. Phóng viên: Sau bộ phim dài tập "Người tình bố già", dường như ông "đắt sô" đóng phim truyền hình?
- NSƯT THANH ĐIỀN: Nếu không phải giãn cách vì dịch bệnh bùng phát, có khi tôi đã quay xong 3 bộ phim mới. Tuy nhiên, vẫn ôm ấp vai diễn trong "Khi bố già trở lại", cũng dài 30 tập, tiếp nối sau "Người tình bố già".
Đúng là thời gian gần đây tôi đắt sô đóng phim. Nhiều dự án đang chờ khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại bình thường, tôi sẽ có mặt tại phim trường suốt để trả nợ các dự án đã triển khai mà chưa bấm máy.
. Được làm diễn viên của cả 3 bộ môn: cải lương, kịch và phim truyền hình, ông thích lĩnh vực nào nhất?
- Tôi xuất thân từ sân khấu cải lương và được đóng rất nhiều vai diễn đa dạng, nhờ đó tôi có nhiều trải nghiệm để cống hiến. "Chất" cải lương đã ngấm sâu trong máu mình rồi, khó mà quên được.
. Nhưng để diễn kịch và đóng phim không bị chê là "lai cải lương", chắc ông có bí quyết?
- Tôi học được cách tiết chế bản thân, gạt bỏ từng động tác dư thừa của bàn tay, điệu bộ. Phải nói nhờ thời gian làm việc với Đoàn Kịch nói Kim Cương, rồi sau này khi tập diễn vai Bác Hồ trong vở "Đêm trắng", làm việc với đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang, tôi đã ý thức được sự tiết chế cần thiết để khi diễn kịch hoặc đóng phim không bị động tác của vũ đạo, của điệu bộ xâm chiếm mình.
Bí quyết quan trọng nữa là xem các bạn trẻ ngày nay làm phim, làm kịch để học, để thẩm thấu góc nhìn mới từ hơi thở cuộc sống được họ phả vào không gian câu chuyện. Nhờ vậy, tôi hòa mình vào kịch và phim nhanh.
Vợ chồng NSƯT Thanh Điền - Thanh Kim Huệ. (Ảnh: THANH HIỆP)
. Vở "Dấu xưa" của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM diễn gần được 100 suất, ông nói gì về tuổi thọ của một vở kịch mà ông đóng vai chính?
- Tôi diễn vai Bác Hồ trong vở "Dấu xưa" tạo cảm xúc cho số đông khán giả trẻ. Đó là khi nhà hát đưa vở này phục vụ các trường cấp II, cấp III, sinh viên đại học và nhiều đối tượng khán giả khác nhau ở cả các trại cải huấn, nơi các phạm nhân đang được rèn luyện để chuẩn bị hội nhập cuộc sống cộng đồng. Diễn kịch về lãnh tụ mà được mọi người yêu mến, được đón nhận đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc rất lớn, cùng nhiều xúc cảm rất thiêng liêng. Tôi mong vở sẽ đạt kỷ lục 200 suất, để tôi tiếp tục được hóa thân vào nhân vật lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta.
. Lâu nay, NSƯT Thanh Kim Huệ sáng tác, ông đóng vai trò đạo diễn kịch bản của vợ. Hiện nay, dự án mới nào đang khiến ông bà hứng thú để cùng sáng tạo?
- Chất liệu sáng tác thì có nhiều từ cuộc sống nhưng viết những điều trăn trở thì phải nuôi chín cảm xúc. Hình ảnh lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã mang lại nhiều suy nghĩ cho chúng tôi. Chưa thể nói là sẽ viết, sẽ dựng ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng chúng tôi đang quan tâm đến đề tài này, bởi cái nghĩa đồng bào san sẻ khi hoạn nạn lớn lắm.
. Ông được giới chuyên môn đánh giá nội lực diễn xuất đa dạng, vai độc, vai hài, vai chính diện, thậm chí giả gái, ông đều thể hiện xuất sắc. Còn dạng vai nào mà ông chưa chạm đến?
- Ở tuổi này nếu được diễn vai điên và vai câm thì tôi sẽ có cách thể hiện khác hơn so với lúc còn trẻ. Người điên có thế giới đảo lộn nên là mảnh đất sáng tạo để nghệ sĩ tung tẩy. Người câm thì diễn bằng ánh mắt, bằng cơ mặt và tiếng ú ớ từ con tim. Với tuổi về chiều của đời nghệ sĩ, nhìn cuộc sống bằng đôi mắt người câm, diễn bằng cảm xúc người điên sẽ thú vị lắm.
. Đi diễn nhiều nước trên thế giới, ông nhớ nhất chuyến đi nào? Vì sao?
- Chuyến đi Pháp tháng 4-2013 do Hội Bảo tồn nghệ thuật cải lương "Về nguồn" tại Paris mời tôi và bà xã, cùng với NSƯT Trọng Phúc tham gia biểu diễn nghệ thuật cải lương tại Nhà hát Charenton (Paris). Ý nghĩa hơn, đây là lần đầu tiên sau 40 năm xa cách, vợ chồng tôi và 2 cô em Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân được diễn chung sân khấu. Suất diễn thu hút đông đảo khán giả kiều bào, họ cổ vũ vì chủ đề "Hương sắc cải lương" do tôi làm đạo diễn chạm đến nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.
Tôi mong có dịp quay lại Paris để được diễn cải lương, được phục vụ khán giả kiều bào, để giới thiệu với các bạn sinh viên Pháp nét đẹp của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương.
. Ông có dự định tham gia công tác giảng dạy?
- Sức khỏe và thời gian là 2 bài toán khó. Tôi chỉ truyền nghề ngay lúc làm việc chung với các diễn viên trẻ, thấy họ sai thì chỉnh sửa, thấy họ tốt thì động viên để họ phát huy. Còn chuyển hẳn sang việc đi dạy có lẽ chưa tới lúc, vì tôi vẫn còn đam mê cống hiến cho nghệ thuật dù nay tôi đã bước sang tuổi 76.
Làm nghề, với tôi hiện nay, còn mang trọng trách làm gương cho lớp trẻ. Nên những bài học mình truyền lại phải chuẩn, phải sạch và cần sự đối thoại từ người đón nhận. Mừng là diễn viên trẻ gọi tôi bằng ba, bằng bố, bằng thầy khá nhiều. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất hiện nay.
Bình luận (0)