Tuần qua, với vở "Chờ" trên Sân khấu Kịch Quốc Thảo (TP HCM), NSƯT Tuyết Thu đã chứng tỏ năng lực của mình trong vai trò đạo diễn.
.Phóng viên: Điều gì đưa đẩy Tuyết Thu đến với nghề đạo diễn và giáo viên bộ môn kỹ thuật biểu diễn?
NSƯT Tuyết Thu (Ảnh do nhân vật cung cấp)
- NSƯT TUYẾT THU: Với vai trò giáo viên hướng dẫn bộ môn kỹ thuật biểu diễn, tôi được nghệ sĩ Quốc Thảo giao thực hiện một vở tốt nghiệp cho học trò.
Đang loay hoay tìm kịch bản thì tôi được xem vở kịch "Mình đã yêu nhau chưa" của tác giả Trần Vũ Thiên Lương, do Vũ Trần đạo diễn. Tôi rất thích vở kịch này và liên hệ ngay với Vũ Trần để xin phép có được kịch bản dàn dựng và lấy tên là "Chờ".
Đôi khi rất mệt nhưng tôi thấy mình như có thêm đôi cánh, được "bay bổng" trong công việc, trong sự tìm hiểu, học hỏi vì bản thân luôn khao khát vươn tới cái đẹp. Tôi rất vui vì được các diễn viên trẻ tiếp thêm sức thanh xuân.
.Chỉ bằng kinh nghiệm của một diễn viên, chị có gặp khó khăn khi làm công việc đạo diễn?
- Là tay ngang đến với nghề dàn dựng nên tôi phải học hỏi nhiều thứ. Tôi phải luôn cố gắng vượt qua những khó khăn của bản thân.
NSƯT Tuyết Thu phát biểu trong đêm công diễn vở “Chờ” do chị đạo diễn tại Sân khấu Kịch Quốc Thảo .Ảnh: THANH HIỆP
Với vở "Chờ", vài chi tiết trong bản dựng của Vũ Trần thật đáng yêu, thật đẹp. Tôi đã xin phép Vũ Trần được giữ lại và muốn các diễn viên trẻ thực hiện tốt những lớp diễn đó. Từ đạo cụ đến cảnh trí, phục trang, hóa trang đều do các em sáng tạo, mày mò làm ra.
Cô - trò đã nỗ lực góp phần làm cho không gian sáng tạo nghệ thuật tại Sân khấu Kịch Quốc Thảo có thêm nhiều cung bậc cảm xúc mới qua vở "Chờ". Trong vai trò đạo diễn, nhiều lúc dù phải la hét với các bạn trẻ nhưng tôi rất thương họ và cảm thấy hạnh phúc, hài lòng khi nhìn thấy thành quả.
.Trong số những người thầy đã dìu dắt Tuyết Thu đến với nghề, chị nhớ ơn ai nhất? Vì sao?
- Tôi là người ham học hỏi nên nhớ ơn nhiều người. Một chữ với tôi cũng là thầy và người thầy lớn nhất trong đời nghệ sĩ chính là công chúng. Khán giả thương yêu dành lời khen hoặc phê bình đúng chỗ, đó là người thầy mà nghệ sĩ phải luôn mang ơn.
Còn người thầy dìu dắt, chỉ dẫn, cho học trò thấy được ưu - nhược điểm thì tôi mang ơn tác giả Lê Duy Hạnh. Từ khi về cộng tác tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM với "Nguyệt hạ" rồi "Hồn thơ ngọc"..., chú luôn chỉ dẫn, phân tích, cắt nghĩa cho tôi biết thế nào là đúng - sai. Thầy Trần Ngọc Giàu cũng là người chỉ dẫn khi tôi về Nhà hát Kịch TP HCM.
Khi được tham gia nhiều sân khấu kịch, tôi mang ơn các anh, chị đồng nghiệp đi trước như: Khánh Hoàng, Thành Hội, Ái Như, Hồng Vân... Họ đã tận tình rèn giũa tôi.
.Có loại vai diễn nào mà Tuyết Thu chưa từng thâm nhập và thể hiện?
- Trước đây, tôi sợ đóng vai phản diện, tính cách. Song, khi về Sân khấu Hoàng Thái Thanh cộng tác, tôi lại thích được hóa thân vào các số phận nhân vật khác lạ, cụ thể là vai Bích Hồng trong vở "Màu của tình yêu" hay vai Nhung trong vở "Bạch Hải Đường". Đây là những vai phản diện đầy gai góc mà tôi đã được diễn. Cảm nhận rất khác khi diễn các vai này, rất mới lạ so với những gì lâu nay khán giả đã quen với hình ảnh của tôi.
.Từ nay đến hết năm 2024, Tuyết Thu có dự án mới nào không? Chị đang trông chờ điều gì đến với sự nghiệp nghệ thuật của mình?
- Tôi vẫn đi dạy, khi có vai phim ảnh hay sân khấu thì tham gia. Dự án của tôi không có gì to tát, chỉ là mong các diễn viên trẻ mà mình đào tạo sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành đồng nghiệp của nhiều nghệ sĩ.
Hiện nay, sàn diễn còn nhiều khó khăn song thấy các em vẫn yêu thích sân khấu, tôi rất xúc động. Các em chính là hiện thân của tôi ngày trước, mang khao khát cháy bỏng để được làm nghề và hướng tới những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
.Điều gì khiến Tuyết Thu trăn trở nhất trong sự nghiệp của mình? Nếu phải chọn giữa nghề diễn viên và đạo diễn, chị sẽ chọn công việc nào?
- Điều tôi trăn trở là nhiều diễn viên hiện nay ít vốn từ vì ít đọc sách văn học. Các em không tự nâng cao nghề nghiệp bằng văn hóa đọc, đó sẽ là lỗ hổng lớn cho sàn diễn.
Tôi khó thể dứt mình khỏi ước mơ được hóa thân vào nhiều số phận trên sân khấu và màn ảnh. Song, nghề đạo diễn chính là sự vận dụng tư duy để làm nên những câu chuyện được kể từ cảm xúc của mình. Cả hai nghề hỗ trợ cho nhau và tôi mong mình sẽ có đủ nghị lực làm tốt cả hai vai trò này để được đồng hành với các bạn trẻ, để thấy mình lúc nào cũng thanh xuân.
NSƯT Tuyết Thu tên đầy đủ là Liễu Thị Tuyết Thu, sinh năm 1971 tại Sài Gòn, là con út trong gia đình không ai theo nghệ thuật. Từ nhỏ đã đam mê văn nghệ, Tuyết Thu thi khóa diễn viên cải lương tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM theo ý của gia đình.
Sau khi ra trường, nhờ có năng khiếu vũ đạo, Tuyết Thu được NSND Thái Ly tuyển làm diễn viên múa cho chương trình ca múa nhạc dân tộc của Saigontourist. Sau đó, chị đầu quân vào nhóm múa của NSND Kim Quy thuộc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM.
Năm 2002, Tuyết Thu ghi dấu ấn qua vai diễn bác sĩ Oanh trong bộ phim truyền hình "Blouse trắng" của đạo diễn Mỹ Hà, hãng TFS sản xuất.
Tuyết Thu đã đoạt Giải Mai Vàng năm 2008 với vai Hạ trong vở "Đôi bờ". Năm 2016, HTV Awards đã trao tặng chị giải thưởng "Nghệ sĩ cống hiến"...
Bình luận (0)