.Phóng viên: Có câu nói "Tình yêu chân chính được ví như bóng ma: Ai nấy đều nói đến nhưng ít người trông thấy". Ở tuổi này, chị nghĩ gì về tình yêu chân chính?
- NSƯT THANH KIM HUỆ: Tâm hồn nghệ sĩ mong manh lắm, dễ bị tác động và cũng dễ bị tổn thương. Tất cả chỉ do nghĩ ngợi quá nhiều. Tôi thấm thía nhất lời nói của má tôi: "Hãy thương yêu người dám xả thân vì mình". Tôi thấy lời dạy ấy không sai. Năm 14 tuổi, khi ghe hát của gánh Hoa Phượng bị lật gần phà Vàm Cống, tôi bị chìm xuống nước. Khi đó, nghệ sĩ Thanh Điền (ông xã tôi sau này) - người tôi vốn ghét cay ghét đắng trong đoàn vì rất xấu, đen đúa, lại hay chọc ghẹo tôi - đã ôm chiếc trống cứu tôi đưa vào bờ. Từ sau nghĩa cử đó, tôi bắt đầu có cảm tình với người cứu mình.
NSƯT Thanh Kim Huệ. Ảnh: QUỐC HƯNG
Phải cảm ơn cái lần chìm ghe hữu duyên đó. Đến tuổi này, tôi hiểu để có được tình yêu và hôn nhân bền vững, mỗi người trong cuộc phải tự kiềm chế bản thân. Nghệ sĩ rất lãng mạn, rất dễ "say nắng" nhưng không vì ham mê phút chốc mà khiến mình gây nên những tổn thất cho gia đình. Danh tiếng và uy tín nghề nghiệp là "vòng kim cô" không cần câu thần chú. Nghệ sĩ hiểu được cái ngưỡng này thì sẽ biết hướng đi đúng.
Chúng tôi không lạc mất nhau
.Có thể nói, chị và anh Thanh Điền là một trong những cặp đôi nghệ sĩ có đời sống hôn nhân bền vững nhất đến nay, kể cả khi phải đối diện các vấn đề hết sức nan giải trong cuộc sống?
- Tôi cho rằng chỉ cần một hành động nhỏ thôi sẽ giúp mình xích lại gần nhau. Và cũng chỉ cần một hành động nhỏ thôi sẽ khiến mình mất đi những gì tốt đẹp đang có. Là phụ nữ, lại là nghệ sĩ thì độ nhạy cảm, mềm yếu càng cao nhưng với tôi, không bao giờ để mình rơi vào trạng thái nan giải.
Hồi đó, khi vở "Bến tương tư" của vợ chồng tôi đầu tư lớn cho nghệ thuật đã không đạt doanh thu như mong muốn, gây ra quá nhiều nợ nần, ông xã tôi nói "bán nhà trả nợ", tôi gật đầu ngay. Thế là từ nhà lớn dọn qua nhà nhỏ, liên tục như thế cho đến khi trả hết nợ. Suy nghĩ mà thông thì việc gì cũng vượt qua. Đồng vợ đồng chồng nên chúng tôi không lạc mất nhau.
."Tình yêu chân chính" được thể hiện thế nào trong các sáng tác của chị?
- Khi sáng tác kịch bản cải lương, tôi luôn đi theo nguyên tắc: Đằng sau mỗi bài hát cho nhân vật nữ là một câu chuyện chưa kể hết. Đằng sau mỗi nhân vật nam lúc say khướt là nhiều niềm đau chưa nói. Tình yêu chân chính ở trong tim và ý thức giữ gìn nó. Mỗi độ tuổi mình nhìn nó khác nhau. Với người nghệ sĩ, nó được lồng ghép trong sáng tác, trong vai diễn. Riêng tôi, nó được gửi gắm nhiều vào những bản thảo.
Chịu nhiều áp lực nhưng không gây "hiểm họa"
.Từ một nghệ sĩ biểu diễn chuyển sang sáng tác, chị nhìn nhận đây là lợi thế hay là công việc đầy áp lực?
- Tôi manh nha ý định sáng tác kịch bản từ lâu, hồi còn ở Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 rồi về Đoàn Cải lương Sài Gòn 3. Đó là lợi thế vì mình cung cấp ngay những kịch bản, đề tài mà đoàn đang cần.
Ông xã tôi có khả năng đạo diễn. Chúng tôi phối hợp nhau, từ trong ý tưởng đến kết cấu nội dung. Áp lực luôn bao vây nhưng không để xảy ra "hiểm họa". Bởi lẽ, hàng loạt các vở: "Xin đừng nói yêu em", "Em ơi! Đừng khóc nữa", "Nội ơi! Đừng ly dị", "Yêu và ghen", "Tôi không yêu đàn bà"… đều xuất phát từ cuộc sống; hướng đến tâm tư, nguyện vọng muốn được chia sẻ của giới trẻ.
.Thành công rực rỡ, tạo được tiếng vang qua nhiều cú đột phá trong nghề: làm phong phú cách ca vọng cổ hơi dài, thể hiện đa dạng các tính cách trong diễn xuất, sáng tác kịch bản cải lương..., chị có hài lòng với thành tựu của mình?
