rất khỏe. Thì đêm chuyên đề của tôi, vẫn ráng giữ sao cho giọng ca vẫn cao vút, ngọt ngào dù không thể bằng lúc còn trẻ nhưng đó là mục tiêu để tôi hoàn thành tâm nguyện của mình. Tôi và Thanh Tuấn cũng sẽ chọn trích đoạn vừa với sức mình để ca diễn cho tốt, tri ân khán giả mộ điệu. Dù một số nghệ sĩ đồng nghiệp khuyên nên thu âm câu vô vọng cổ, tránh cho việc dùng sức quá nhiều vì đêm chuyên đề chắc chắn sẽ phải ca nhiều bài vọng cổ, rồi vọng cổ trong các trích đoạn. Nhưng tôi vẫn cầu nguyện làm sao cho mình đủ sức ca vô vọng cổ như trong đêm 13-1 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Gần 70 tuổi rồi, làm một đêm chuyên đề duy nhất có lẽ khán giả sẽ không nỡ chê trách khi mình ca không như hồi thanh xuân.
Kính chúc ông thực hiện được điều kỳ vọng của năm 2019. Vì từ trước đến nay, nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp đã tổ chức live show cho riêng mình còn ông vẫn chưa thực hiện.
Đó là lý do tôi muốn tổ chức chung với Thanh Tuấn là để anh em chia sức. Không còn nhiều cơ hội để ca diễn nữa. Chính lời động viên của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã làm tôi phấn khởi, mong sớm chào đón khán giả đến với đêm chuyên đề sân khấu của chúng tôi.
Bình luận (0)