- Tôi nghĩ khi đã có được những gì mình muốn, tôi trân trọng và nuôi dưỡng nó. Tôi để thước đo của cuộc sống giúp bản thân thấy nên trân quý tình cảm mà công chúng dành cho mình. Chính tình thương yêu đó đã giúp tôi hiểu ra rằng chỉ có nỗ lực của bản thân là thành tựu tuyệt vời.
Hồi đó, tôi học cách ca hơi dài của nghệ sĩ Minh Cảnh, học cách đưa những câu ngâm Huế từ chị Mỹ Châu, cách luyến láy chân phương của chị Lệ Thủy. Tôi là đàn em nên học nhiều điều hay từ các anh chị đi trước, biến những thứ đúc kết được thành cái riêng của mình. Ngay cả cách diễn vai lẳng, vai hài tôi cũng phải nghiên cứu. Nỗ lực luôn là tâm niệm của tôi khi đến với nghề.
Không để mình trở nên vô vị
.Sàn diễn cải lương bây giờ không còn như ngày trước, các vở bắt đầu ít dần khi vai diễn dành cho thế hệ của các chị cũng vơi đi. Chị có cảm thấy mình trở nên tẻ nhạt với nghề?
- Cách nhìn nhận một vấn đề ra sao sẽ cho người khác thấy mình là người như thế nào. Nếu vì điều gì đó khiến tôi lung lay niềm tin thì quả thật cuộc sống của tôi quá tẻ nhạt. Tôi không khiến mình trở nên vô vị khi để phí phạm thời gian cho xu thế chung của toàn cầu.
Sân khấu truyền thống thì không riêng gì ở nước ta, các quốc gia khác đều bị tác động mạnh. Chưa kể dịch bệnh khiến cho mọi thứ trì trệ. Tôi chọn cách tích cực nhất để làm cho mình luôn bận rộn: Sáng tác kịch bản, thực hiện video ca cổ cho kênh YouTube, trò chuyện với diễn viên trẻ và tham gia hát từ thiện ở các chùa.
.Chị nghĩ gì về các diễn viên trẻ hôm nay?
- Đi diễn cùng các em, làm việc qua nhiều vở diễn, dự án, tôi thấy một số bạn trẻ rất chịu học, rèn giũa nghề. Cũng có vài bạn không chịu học, sớm bằng lòng với những gì mình có. Bây giờ mà tìm một đào đẹp, một kép đẹp vững nghề, có chất giọng hay, lời thoại có cảm âm tốt thì rất khó. Người có sắc vóc thì lỏng tâm lý, nhợt nhạt trong diễn xuất, giọng thoại lạc thần, trọng âm không ngữ điệu, biểu cảm rất tệ. Còn người có sắc vóc thì chán nản, không muốn theo nghề, an phận đến não lòng.
Tôi đã khuyên nhủ các em nhìn vào thế hệ vàng để thấy nhiều nghệ sĩ xoay trở số mệnh ngoạn mục, biến khuyết thành ưu, làm nghề bền vững cho tới tận ngày nay.
.Chị đúc kết như thế nào khi nói về thành công và con đường chông gai của nghề hát?
- Ngày nay, sàn diễn hiếm có vở để nghệ sĩ trải nghiệm, đó là thiệt thòi. Nhưng đừng vội muốn chạm tay vào thành công trong tích tắc. Không trau dồi chuyên môn, kiến thức nghề thì "chính danh" rất ít, "phụ danh" rất nhiều. Từ đó, sân khấu cải lương sẽ không có nghệ sĩ mà chỉ có "thợ diễn".
Kịch bản vừa thiếu vừa yếu
.Về sáng tác, là người am hiểu quy luật, lại có cái nhìn tận tường đối với sân khấu cải lương, chị đánh giá thế nào về sáng tác hôm nay?
- Kịch bản cải lương thiếu và yếu. Tôi nhận nhiều kịch bản mới để đọc, hết cảnh một đã biết cảnh hai, hết cảnh ba là biết ngay cái kết. Kịch bản cải lương cần hội đủ yếu tố hỉ, nộ, ái, ố. Nội dung phản ánh, ca từ, lời thoại phải mang tính đương đại. Còn vở theo đề tài dân gian, dã sử thì văn phong phải mượt mà, sâu sắc. Tôi cho rằng người viết phải thấm sâu vào lòng những cảm xúc chắt lọc được từ cuộc sống, từ những vấn đề day dứt của xã hội, mới mong chạm đến trái tim công chúng. Khuynh hướng sáng tác hiện nay không tuân thủ theo quy tắc này.
.Còn với mặt bằng giải trí hôm nay, chị có suy nghĩ gì trước sự bão hòa của kịch nói, phim truyền hình?
- Kịch nói cũng thiếu kịch bản hay; phim truyền hình thì như kịch được quay ngoại cảnh, thiếu ngôn ngữ hình ảnh, thiếu những mảng tối - sáng thể hiện nội tâm. Thực trạng chung là diễn viên chạy sô quá nên hồn vía nhân vật không được chăm chút. Vì thế, khán giả quay lưng là tất yếu.
Bình luận (0)